Quốc hội Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn Công ước xoá bỏ lao động cưỡng bức, Hiệp định tự do thương mại với Châu Âu

RFA
2020.05.20
   Hình minh hoạ. Cao uỷ Liên minh Châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi văn kiện sau lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019
Reuters

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 20/5, Quốc hội Việt Nam đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và hai hiệp định với Liên minh Châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Công ước 105 về Xoá bỏ lao động cưỡng bức là 1 trong 3 công ước mà Việt Nam hứa phải thông qua để có được EVFTA với EU. 2 công ước kia là Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức. Hồi tháng 6 năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Công ước 98.

Đọc tờ trình trước Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh nói việc phê chuẩn Công ước 105 là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)  và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Liên quan đến hai hiệp định với Châu Âu là EVFTA, và EVIPA, hồi tháng 2 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua hai hiệp định này.

Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành mà Việt Nam đã ký với các thành viên EU.

Đối với EVFTA, tờ trình của Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luận của mỗi bên.

Theo quy định về hiệu lực EVFTA, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định có hiệu lực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.