Một năm sau vụ thi hành án Lê Văn Mạnh: Việt Nam tiếp tục kết án tử hình nhiều người
2024.09.19
Căng bạt lên ngôi mộ để có thể thắp hương trong cơn mưa tầm tã vì ảnh hưởng của bão Yagi, người mẹ già 67 tuổi tất bật làm lễ giỗ đầu cho con trai là ông Lê Văn Mạnh vào ngày 10/9/2024.
"Ngoài gia đình ra, mấy mẹ con, bà cháu xuống thôi cũng chẳng có ai xuống gì cả vì mưa to gió lớn không có ai đi được, người ta đang chực chờ chạy bão," bà Nguyễn Thị Việt kể lại.
Đúng ngày 8 tháng 8 Âm lịch của một năm trước (ngày 22/9/2023), tử tù kêu oan 18 năm bị Công an tỉnh Hòa Bình đưa đi thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế và các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Cơ quan chức năng sau đó đưa thi thể của người đàn ông sinh năm 1982 chôn cất tại Nghĩa trang Chợ Nhàng (thành phố Thanh Hoá), cách nhà đến hơn 50 km rồi mới thông báo cho người thân biết.
Năm 2005, khi mới 23 tuổi, ông bị cho là thủ phạm trong vụ án "hiếp dâm và giết" một nữ sinh ở cùng thôn và bị kết án tử, mặc dù ông liên tục kêu oan và có nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra.
Bà Việt cho biết, một năm rồi nhưng phần mộ của con mình vẫn để nguyên không xây sửa gì và cũng không bốc mộ đưa về nghĩa trang gần nhà, do nguyện vọng của Mạnh muốn được minh oan. Bà nói với RFA trong ngày 19/9:
"Con tôi bị chết oan, gia đình rất bức xúc, rất là đau buồn, lúc nào nỗi đau trong lòng cũng trỗi dậy chứ chưa có khả năng nguôi ngoai được.
Nhưng bây giờ người chết cũng chết rồi, còn người sống thì gia đình chúng tôi cũng xác định gượng dậy để đi kêu oan cho con đến nước đường cùng để đem lại công bằng, công lý cho nó."
Gia đình tiếp tục gửi đơn cho Chủ tịch nước, Viện kiểm sát và Văn phòng Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Sau cái chết của người thanh niên này, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc chuyên về các vụ giết người phi pháp lên án Chính phủ Việt Nam, đồng thời kêu gọi tuân thủ các cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền lợi của tử tù và minh bạch trong việc thực hiện các án tử hình.
Chuyên gia về án tử hình của Ân xá Quốc tế ngay sau đó cho rằng việc thi hành án đối với ông Mạnh là "kinh tởm" bất chấp vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng và vi phạm quyền được xét xử công bằng, cùng với cáo buộc tra tấn để buộc nhận tội.
Vì sao Việt Nam vẫn duy trì án tử?
Trong hai dịp Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của lần thứ 3 (vào năm 2019) và lần thứ 4 vào tháng 5 năm nay, hàng chục quốc gia đã khuyến cáo Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc hội Việt Nam chưa có kế hoạch sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cho dù số tội danh bị án tử hình đã giảm hơn nhiều so với Bộ luật Hình sự 1999.
Số lượng án tử hình vẫn là bí mật quốc gia, cho dù truyền thông nhà nước vẫn đưa tin về các vụ án có bị cáo bị kết tội tử hình.
Vẫn theo truyền thông nhà nước, trong báo cáo trong tháng 5/2024 gửi Quốc hội về công tác của ngành kiểm sát từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thụ lý 259 hồ sơ/338 bị án tử hình, và ban hành 258 Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.
Tháng 4 vừa qua, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị toà án kết tội tử hình vì tội “tham ô tài sản.” Từ đó cho đến nay, báo chí Nhà nước cho hay có ít nhất sáu người khác bị kết án tử hình. Ba trong số họ bị kết án vì vận chuyển ma tuý, số còn lại phạm tội giết người.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung từ Đức lý giải với RFA về việc Việt Nam phớt lờ khuyến cáo của quốc tế:
“Theo tôi, lý do chính để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thi hành án tử hình là để tạo sự khiếp sợ trong người dân.
Chúng ta đều biết rằng chế độ độc đảng có thể cai trị toàn thể nhân dân Việt Nam là dựa vào sự sợ hãi, nghĩa là phải dựa vào bạo lực.
Bản thân tôi khi bị bắt về tội chính trị thì cũng bị khép vào khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình."
Theo nhận định của ông, trong vụ án của Lê Văn Mạnh, những bên tham gia quá trình tố tụng là công an, kiểm sát và toà án đã có những sai phạm nghiêm trọng và họ mong muốn kết thúc vụ án để không còn ai kêu oan nhằm che giấu sai phạm, đồng thời tỏ ra là không chịu sức ép của dư luận quốc tế.
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh hiện đang tị nạn ở Mỹ, cho rằng tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất và không thể nào khắc phục lại được nếu có sai lầm.
Ông cho rằng, xu hướng chung của thế giới văn minh là bãi bỏ hình phạt này và áp dụng mức án chung thân cũng đủ nghiêm khắc răn đe, và có cơ hội để cơ quan chức năng sửa sai nếu có.
Quốc tế tiếp tục kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ án tử hình
Tổ chức Ân xá Quốc tế coi án tử hình là hình phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục con người. Tổ chức này phản đối án tử hình trong mọi trường hợp mà không có ngoại lệ- bất kể người bị buộc tội là ai, bản chất hoặc hoàn cảnh của tội ác, phạm tội thực sự hay vô tội hoặc phương pháp hành quyết.
Trong tin nhắn gửi RFA ngày 18/9, Phát ngôn nhân của Ân xá Quốc tế nói:
“Việt Nam tiếp tục che giấu các vụ hành quyết trong bí mật, theo tổ chức Ân xá Quốc tế, đây là nỗ lực trắng trợn nhằm ngăn chặn sự giám sát, thể hiện sự tàn ác đối với những người trực tiếp liên quan.
Sự bí mật bao quanh các số liệu về việc sử dụng án tử hình ở quốc gia này, cùng với tình trạng thiếu minh bạch chung về các vụ hành quyết và thủ tục tử hình, khiến chúng ta không thể nắm bắt được toàn cảnh và có bao nhiêu người hiện đang bị kết án tử hình.”
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Vương quốc Anh kêu gọi Hà Nội bãi bỏ án tử hình để tuân thủ nghĩa vụ của mình với tư cách là một quốc gia tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và tập trung vào việc đưa ra các biện pháp lâu dài để giải quyết tận gốc rễ của tội phạm.
Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) cũng lên án việc Việt Nam tiếp tục áp dụng án tử hình, coi sự việc trầm trọng hơn khi Hà Nội xếp thông tin về áp dụng án tử hình là bí mật quốc gia và qua đó ngăn cản sự giám sát cùng trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Stella Anastasia, Đồng Trưởng phòng Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, và Đông Nam Á của OMCT, bày tỏ lo ngại với RFA rằng "các cá nhân có thể bị kết án tử hình chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ như quyền tự do ngôn luận và hội họp,” mặc dù trên thực tế những năm gần đây chưa có ai ở Việt Nam bị kết án tử vì bày tỏ bất đồng chính kiến.
OCMT cũng quan ngại đến điều kiện giam giữ tử tù ở Việt Nam vô nhân đạo một cách đáng báo động, với các cơ sở quá tải, biệt giam kéo dài và việc sử dụng xiềng xích không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về nhân quyền.
Tổ chức bày tỏ nghi ngờ nghiêm trọng về hiệu quả của các loại thuốc sản xuất trong nước được sử dụng để hành quyết, làm dấy lên lo ngại rằng phương pháp này có thể tương đương với tra tấn hoặc các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.
Vì các quan ngại trên, OMCT kêu gọi Việt Nam bãi bỏ án tử hình và trong thời gian tạm thời, hoãn ngay lập tức việc thi hành án.
Tuy chưa bãi bỏ án tử hình nhưng trong vài năm gần đây, Việt Nam cũng ân giảm nhiều án tử hình xuống chung thân nhưng không nêu danh tính của người được ân xá.