Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa

Tin tức mấy ngày qua cho biết, nhiều chiến hạm và cả tàu ngầm của Trung Quốc diễn tập gần các đảo Okinawa của Nhật Bản, thuộc khu vực biển Đông Trung Hoa, vùng biển tiếp giáp giữa Nhật và Trung Quốc.
Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010.04.17
okinawa-east-china-sea-305.jpg Bản đồ các đảo Okinawa của Nhật Bản trong khu vực biển Đông Trung Hoa
Photo courtesy of wikipedia

Nhân sự kiện này, mời quý vị cùng Ngọc Trân điểm lại các sự việc đã xảy ra trên biển Đông Trung Hoa, có liên quan đến hai nước Nhật Bản và Trung Quốc.

Hạm đội tàu Trung Quốc xuất hiện ở Okinawa

Theo tin tức mấy ngày qua, Nhật Bản đã cáo giác Trung Quốc đưa nhiều chiến hạm và tàu ngầm đến thao diễn gần dãy đảo Okinawa. Qua lời của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật, vào khoảng 8 giờ tối thứ bảy tuần qua, hai tàu tuần duyên của Nhật đã phát hiện một hạm đội tàu Trung Quốc ở vùng biển cách đảo Okinawa của Nhật khoảng 140 km về phía Tây Nam. Hạm đội tàu của Trung Quốc gồm có 10 tàu, trong đó có hai tàu ngầm loại Kilo, hai tàu khu trục có tên lửa và ba tàu khu trục nhỏ.

Cũng theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật, chủ nhật vừa qua các tàu của Trung Quốc đã mở một cuộc diễn tập tiếp nhiên liệu trên biển. Trước đó, từ thứ tư đến thứ sáu tuần qua, các tàu khu trục này tham gia các hoạt động có trực thăng tham dự và một chiếc trực thăng của Trung Quốc đã bay đến gần sát tàu giám sát quân sự của Nhật, chỉ cách tàu này khoảng 90 mét. Phía Bộ Quốc phòng Nhật phàn nàn rằng, điều này gây nguy hiểm cho các con tàu của Nhật.

Các viên chức Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển quốc tế gần lãnh thổ của Nhật và cũng là lần đầu tiên có quá nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển này.

Các viên chức Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển quốc tế gần lãnh thổ của Nhật và cũng là lần đầu tiên có quá nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển này.

Cũng theo nguồn tin của Nhật, từ tháng 11 năm 2008 đến nay, các nhóm tàu quân sự Trung Quốc đã bốn lần đi qua vùng biển giữa Okinawa và đảo Miyako của Nhật, và càng ngày tàu Trung Quốc xuất hiện càng đông hơn. Lần đầu tiên, vào tháng 11 năm 2008, chỉ có 4 chiến hạm, đến tháng 6 năm ngoái có 5 chiếc, tháng 3 năm nay có 6 chiếc, và đến cuối tuần qua có 10 chiến hạm, trong đó có tàu ngầm cùng xuất hiện ở khu vực này.

Ông Toshimi Kitazawa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nói rằng, Nhật đang tiến hành điều tra chi tiết về sự kiện này, để biết thêm các tàu quân sự của Trung Quốc ở đó để làm gì và cũng tìm hiểu thêm, liệu Trung Quốc có bất kỳ ý định nào chống lại Nhật hay không.

Hiện tại, phía Nhật đã yêu cầu Trung Quốc giải thích sự kiện này thông qua các kênh ngoại giao và đã được phía Trung Quốc trả lời rằng, yêu cầu của Nhật đang được họ xem xét.

Tranh chấp mỏ khí đốt Chunxiao

chunxiao-250.jpg
Bản đồ khu mỏ khí đốt Chunxiao. Photo courtesy of japanfocus.org.
Cũng xin nhắc lại rằng, đầu năm nay, Nhật Bản và Trung Quốc đã “đấu khẩu” với nhau khi Trung Quốc có những hành động cho thấy họ định khai thác khí đốt ở khu mỏ Chunxiao (tiếng Nhật gọi là Shirakaba). Đây là khu mỏ mà cả hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đòi chủ quyền vì khu mỏ này nằm ở giữa hai nước, phân chia vùng đặc quyền kinh tế của Nhật và Trung Quốc ở Biển Đông Trung Hoa.

Mặc dù phía Nhật đồng ý Trung Quốc có quyền khai thác khí đốt ở phần thuộc vùng biển của Trung Quốc, thế nhưng Nhật lo ngại khi Trung Quốc khai thác khí đốt ở Chunxiao, có thể hút hết khí đốt ở phần mỏ nằm ở vùng biển phía Nhật. Do vậy, tháng 6 năm 2008 hai nước đã ký một thỏa thuận sẽ cùng nhau khai thác chung khu vực này.

Thế nhưng năm ngoái, Nhật Bản nhận ra rằng, Trung Quốc có các hành động như chuẩn bị máy móc để khai thác một mình. Và khi bị Nhật lên tiếng phản đối, phía Trung Quốc nói rằng họ đang làm công việc bảo trì cho khu mỏ.

Báo chí Nhật Bản đưa tin, hôm 17 tháng 1, ông Katsuya Okada, Ngoại trưởng Nhật đã cảnh báo người đồng nhiệm là ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc, lúc đó đang viếng thăm Nhật rằng, Nhật có thể “đo lường” việc Trung Quốc đơn phương khai thác khu mỏ khí Chunxiao, và Nhật sẽ “nhất định hành động” nếu Trung Quốc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký.

Đối phó với Trung Quốc

Tin tức cuối tháng qua cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật đã được nâng cấp nhằm đối phó với việc gia tăng quân sự của Trung Quốc. Theo tin từ báo Japan Today, Lực lượng Lục quân của Nhật Bản đã tổ chức lễ kỷ niệm, nâng cấp Lữ đoàn Lục quân số 1 của Nhật hiện đang đóng ở Naha, thủ phủ tỉnh đảo Okinawa. Lữ đoàn này đã được nâng cấp lên thành Lữ đoàn số 15 với số quân được nâng từ 1.800 thành 2.100 quân.

Điều 9 hiến pháp của Nhật quy định “lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Lữ đoàn này cũng đã gia tăng số lượng quân lính tuần tra ở vùng biển Tây Nam của Nhật Bản và giám sát các khu vực biên giới nhằm đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, lữ đoàn này còn có thêm một đơn vị, với mục đích đối phó với các cuộc tấn công hạt nhân, sinh học và hóa học. Theo đó, Trung đoàn bộ binh của Lữ đoàn này cũng được trang bị các xe bọc thép và pháo binh để sử dụng trong trường hợp bị tấn công.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nói rằng, mặc dù quân đội Nhật thường xuyên được nâng cấp, thế nhưng lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Nhật bị hạn chế khả năng tác chiến ở nước ngoài. Sở dĩ quân đội Nhật bị hạn chế, là do điều 9 hiến pháp của Nhật ban hành, ngay sau khi nước này đầu hàng đồng minh, nên đã tuyên bố từ bỏ quyền khai chiến. Điều 9 hiến pháp của Nhật quy định “lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Okinawa

Có lẽ các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Okinawa có thể giúp Nhật trong trường hợp bị các nước láng giềng tấn công hay quấy nhiễu.

Theo tin từ báo chí nước ngoài, hiện có khoảng 30 căn cứ quân sự Hoa Kỳ với gần 25.000 lính Mỹ đang đóng tại Okinawa, theo hiệp ước an ninh mà Nhật đã ký với Hoa Kỳ. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực đã giúp tránh các cuộc xung đột vũ trang ở Đông Á, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực suốt sáu thập niên qua và cũng đã giúp Nhật tập trung năng lực vào việc phát triển kinh tế.

anti-us-protest-tokyo-305.jpg
Hơn 1000 người biểu tình ở Tokyo 14/04/2010 yêu cầu Hoa Kỳ đóng cửa các căn cứ quân sự ở Nhật. AFP photo/Toshifumi Kitamura.
AFP photo/Toshifumi Kitamura
Thế nhưng, người dân Okinawa luôn phản đối Hoa Kỳ về việc duy trì các căn cứ quân sự ở đây, với lý do các căn cứ này đóng gần khu vực dân sự, gây tiếng ồn, và làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở tỉnh đảo này.

Nhiều người cho rằng, dân Okinawa muốn Hoa Kỳ di dời các căn cứ quân sự trên các hòn đảo này, ngoài lý do nêu trên, còn có các lý do sâu xa khác. Chẳng hạn như, sau Đệ nhị Thế chiến, đảo Okinawa đã bị Mỹ chiếm đóng thêm 20 năm nữa, so với các vùng khác trên lãnh thổ của Nhật. Điều đó đã làm cho người dân trên tỉnh đảo này, có cảm giác rằng họ là dân thứ yếu, phải chịu đựng những điều mà dân ở vùng khác không phải gánh chịu.

“Chúng tôi không cần người Mỹ kiểm soát Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ phải di dời. Căn cứ quân sự của Mỹ phải trở về Mỹ”.

Trong một cuộc biểu tình phản đối các căn cứ quân sự của Mỹ, một người dân ở đây đã nói: “Chúng tôi không cần người Mỹ kiểm soát Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ phải di dời. Căn cứ quân sự của Mỹ phải trở về Mỹ”.

Trước những sự kiện mới xảy ra, một số nhà quan sát lên tiếng cho rằng, trong lúc Trung Quốc ngày một hiện đại hóa quân sự và có những hành động bất thường như đã nêu trên, trường hợp các căn cứ quân sự Hoa Kỳ rút khỏi Okinawa, liệu quân đội Nhật có đủ mạnh để tự vệ khi có một cuộc xung đột vũ trang với một cường quốc trong khu vực?

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.