Sửa đổi hiến pháp và những động thái bất thường

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013.03.20
14826_2734116169767_13750215_305.jpg Giáo dân ký kiến nghị đòi hủy điều 4 hiến pháp 1992 tại nhà thờ Thái Hà.
Courtesy Huỳnh Ngọc Chên Blog

 

Cuộc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 tiếp tục diễn ra. Có nhiều ý kiến và động thái cho thấy có những bất thường hiện nay.

Những con số

Sau khi Ủy ban Dự thảo Sửa đối Hiến pháp năm 1992 lên tiếng kêu gọi người dân góp ý và không có vùng cấm nào trong đợt góp ý hiện nay. Sau đó đã xuất hiện những bản kiến nghị được phổ biến công khai trên những mạng và qua các mạng xã hội nhiều người tham gia ký tên.

Nổi bật là bản kiến nghị góp ý sửa đổi dự thảo hiến pháp năm 1992 do 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng. Đại diện của nhóm này vào ngày 4 tháng 2 đã đến văn phòng Quốc hội phụ trách về vấn đề sửa đổi hiến pháp để chính thức gửi bản kiến nghị đó.

Cho đến thời điểm giữa tháng 3 con số người ký tên ủng hộ bản kiến nghị do 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng đó được cho biết đã đến con số 10 ngàn người.

Một bản kiến nghị khác đến lúc này cũng có số chữ ký ở mức chục ngàn người là bản nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Văn bản này cũng được người đại diện của Hội đồng Giám Mục Việt Nam đích thân đến trao cho Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992.

Đến nay cũng có gần 8.000 ngàn người ký tên vào tuyên bố của nhóm Công dân mạng Tự do với những ý kiến mạnh mẽ không những đòi hỏi bãi bỏ điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà cần phải tổ chức Hội nghị Lập hiến, thiết lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam.

Phản kích từ chính quyền

Nhiều người cho biết bản dự thảo này do công an và hội đoàn địa phương đem đến tận nhà, yêu cầu người ta ký tên trước đi. Nếu không có thời gian thì từ từ đọc sau.
Ô. Trương Minh Đức

Trong một động thái được cho là khá hiếm hoi, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 đã có công văn trả lời cho nhóm 72 nhân sĩ, trí thức mà đại diện là cựu bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc. Tuy nhiên trả lời đó cho rằng những kiến nghị được đưa ra chưa đúng qui định của luật pháp Việt Nam.

Tiếp theo là lên tiếng của những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và chính phủ đối với những kiến nghị của các tầng lớp người dân, nhất là đối với kiến nghị hủy bỏ điều 4 trong hiến pháp qui định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cô Phạm Thanh Nghiên, một cựu tù nhân lương tâm hiện bị quản chế tại Hải Phòng phát biểu về ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, khi chỉ trích những người kiến nghị hủy bỏ điều 4 là suy thoái tư tưởng, đạo đức; cũng như những ý kiến phản hồi đối với phát biểu đó của ông Nguyễn Phú Trọng:

“Tôi và những người quan tâm đến tình hình Việt Nam đều còn nhớ lời của ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu với tư cách là tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang có mặc cảm, tự ti chính trị nên mới lên truyền hình để mà rêu rao, nói về sự lãnh đạo của Đảng… Nếu như ông không có mặc cảm tự ti chính trị, thì ông không nhất thiết phải nói như vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, đã ly khai khỏi lợi ích quốc gia dân tộc.

Sinh viên công giáo ở giáo phận Vinh, ký kiến nghị đòi hủy điều 4 hiến pháp 1992. Courtesy Nuvuongcongly.
Sinh viên công giáo ở giáo phận Vinh, ký kiến nghị đòi hủy điều 4 hiến pháp 1992. Courtesy Nuvuongcongly.

Lời của ông Nguyễn Phú Trọng ngay lập tức có rất nhiều lời phản biện. Chúng ta có thể thấy được rằng hiện nay và trong thời gian tới khi mà việc góp ý sửa đổi hiến pháp chưa chấm dứt thì cả hệ thống truyền thông của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vẫn cứ vận hành. Gần như có sự đối lập giữa hệ thống truyền thông trong nước và những dân cư mạng, đặc biệt trên facebook và báo lề trái.”

Ngoài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, còn có ý kiến của chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, liên quan chuyện kiến nghị phải xóa bỏ điều 4, phải phi chính trị hóa quân đội, phải có tam quyền phân lập… Hầu như ý kiến của những vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đều bác bỏ các kiến nghị được nêu ra cho rằng có thế lực lợi dụng đợt góp ý sửa đổi dự thảo hiến pháp 1992 lần này để phá Đảng…

Hệ thống truyền thông chính thức của Nhà Nước vào cuộc với những tuyên truyền cho vai trò lãnh đạo của Đảng, công ơn của Đảng… Thậm chí như tờ Đại Đoàn Kết còn đăng bài cho rằng trong những người ký tên vào kiến nghị do 72 nhân sĩ, trí thức đưa ra có những chữ ký nông dân giả mạo…

Một biện pháp nữa được chính quyền tiến hành là lấy chữ ký của người dân về góp ý sửa đổi dự thảo hiến pháp 1992 từ cấp cơ sở xã phường. cán bộ tổ dân phố mang những tài liệu đến giao cho từng hộ và yêu cầu chủ hộ ký tên đồng ý với những điểm được in ra trong tài liệu đó.

Tôi cho rằng đâu là sự thật thì hãy trưng cầu ý dân và yêu cầu quốc tế giám sát, đó mới là minh bạch.
Ô. Trương Minh Đức

Ông Trương Minh Đức, một người ký tên không đồng ý với văn bản do công an đưa đến nói về cách làm tại địa phương của ông như sau:

“Về phía người dân, tôi được nhiều người cho biết bản dự thảo này do công an và hội đoàn địa phương đem đến tận nhà, yêu cầu người ta ký tên trước đi. Nếu không có thời gian thì từ từ đọc sau. Hôm qua tôi cũng đi một ‘đám’, người ta cũng than phiền là bị người ta mang đến và hối thúc ký, bảo cứ ký đi rồi đọc sau. Người dân nói sao ký liền được, vì 16 chương như thế mà đọc bao nhiêu ngày mới hết, người ta không hiểu. Nhưng cứ ép thôi thì cứ ký vào đi, để người ta còn làm nhiệm vụ. Nhiều người dân phản ảnh : vấn đề này là buộc người ta ký.”

“Gậy ông đập lưng ông”

Không phải chỉ riêng ông Trương Minh Đức, mà một số người khác cũng cùng ghi rõ ý kiến của họ không đồng ý với văn bản được đưa đến cho họ như thế.

Ông Hồ Ngọc Nhuận, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hồi ngày 18 tháng 3 có bài viết đăng trên trang Bauxite Việt Nam tựa đề “Trò Trẻ con”. Theo ông Hồ Ngọc Nhuận thì có hai điều không nghiêm túc vì trong phiếu lấy ý kiến có ghi Ban chỉ đạo nhưng Ban chỉ đạo là ai thì không thấy. Thứ hai “Nội dung góp ý” có đến hai chữ “đồng ý”: đồng ý với toàn văn dự thảo và “đồng ý với những nội dung khác trong dự thảo”.

Ông Trương Minh Đức có ý kiến tiếp:

“Bây giờ cứ mỗi tối, trên kênh VTV người ta đả phá, họ cho rằng kiến nghị 72, hay một số người lợi dụng góp ý sửa đổi hiến pháp này là chống lại Đảng. Theo tôi trong vấn đề này, họ nói một vế của họ thôi. Nhưng bây giờ người dân Việt Nam có quyền đóng góp: thuận chiều cũng như trái chiều. Tôi cho rằng đâu là sự thật thì hãy trưng cầu ý dân và yêu cầu quốc tế giám sát. Đó mới là minh bạch, chứ bây giờ họ đưa một nhóm người hoặc vài ba người lên TV hằng đêm với hình thức đe dọa, yêu cầu người dân ký.”

Đối với nhiều người vấn đề sửa đổi hiến pháp là một việc làm hệ trọng của cả nước. Khi được kêu gọi lấy ý kiến, nhiều người nhất là các vị nhân sĩ, trí thức với trách nhiệm ‘quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách’ đã có những kiến nghị tâm huyết để có được một hiến pháp thật tốt. Trong khi đó cách làm của phía chính quyền thì theo nhiều người vẫn muốn duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà trong thực tế suốt những năm qua đã bộc lộ rất nhiều khuyết điểm, gây hại cho nhiều người dân và cản trở sự phát triển của quốc gia trong thế giới ngày nay.

 

 

 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.