Những tranh chấp trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam

Giáo sư chính trị học Carlyle A. Thayer của Học viện quốc phòng New South Wales, Úc, vốn nổi tiếng là một chuyên gia phân tích am tường các vấn đề của Việt Nam. Ông vừa có bài đăng trên báo Wall Street Journal về nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn An, phóng viên đài RFA
2008.06.21

CarlyleThayer_.jpg
Giáo sư chính trị học Carlyle A. Thayer của Học viện quốc phòng New South Wales, Úc,
Giáo sư chính trị học Carlyle A. Thayer của Học viện quốc phòng New South Wales, Úc,
Phóng viên Nguyễn An của đài RFA  tóm lược bài ông viết với tựa đề “ Hanoi Party Tricks”, tạm dịch là “Những Thủ pháp của Đảng ở Hà Nội”:

Phe cấp tiến không bao giờ chủ trương một nền báo chí độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, nhưng họ cho rằng nếu cho báo chí tự do một phần nào, thì đó sẽ là phương tiện để trấn áp tham nhũng và do đó, sẽ giảm thiểu những nguồn bất mãn đối với sự cai trị của đảng cộng sản. Nhưng phe bảo thủ thì không chấp nhận điều đó, mà họ cho là một sự thách thức đối với đảng, và hiện nay thì phe này có vẻ là đang thắng thế.
Giáo sư Carlyle Thayer

Gần đây, nói đến Việt Nam là người ta nói đến một quốc gia cải cách, đổi mới và điều đó giúp xóa nhòa dần cái gốc Cộng sản của đất nước này. Đầu tư nước ngoài thi nhau đổ vào, và kinh tế Việt Nam phát triển vượt trội so với các nước láng giềng. Hầu hết những tiến bộ ấy đựơc gắn liền với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đựơc mô tả như một nhà lãnh đạo năng động.

Ngay khi lên nắm quyền vào năm 2007, ông Dũng đặt ưu tiên hàng đầu cho chính sách đổi mới và chống tham nhũng. Dù hình ảnh của ông Dũng vẫn là hình ảnh cải cách, nhưng thực ra ông ta đang phải đối phó với những trận chiến càng lúc càng gay go, và thường thì ông thua hơn là thắng.

Hãy nói về báo chí, vốn là một mặt trận trọng yếu trong cụôc đối đầu giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến. Phải nói ngay rằng phe cấp tiến không bao giờ chủ trương một nền báo chí độc lập hòan tòan cho Việt Nam, nhưng họ cho rằng nếu cho báo chí tự do một phần nào, thì đó sẽ là phương tiện để trấn áp tham nhũng và do đó, sẽ giảm thiểu những nguồn bất mãn đối với sự cai trị của đảng cộng sản. Nhưng phe bảo thủ thì không chấp nhận điều đó, mà họ cho là một sự thách thức đối với đảng, và hiện nay thì phe này có vẻ là đang thắng thế.

Hồi tháng trước, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ bị cáo buộc tội lạm quyền và bị bắt giữ. Cả hai ký giả này từng tham gia điều tra vụ tai tiếng tham nhũng tại bộ Giao thông Vận tải với số tiền biển thủ để cá cược bóng đá lên đến chừng 7 triệu đô la. Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, thì các nhà báo này có thể bị tạm giam 4 tháng trước khi ra tòa, và nếu bị kết tội, thì có thể bị phạt tối thiểu một năm tù.

Vụ án này không thể đựơc nhìn một cách giản dị là một vụ đàn áp báo chí, mà phải thấy rằng đó là chỉ dấu cho thấy thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không kiểm soát đựơc chặt chẽ hệ thống quyền lực vì thực ra nó thuộc đảng cộng sản.

Góc cạnh luật trên báo giới Việt Nam


Riêng với cái tội lợi dụng chức vụ thì nó đã loại trừ cái việc áp dụng cho các nhà báo rồi. Do đó, dùng cái này để mà truy tố các nhà báo hoặc là khởi tố nhà báo thì rõ ràng là họ đã không đọc kỹ Luật Báo Chí và cần phải biết rằng Luật Báo Chí là một cái luật riêng.
    LS Lê Công Định
Trong thời gian qua , đài RFA ghi nhận nhiều ý kiến quanh vụ truy tố và bắt giữ hai nhà báo, qua đó một người trong giới am hiểu luật pháp  Lụât sư Lê Công Định phải ngạc nhiên:


“Theo Luật Báo Chí thì có những quy định là trong trường hợp đưa tin sai chẳng hạn là do những nguồn tin không chính xác, thì cái nghĩa vụ nhà báo cũng như tờ báo là phải có đính chính, và nếu có cái thiệt hại cho một cá nhân nào hay là cho một tổ chức nào đó thì họ phải bồi thường theo pháp luật dân sự.

Tức là Luật Báo Chí đã nói rất rõ về cái đó. Điều đó có nghĩa là gì? Tức là riêng với cái tội lợi dụng chức vụ thì nó đã loại trừ cái việc áp dụng cho các nhà báo rồi. Do đó, dùng cái này để mà truy tố các nhà báo hoặc là khởi tố nhà báo thì rõ ràng là họ đã không đọc kỹ Luật Báo Chí và cần phải biết rằng Luật Báo Chí là một cái luật riêng.

Có một nguyên tắc rằng là một khi đã có luật chung và có luật riêng thì người ta thường phải áp dụng luật riêng chứ không có áp dụng luật chung tổng quát được.

Cho nên tôi nghĩ rằng khi mà khởi tố vụ án này thì có lẽ cơ quan điều tra chưa tham khảo kỹ luật riêng, đó là Luật Báo Chí.”

Cán cân quyền lực


Trong cùng nôi dung bài viết “ Hanoi Party Tricks”, Ông Carlyle A. Thayer khai triển về cán cân quyền lực trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam:

NgTanDung-NongDManh
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh ( 05-6-2008)
AFP PHOTO
Chính các thế lực bảo thủ kiểm soát bộ thông tin và truyền thông, nghĩa là trông nom luôn việc kiểm duyệt báo chí. Năm 2007, họ đã ngăn chặn việc ông Dũng muốn đề cử một người của ông nắm bộ này. Họ cũng ngăn chặn luôn một người thụôc phe nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt cho chức vụ ấy. Sau cùng thì một nhân vật bảo thủ gốc Nghệ An là Lê Doãn Hợp đã trở thành bộ trưởng thông tin và truyền thông.

Phe bảo thủ do tổng bí thư Nông Đức Mạnh lãnh đạo và họ có một cơ sở chính trị rất vững. Nhóm của họ khống chế cả bộ chính trị lẫn ban chấp hành trung ương đảng mà trong đó phe công an phải nói là mạnh. Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh đã nhận được số phiếu đứng thứ nhì, chỉ sau tổng bí thư Mạnh trong cuộc bầu cử vào trung ương hồi đại hội đảng hai năm trước.

Trong số 8 tân thứ trưởng đắc cử vào trung ương đảng, thì 3 người thuộc bộ công an. Phe bảo thủ cho rằng ổn định chính trị và việc họ tiếp tục nắm quyền là quan trọng hàng đầu, và hiện nay thì họ đang quan ngại là ông Dũng không đối phó hữu hiệu với lạm phát  phi mã cũng như những tệ đoan xã hội.

Một yếu tố khác là ông Dũng cũng đang nhanh chóng mất sự ủng hộ của dân chúng. Cư dân thành thị ở Việt Nam ngày càng bất bình hơn với sự bất lực của chính phủ trưóc tình trạng môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn và tham nhũng. Mới đây nhất, lạm phát đã đánh thẳng vào hầu bao của người dân. Phải nói rằng đấy không phải là lỗi hoàn toàn của ông Dũng. Ngay khi bắt đầu nhậm chức, ông Dũng đã cho thành lập ban chỉ đạo cấp cao chống tham nhũng và kiên quyết đòi bộ công an tăng cường điều tra các vụ án trọng điểm. Tuy nhiên, những nỗ lực này chẳng mấy chốc đã ngừng bởi gặp sự chống đối của những người cực đoan.

Các đại biểu quốc hội, chứ không phải phe thủ cựu trong đảng, phải khẳng định quyền lực của họ trong việc xét duyệt chính sách của chính phủ và quyền lãnh đạo của thủ tướng. Nếu họ không làm đựơc như thế, thì những thành công mà Việt nam đã thu lượm đựơc gần đây sẽ mau chóng bị xóa sổ.
giáo sư Carlyle Thayer

Trong cuộc tranh chấp quyền lực hiện nay, phe bảo thủ đã cố kìm hãm Việt Nam, không để mở cửa vì họ cho rằng những vấn đề nhậy cảm như nhân quyền hay tự do tôn giáo có thể nằm trong âm mưu diễn tiến hòa bình. Nói khác đi, họ muốn đe dọa giới lãnh đạo đảng rằng, mở cửa kinh tế, đặc biệt là hướng đến Hoa kỳ sẽ chắc chắn đưa đến mở cửa về chính trị. Trong tình hình ấy, thì những thế lực thù nghịch ở nước ngoài sẽ kết kợp với những phần tử bất đồng chính kiến ở trong nước để lật đổ hệ thống độc đảng của Việt Nam. Hậu quả nhãn tiền của quan niệm này là chính sách ngập ngừng khi tiến khi ngưng của tiến trình đổi mới.

Giáo sư Thayer nhận ra chiều hướng bảo thủ đó thể hiện trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Trung Quốc:

Đảng Cộng Sản đang xét lại?


Phe bảo thủ đồng thời cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ấn định mối quan hệ Việt-Trung. Hồi cuối năm ngoái, một lọat các cụôc biểu tình chống Trung quốc liên quan đến cuộc tranh chấp biển Đông của sinh viên đã diễn ra ở Hà nội và Sàigòn. Đó là những cụôc xuống đường chưa bao giờ có. Nhưng khi ông Mạnh sang thăm Trung quốc, thì phe bảo thủ liền tận dụng cơ hội ấy để nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa hai đảng, mà trong đó quan trọng là mối quan hệ về ý thức hệ.

Từ nhiều tháng qua, có tin đồn rằng sự rạn ứt trong đảng đã lớn đến mức rất có thể phải có đại hội đảng giữa kỳ để giải quyết. Trường hợp đó từ trước đến nay mới chỉ xẩy ra một lần vào năm 1994,  nhưng nếu có xẩy ra, thì đường lối chính sách của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ bị phê bình mạnh mẽ. Đó cũng sẽ là một bước lùi của nỗ lực nới lỏng quyền kiểm soát của đảng trên nhà nước để triển khai một hệ thống trong đó các bộ phải nhận lãnh trách nhiệm.

Để có thể thành công trên con đường đang đi tới, các đại biểu quốc hội, chứ không phải phe thủ cựu trong đảng, phải khẳng định quyền lực của họ trong việc xét duyệt chính sách của chính phủ và quyền lãnh đạo của thủ tướng. Nếu họ không làm đựơc như thế, thì những thành công mà Việt nam đã thu lượm đựơc gần đây sẽ mau chóng bị xóa sổ.






Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.