Tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam

Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam được trình tại kỳ họp quốc hội tháng 5 vừa qua, nhưng đã không được thông qua vì “vấp nhiều phản biện”, theo lời các cơ quan truyền thông trong nước.

Nghiên cứu thêm ...

Mới đây, bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho khởi động lại dự án này, tập trung vào hai tuyến đường Hà Nội-Vinh và thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Sau khi quốc hội biểu quyết không thông qua nghị quyết dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với nguyên nhân nói rằng báo cáo đầu tư thiếu thông tin cụ thể, mặt khác, một trong những phản biện khác cũng cho rằng yêu cầu vốn đầu tư cho dự án này quá lớn, chiếm đến phân nửa thu nhập quốc dân GDP của cả nước, hiện chỉ lên tới 110 tỷ đô la một năm. Về phần Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thuộc quốc hội thì việc phụ thuộc tới 2/3 vào vốn vay mượn của nước ngoài để tài trợ cho dự án đường sắt cao tốc, khiến số nợ của chánh phủ tăng đến hơn 42% GDP, điều đó sẽ làm cho gánh nặng, nợ nần cho quốc gia tăng quá cao.

Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam thì bộ Giao thông Vận tải đã xin phép chánh phủ được nghiên cứu thêm, thu thập thông tin, dữ liệu chính xác, lập báo cáo khả thi và cụ thể là không tiến hành dự án toàn tuyến Bắc-Nam, nối liền Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ tập trung trước mắt vào hai đoạn tuyến đường ngắn là Hà Nội-Vinh và thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Sau khi được sự ủng hộ của chánh phủ, đại diện bộ Giao thông Vận và Tổng công ty đường sắt Việt Nam sẽ thảo luận và đề nghị với Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để lập báo cáo khả thi về việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc. Theo báo chí thì phía đại diện của chánh phủ Tokyo đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam trong việc thiết lập báo cáo về dự án đó và ngay sau khi ký kết, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiến hành công tác nghiên cứu và lập dự án mới trong thời gian khoảng hai năm.

Chắc là Tổng công ty đường sắt cũng có cái lý do để đưa ra kế hoạch của mình, như vậy phải tìm hiểu và phân tích kỹ xem là họ đưa ra lập luận gì mới và có cái gì có thể chấp nhận được hay không?

Giáo sư Chu Hảo

Lên tiếng với báo chí, ông Đỗ Văn Hạt, Tổng giám đốc công ty Tư vấn, đầu tư và xây dựng thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam nói, ông rất lạc quan vào khả năng Nhật Bản sẽ hỗ trợ ngân khoản không hoàn lại, để Việt Nam lập báo cáo khả thi cho dự án xây tuyến đường cao tốc.

000_Par3151692-250.jpg
Xe lửa cao tốc TGV của Pháp tại nhà ga Gare de Lyon ở Paris, hôm 24/03/2010. AFP PHOTO Loic VENANCE. (Xe lửa cao tốc TGV của Pháp tại nhà ga Gare de Lyon ở Paris, hôm 24/03/2010. AFP PHOTO Loic VENANCE.)

Thông tin về việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc, một khi được phổ biến đã làm cho nhiều chuyên gia và đại biểu quốc hội bày tỏ sự bất ngờ, vì phần đông người dân Việt Nam không tán thành việc xúc tiến dự án tốn kém và không hợp thực tế đó, nên quốc hội mới không thông qua và điều ấy là hoàn toàn phù hợp với lòng dân cả nước.

Qua câu chuyện với RFA, giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Khoa học, Công nghệ nhấn mạnh:

“Tái khởi động theo hình thức nào, với nội dung nào, thời gian nào, thì mới có thể bình luận được. Theo quan điểm tôi thì chưa nên làm, vào cái thời điểm này. Chắc là Tổng công ty đường sắt cũng có cái lý do để đưa ra kế hoạch của mình, như vậy phải tìm hiểu và phân tích kỹ xem là họ đưa ra lập luận gì mới và có cái gì có thể chấp nhận được hay không?”

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội, phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của quốc hội Việt Nam phát biểu với Ban Việt Ngữ chúng tôi:

"Theo thông tin trên báo chí, chánh phủ lại đồng ý cho bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam khởi động việc nghiên cứu hai tuyến đường sắt. Về v iệc này, theo quan điểm của tôi, tái khởi động dự án này, đó là thuộc thẩm quyền của chánh phủ, nhưng tái khởi động là không hợp thời, bởi vì tại kỳ họp thứ 7 của quốc hội, các đại biểu cũng đã phân tích rất nhiều, về những bất cập của dự án này, cụ thể là nó tiêu một số tiền rất là lớn, đến 50% GDP của Việt Nam hiện thời, tức 2 lần rưỡi ngân sách quốc gia, và tất cả số tiền đó phần lớn là đi vay, hiệu quả kinh tế không rõ ràng, khả năng mang lại rủi ro cho nền kinh tế khá lớn. Đồng bào ở trong nước cũng như một số tại hải ngoại đã lên tiếng qua các phương tiện thông tin đại chúng, không đồng tình, với việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này."

... để tái khởi động

Dịp này, ông Thuyết cũng muốn trình bày nguyện vọng đơn giản từ phía các cử tri mà ông ghi nhận khi họ nói rằng:

“Đường bộ ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn, riêng về đường sắt thì người ta mong muốn là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam lên, cho nó tốt hơn, có lẽ nó sẽ hiệu quả hơn là đường sắt cao tốc.”

Kế đó, đại biểu quốc hội quốc hội Lê Văn Cuông, của đơn vị Thanh Hóa trình bày quan điểm của ông, về việc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho khởi động lại dự án tuyến đường sắt cao tốc, khi lên tiếng qua RFA:

“Đành rằng dự án này là cần thiết đối với Việt Nam, nhưng trong thời điểm này, các đại biểu đề nghị chánh phủ tập trung, khảo sát, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, và khi nào điều kiện tài chánh của đất nước cho phép, thì mới triển khai. Cái dự án cũng chuẩn bị chưa được chu đáo, cho nên nhiều nội dung được các đại biểu cho ý kiến thì chánh phủ giải trình cũng chưa đến nơi, đến chốn, cho nên cuối cùng quốc hội chưa thông qua dựa án này.

000_Hkg3679791-200.jpg
Hành khách chuẩn bị lên chuyến tàu Thống Nhất hành trình Hà Nội - TPHCM hôm 09/6/2010. AFP PHOTO/Ian Timberlake (Hành khách chuẩn bị lên chuyến tàu Thống Nhất hành trình Hà Nội - TPHCM hôm 09/6/2010. AFP PHOTO/Ian Timberlake)

Theo quan điểm của tôi, đối với Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, vấn đề giải quyết giao thông, ách tắc, tai nạn giao thông, trong đó dự án đường sắt cao tốc là rất cần thiết, nhưng nó phải căn cứ vào thực tế của mỗi đất nước, nền tài chánh của mỗi quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đang là một nước phát triển, nhưng nguồn vốn đang còn thiếu nhiều, nhất là các dự án cải thiện đời sống dân sinh, đòi hỏi chánh phủ phải nỗ lực rất nhiều, nếu tập trung quá nhiều nguồn vốn, nhất là vốn vay nay đã đến ngưỡng mất an t oàn rồi, cho nên quốc hội rất lo lắng, nếu tập trung đầu tư vào dự án lớn tiền này thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chánh của quốc gia, cho nên chưa đồng tình trong thời điểm này."

Đồng bào ở trong nước cũng như một số tại hải ngoại đã lên tiếng qua các phương tiện thông tin đại chúng, không đồng tình, với việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết

Bảo vệ quan điểm từ phía chánh phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng chánh phủ giải thích, hiện nay chánh phủ chỉ mới chỉ đạo vịêc nghiên cứu tính khả thi mà chưa bàn thêm về quyết định đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc. Về phần bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thì nhấn mạnh là chánh phủ nhận thấy công trình xây đường sắt cao tốc là cần thiết nên đồng ý cho tiếp tục nghiên cứu dự án này. Các bộ ngành được yêu cầu lập quy hoạch với đầy đủ chi tiết về dự án đường sắt cao tốc để báo cáo và giải trình quốc hội.

Tuy nhiên, qua những bài phóng sự được báo chí Việt Nam phổ biến gần đây thì người ta vẫn cho rằng, chánh phủ nên dành thời gian, nỗ lực và cố gắng lo cho việc phục vụ thiết thực, hiệu quả hơn, cho hàng triệu hành khách cần sử dụng đường sắt hiện giờ, với thời gian di chuyển sao cho kịp thời, giá vé hợp túi tiền dân lao động, vì đất nước còn nghèo, chưa phát triển, thiếu tiền, cạn vốn, nợ nần cao, lượng hành khách còn thấp, thì chưa phải là lúc tính tới chuyện khởi động lại đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tính ra mỗi vé gần 3/ 4 tiền đi bằng máy bay, trên cùng một lộ trình.

Theo dòng thời sự: