Xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng lại sau hai năm sụt giảm

RFA
2021.05.03
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng lại sau hai năm sụt giảm Cá basa được chế biến trước khi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Việt Nam.
AFP

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam bắt đầu tăng trở lại vào tháng ba vừa qua sau hai năm liên tiếp sụt giảm.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa tin như vừa nêu ngày 3/5.

Tin cho biết, nếu trong hai tháng vừa qua, cả về số lượng và giá trị xuất khẩu đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 thì sang tháng 3 đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 lên 336 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sang đến tháng 4, xuất khẩu cá tra đạt 142 triệu USD, tăng 3,6% so với một tháng trước đó.

Giá cá tra nguyên liệu hiện cũng tăng 1.500 đồng/kg so với thời điểm đầu năm, đang dao động từ 21.000 – 22.000 đồng/kg.

Nguyên nhân được nói do thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều khởi sắc, tiếp tục được xuất khẩu sang 134 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, châu Âu sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngach xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong ba năm; 90,3% trong vòng năm năm, và 100% trong vòng bảy năm.

Tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, hầu hết các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đều có xuất xứ từ Việt Nam. Việc này được đánh giá là ‘Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh đáng kể tại thị trường châu Âu’.

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cũng được nói là đang cải thiện kể từ giữa tháng ba vừa qua và được dự báo là sẽ hồi phục mạnh hơn vào những tháng tới, kể từ tháng năm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.