Cùng với tin tờ báo VietNamNet chuyển về trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các tin bài liên quan đến việc kỷ luật ông Đào Ngọc Dung - tân Bộ trưởng của bộ mới này cũng được lặng lẽ rút đi không rõ nguyên do.
Hôm 2/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định về Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) sau khi tái cơ cấu, cho thấy chỉ còn tờ báo VnExpress trực thuộc bộ này.
Báo VietNamNet, vốn thuộc Bộ KH&CN dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt việc chuyển về trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong tháng 3 năm 2025.
Ngày 3/3, khi phóng viên kiểm tra các bài viết trên VietNamNet - thời điểm tháng 5/2024 về việc xử lý kỷ luật đối với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã không còn.
Trưa cùng ngày, có ít nhất bốn bài viết khi truy cập đường dẫn đều được thông báo “không tìm thấy đường dẫn này, bao gồm: “Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH”, “Đề nghị kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH”, “Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội”, “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm tại Bộ LĐ-TB&XH”.
BBC News Tiếng Việt là tờ báo đầu tiên chỉ ra sự việc này. Đến khoảng 10 giờ tối, khi truy cập các đường dẫn này đều trả về trang chủ của tờ báo.
Tuy nhiên, những bài viết này vẫn được lưu trên công cụ Wayback Machine của trang Internet Archive, một công cụ lưu trữ các phiên bản cũ của bất kỳ website nào trên Internet.
Không rõ việc xóa các bài viết này diễn ra vào thời điểm nào, phóng viên RFA đã nhiều lần gọi điện thoại cho đường dây nóng của VietNamNet để hỏi về sự việc nhưng không có ai nhấc máy.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người có nhiều bài viết và video phản biện trên YouTube về chính trị Việt Nam đặt ra giả thiết cho rằng, nếu các bài viết được xóa sau khi Chính phủ công bố thông tin ông Đào Ngọc Dung làm tân Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo và VietNamNet chuyển về trực thuộc bộ này thì khả năng cao là do ông Dung yêu cầu.
Theo ông Đài, cũng có một khả năng khác là tổng biên tập của tờ báo có thể tự kiểm duyệt từ trước khi nghe thông tin về số phận của tờ báo mình chuyển về dưới quyền của ông Đào Ngọc Dung.
Bộ Dân tộc & Tôn giáo
Hôm 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc & Tôn giáo, một bộ mới hoàn toàn được hình thành trên cơ sở chuyển giao toàn bộ Ban Tôn giáo trực thuộc Bộ Nội vụ và chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo.
Bộ này có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo, hai lĩnh vực được xác định là cực kỳ nhạy cảm đối với chế độ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Chính nhấn mạnh cho rằng, không để các thế lực thù địch, phản động kích động vấn đề tôn giáo, gây chia rẽ giữa các tôn giáo và lưu ý nhiệm vụ triển khai internet vệ tinh để phủ sóng internet, thúc đẩy chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáp nhập tỉnh: động cơ chính trị và hệ lụy
Nhóm lợi ích của ông Tô Lâm gồm những ai?
Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng
Ông Đào Ngọc Dung giữ chức bộ trưởng bộ này từ ngày 18/2 dù đã hai lần bị kỷ luật Đảng.
Tháng 7/2006, khi đang là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông bị khiển trách và phân công công tác khác vì đã vi phạm quy chế thi tuyển nghiên cứu sinh Học viện Hành chính Quốc gia. Báo Nhà nước vào năm 2006 đưa tin “ông Đào Ngọc Dung - ủy viên Trung ương (T.Ư) Đảng, bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH tại Học viện Hành chính quốc gia.”
Đến tháng 4/2024, ông Đào Ngọc Dung tiếp tục bị kỷ luật lần thứ hai vì đã để xảy ra sai phạm liên quan đến công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) thời điểm giữ chức Bộ trưởng Lao động & Thương binh xã hội từ năm 2016-2021. Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người hiện đang trốn lệnh truy nã ở Việt Nam - có liên quan đến những sai phạm về gian lận thầu và đút lót tại nhiều địa phương đã bị điều tra và kết án trong thời gian qua.
Ông Dung đã bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đây là hình thức kỷ luật thấp nhất trong các mức kỷ luật của Đảng gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
Theo ông Đài, trong kết luật của Bộ Chính trị xét kỷ luật Đảng ông Đào Ngọc Dung hồi năm ngoái, ông này không những vi phạm về mặt Đảng mà còn “làm trái quy định pháp luật”.
Luật sư Đài từ Đức nhận định với RFA:
“Theo điều 16 của Hiến pháp mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, anh đã vi phạm pháp luật rồi thì anh phải bị xử lý đằng này ông Đào Ngọc Dung không bị xử lý mà còn được giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và giờ lại được chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ dân tộc và tôn giáo.
Điều này có thể được hiểu là ông đang nằm trong một hệ thống một phe cánh đang rất mạnh ở Việt Nam, đang nắm những xu hướng chính trị mà người ta cho rằng ông đang nằm trong phe cánh của Tô Lâm.”
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung vào ngày 25/2 được điều động làm Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn Giáo.
Người thay thế chức vụ của ông Trung là thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, quê ở Hưng Yên, cùng quê với Tổng bí thư Tô Lâm.