Ngành dệt may và giày dép xuất khẩu của Việt Nam bị tác động mạnh do lệnh Mỹ cấm bông từ Tân Cương

2023.04.28
Ngành dệt may và giày dép xuất khẩu của Việt Nam bị tác động mạnh do lệnh Mỹ cấm bông từ Tân Cương Một nhà máy dệt tại Tân Cương
AP

Ngành dệt may và giày dép xuất khẩu của Việt Nam bị tác động mạnh do lệnh của Hoa Kỳ siết chặt thêm việc nhập khẩu bông vải từ Tân Cương- Trung Quốc.

Reuters loan tin ngày 27/4 và cho biết ngoài tác động vừa nêu, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, ngành dệt may & giày dép xuất khẩu của Việt Nam đã phải cắt giảm 90 ngàn lao động do giảm đơn hàng toàn cầu.

Reuters nêu rõ trong số những nước xuất khẩu hàng dệt may và giày thể thao, Việt Nam đang phải chịu tác động nặng nề nhất từ Đạo luật Hoa Kỳ Ngăn chặn lao động Cưỡng bức Người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ)- UFLPA. Đạo luật này có hiệu lực từ tháng 6/2022. Theo đó các công ty nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ phải chứng minh không sử dụng nguyên liệu thô hoặc thành phẩm dựa vào lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Trung Quốc.

Reuters dẫn số liệu của Cục Hải quan & Biên Phòng Hoa Kỳ cho thấy tính đến ngày 3/4/2023, trong số các lô hàng dệt may và giày dép nhập khẩu trị giá 15 triệu USD bị tạm giữ theo Đạo Luật UFLPA, hơn 80% là hàng nhập từ Việt Nam. Chỉ có 13% số hàng Việt Nam được thông quan.

Giá trị các lô hàng dệt may và giày dép của Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ bị từ chối thông quan cao gấp ba lần so với các lô hàng của Trung Quốc kể từ khi Đạo Luật UFLPA được thực thi chặt chẽ trong những tháng đầu năm nay.

Theo Reuters, dù các lô hàng bị tạm giữ để kiểm tra chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng trị giá 27 tỷ USD hàng dệt may và giày dép mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hồi năm ngoái, nhưng các rủi ro liên quan đến tuân thủ đạo luật UFLPA “có thể dẫn đến những điều chỉnh đau đớn hơn cho Việt Nam”.

Ông Sheng Lu- Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang & Hàng May mặc tại Đại học Delaware, Hoa Kỳ nhận định: “Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nguyên liệu dệt cotton từ Trung Quốc cũng có nghĩa là có nguy cơ đáng kể nguyên liệu dệt này có chứa cotton từ Tân Cương, nơi sản xuất hơn 90% cotton của Trung Quốc”.

Ông Shenglu cho rằng Việt Nam khó có thể giảm mạnh sự phụ thuộc đó. Lý do là nhiều nhà sản xuất hàng dệt may ở Việt Nam thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.