Việt Nam chuẩn bị kịch bản ứng phó cho những đợt dịch mới

RFA
2021.10.18
Việt Nam chuẩn bị kịch bản ứng phó cho những đợt dịch mới Hình minh hoạ: Người đạp xe trên đường phố Hà Nội hôm 28/9/2021 sau khi thành phố cho phép người dân tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời
AFP

Với việc bỏ lệnh giãn cách ở các tỉnh thành trên cả nước, nối lại các hoạt động kinh tế, giới chức Việt Nam đang lên kế hoạch cho những tình huống về các đợt dịch COVID-19 với những biến thể mới, nhấn mạnh đến việc sử dụng vắc-xin phòng dịch.

Sau khoảng bốn tháng thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt vì dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh, các tỉnh, thành ở Việt Nam bắt đầu dỡ bỏ giãn cách vào đầu tháng 10.

Chính phủ Việt Nam đã thay đổi chủ trương từ loại bỏ hoàn toàn những ca nhiễm bệnh khỏi cộng đồng sang sống chung với dịch, thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Hôm 18/10, Bộ Y tế Việt Nam ra clip hướng dẫn sáu biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19.

Theo clip này, Việt Nam nhấn mạnh việc xây dựng năng lực ứng phó dịch đối với ngành y tế, bao gồm việc đào tạo để truy vết dịch, tăng cường khả năng thu dung và điều trị chăm sóc người nhiễm bệnh.

Ngoài ra, clip cũng có hướng dẫn về xét nghiệm các trường hợp nhiễm bệnh, thay vì đại trà thì chỉ ở vùng nguy cơ cao; cách ly y tế không yêu cầu tập trung; tiêm phòng vắc-xin ưu tiên đối với người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, và công nhân làm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Cũng trong ngày 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng các nhà khoa học đầu ngành để bàn giải pháp khoa học công nghệ phòng, chống dịch trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, ông Đam đánh giá cao các thành tựu khoa học mà Việt Nam đạt được trong việc nghiên cứu sản xuất bộ kit chẩn đoán và vắc-xin ngừa COVID-19.

Hiện Việt Nam đang nghiên cứu bốn loại vắc-xin ngừa COVID-19 từ khoảng giữa năm 2020 đến nay nhưng chưa loại vắc-xin nào được duyệt để đưa vào sử dụng. Vắc-xin đi xa nhất là Nano Covax hiện vẫn trong giai đoạn đánh giá giữa kỳ giai đoạn ba.

Ông Đam yêu cầu Bộ KH&CN tiếp tục khẩn trương triển khai chương trình nghiên cứu vắc-xin cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, lưu ý đến vấn đề dự báo diễn biến dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh trong tương lai; công nghệ xét nghiệm thuận tiện, giá thành chấp nhận được cho số đông…

Phó Thủ tướng yêu cầu trong ba tháng phải có một hướng dẫn đến cả mạng lưới y tế cơ sở để giám sát dịch COVID-19 và các dịch tương tự tốt hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.