Việt Nam sắm thêm vũ khí, Biển Đông sẽ ra sao?
2010.05.19
Báo chí nước ngoài nói gì?
Liên quan tới việc mua sắm vũ khí của Việt Nam, báo Bangkok Post của Thái Lan, số ra ngày 21 tháng 12 năm ngoái, có tựa đề “Hãy cân nhắc việc gia tăng vũ trang này” (Rethink This Arms Buildup). Bài báo cho rằng, việc mua sắm vũ khí của Việt Nam sẽ không có lợi cho các nước trong vùng vì có khả năng “gia tăng căng thẳng trong khu vực và tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hơn là thúc đẩy hòa bình”.
Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam bỏ ra hàng tỷ đô la mua tàu ngầm loại kilo và chiến đấu cơ Su-30, là điều làm cho các nước trong khu vực lo ngại, vì chiến đấu cơ mà Việt Nam mua là quá hiện đại so với không lực của các nước khác trong khu vực, và việc mua tàu ngầm “mang lại cho Việt Nam loại vũ khí mà các đối tác của Hà Nội trong khối Asean không hề có”.
Mua trực thăng của Pháp mà vẫn còn máy bay từ thời Xô Viết, hay các phụ tùng thay thế cho các máy bay Mỹ từ thời chiến tranh, có thể tạo rắc rối khủng khiếp về hậu cần cho quân đội Việt Nam.
GS Carl Thayer
Bài báo đưa ra khuyến cáo cho lãnh đạo Asean, nên thảo luận trực tiếp với Việt Nam về việc gia tăng vũ trang này, và rằng "không có lý do gì để Việt Nam bắt đầu một chương trình tái vũ trang". Việt Nam cần nghĩ lại kế hoạch "tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Nam Á. Nếu không, Việt Nam cần công khai toàn bộ các chi tiết của các hợp đồng mua vũ khí và giải thích rõ lý do".
Đầu năm nay, báo Straits Times của Singapore cũng có bài viết liên quan đến việc mua vũ khí của Việt Nam. Bài báo cho rằng, Việt Nam mua sắm vũ khí ồ ạt trong thời gian qua là quá nhiều và quá sớm, do Việt Nam bị hạn chế trong việc phối hợp các loại vũ khí trong không gian hai, ba chiều. Điều quan trọng mà Việt Nam cần làm là học cách phối hợp các loại vũ khí hoạt động với nhau, cũng như học cách duy trì và bảo dưỡng để các loại vũ khí này phát huy hết khả năng chiến đấu.
Ý kiến chuyên gia quốc phòng
Liên quan tới việc mua vũ khí và hiện đại hóa quân sự, trả lời phóng vấn đài Á châu Tự do, GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết: “Thứ nhất là chi phí, tiếp đến là sự cân bằng. Bằng cách mua trực thăng của Pháp mà vẫn còn các máy bay từ thời Xô Viết, hay cố gắng lấy các phụ tùng thay thế cho các máy bay Mỹ mà Việt nam có được từ thời chiến tranh, có thể tạo nên một rắc rối khủng khiếp về hậu cần cho quân đội Việt Nam. Việt nam không thể trộn lẫn mọi thứ với nhau bằng cách mua mỗi nơi một ít vì nó sẽ tạo nên khó khăn lâu dài.
Việc bảo vệ chủ quyền biển tất nhiên là ưu tiên hàng đầu, rồi bảo vệ biên giới. Thế nhưng trong tất cả những rủi ro thì Việt Nam phải tính đến, trong khi lên kế hoạch đưa vào một thế hệ thiết bị mới cho một thập kỷ tới hoặc lâu hơn nữa, thì đâu là những rủi ro chính trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một điều khó khăn cho người lên kế hoạch. Việt nam phải cân nhắc việc các vũ khí có phù hợp với nhau không, rồi kể cả khi có vũ khí rồi thì làm thế nào để phối hợp nó trong cả một tổng thể để giúp quân đội hoạt động hiệu quả”.
Sách trắng của Việt nam vừa công bố với các số liệu quốc phòng cho thấy không cách nào mà có thể dùng toàn bộ ngân sách năm ngoái để mua 6 tàu ngầm.
GS Carl Thayer
Khi được hỏi đến những rủi ro và thách thức đi kèm, liên quan đến việc mua sắm vũ khí của Việt Nam, GS Carlyle Thayer nói: “Rủi ro đầu tiên là vấn đề chi phí. Sách trắng của Việt nam vừa công bố với các số liệu quốc phòng cho thấy không cách nào mà có thể dùng toàn bộ ngân sách năm ngoái để mua 6 tàu ngầm. Mà 6 tàu ngầm này chưa bao gồm cả việc huấn luyện, trang bị hạ tầng. Vì vậy tăng trưởng kinh tế của Việt nam cần phải rất cao để có tiền chi tiêu quốc phòng. Đây là một trò mèo vờn chuột.
Rủi ro thứ hai nữa là vấn đề vũ khí không tương thích với nhau. Họ mua tàu ngầm ở đây, nhưng họ không biết làm thế nào để phối hợp nó với các vũ khí khác và như thế thì tốn kém. Rồi còn vấn đề về chỉ huy điều khiển. Trong tình huống có xung đột, liệu Việt Nam có thể bảo đảm tất cả các lực lượng quân đội được sử dụng một cách hợp lý, và tránh việc người điều khiển sử dụng vũ khí vào kẻ thù hoặc ví dụ là Trung quốc hay bất cứ nước nào khác, khi họ cảm thấy bị nguy hiểm, thay vì tuân theo lệnh một cách nghiêm ngặt. Vì thế chi phí, rồi việc phối hợp các vũ khí với nhau và có được sự chỉ huy điều khiển đúng, đều là những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt khi hiện đại hóa quân đội”.
Biển Đông vẫn…dậy sóng
Ngay sau khi các tin tức đầu tiên về mua sắm vũ khí đưa ra, dư luận trong và ngoài nước rất phấn khởi, cho rằng Việt Nam mua tàu ngầm và chiến đấu cơ để đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Thế nhưng, quan sát tình hình trên Biển Đông, vẫn không thấy có gì là sáng sủa.
Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn thường xuyên tập trận trong khu vực, ngang nhiên đưa các tàu ngư chính đến tuần tra trên vùng biển Việt Nam, bất chấp những lời phản đối.
Không những thế, ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt bớ, đánh đập và hành hạ, trong khi đánh cá trên vùng biển nước ta mà Trung Quốc tự cho là cái ao nhà của họ. Các hành động này của Trung Quốc đi ngược lại cách ứng xử văn minh của một nước lớn, mà mới đây, đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố đã so sánh hành động của "một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc" với hành động của “hải tặc Somali”.
Theo tin từ đài này, trong vòng một năm, từ năm đầu năm 2009 đến đầu năm nay, Trung Quốc đã bắt 36 tàu đánh cá với 473 ngư dân Việt Nam, tịch thu hết tàu thuyền, ngư cụ, hải sản của ngư dân, riêng ngư dân thì bị giữ lại để đòi tiền chuộc từ thân nhân của họ. Tin từ đài này cho biết, Trung Quốc đã “không từ thủ đoạn hèn mạt nào” kể cả việc “gắp lửa bỏ tay người” như, đem chất nổ xuống tàu đánh cá Việt Nam để quay phim, chụp ảnh, buộc ngư dân Việt Nam phải ký tên vào biên bản có mang theo vũ khí.
Thêm một hành động mới xảy ra trong khu vực, ngày 29 tháng 4, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Lệnh này cấm tất cả các ngư dân trong khu vực không được đánh bắt cá kể từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 năm nay.
Rủi ro nữa là vấn đề vũ khí không tương thích với nhau. Họ mua tàu ngầm ở đây, nhưng họ không biết làm thế nào để phối hợp nó với các vũ khí khác và như thế thì tốn kém.
GS Carl Thayer
Đây là lần thứ hai trong hai năm qua, Trung Quốc ban hành lệnh cấm bắt đánh cả trên lãnh hải Việt Nam. Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, từ năm 1995, Trung Quốc bắt đầu đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông trong khoảng thời gian nêu trên, với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng, từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu mở rộng việc áp dụng lệnh cấm này ra cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một diễn biến mới nhất trên biển Đông, sáng ngày 8 tháng 5, hai tàu Hải quân Việt Nam, HQ 261 và HQ 263, đã tham gia diễn tập với hai tàu 754 và 756 thuộc Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, bốn tàu kể trên đã cùng nhau tuần tra liên hợp trên một chặng đường dài hơn 280 hải lý từ cửa vịnh Bắc Bộ. Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho biết: “Các chuyến tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước đã thể hiện tinh thần láng giềng hữu nghị, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.”
Như vậy, việc mua sắm vũ khí trong thời gian qua, mà nhiều người cho rằng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, có thật sự như thế hay không? Vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Theo dòng thời sự:
- Mỹ gia tăng Hải quân khi Trung Quốc lớn mạnh trên biển
- Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông
- Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
- Việt Nam phản đối TQ cấm đánh cá ở Hoàng Sa-Trường Sa
- Những quan ngại ở Á Châu theo nhân định của Dân biểu David Wu
- Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa
- Kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân dân trong khi TQ cấm ngư dân VN đánh bắt cá
- Tàu Trung Quốc lại tuần tra trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam
- Việt Nam-Trung Quốc tuyên bố cùng tìm giải pháp cho biển Đông
- Quan hệ Mỹ - Trung và cuộc chiến tỷ giá đồng nhân dân tệ