Giá lúa vẫn thấp dù được “mồi” giá
2012.07.23
Việc mua tạm trữ 500.000 tấn gạo trên tổng sản lượng hơn 4 triệu tấn chỉ có những kết quả rất hạn chế, chuyên gia và nông dân đều kém phấn khởi.
Vấn đề đầu ra
TS Lê Văn Bảnh viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long tỏ ra quan tâm về tình trạng nông dân bán lúa hè thu giá thấp ít lãi dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang thực hiện mua tạm trữ 500.000 tấn gạo từ 10/7-10/8 với mục đích đẩy giá lúa gạo lên.
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 23/7/2012, từ Cần Thơ TS Lê Văn Bảnh nhận định:
“Lúa hè thu tới giờ này thu hoạch cũng gần xong, năng suất tương đối khá sản lượng cũng nhiều. Việc mua tạm trữ đã bắt đầu triển khai nhưng có vấn đề bất cập là đầu ra xuất khẩu của các doanh nghiệp hơi khó, nên các doanh nghiệp chậm trễ trong vấn đề thu mua…tất nhiên từ khi có mua tạm trữ thì giá lúa không xuống nữa nhưng cũng không cao. Hiện nay bà con nông dân bán lúa thu lãi rất thấp. Về mặt giá thành sản xuất, Bộ Tài chính tính mức giá cao nhất lên tới 3.900đ/kg, bà con nông dân bán lúa tại ruộng khoảng 4.500đ-4.600đ/kg tất nhiên không phải dưới giá thành nhưng mức lãi rất thấp, bà con nông dân không phấn khởi…”
Vụ hè thu đồng bằng sông Cửu Long sẽ kết thúc trong nửa đầu tháng 8 với sản lượng ước tính 8 triệu 600 ngàn tấn lúa tương đương 4,5 triệu tấn gạo trong đó gần 3 triệu tấn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu. Hồi tháng 6 Bộ NN-PTNT đề xuất chính phủ kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn qui gạo tương đương hơn hai triệu tấn lúa. Mặc dù tham gia mua tạm trữ vụ hè thu, doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được hưởng lãi suất vay vốn 0% thay vì 11,5% hiện hành, nhưng VFA kiến nghị chỉ mua tạm trữ 500.000 ngàn tấn với tính cách giá mồi chứ không có nghĩa thực sự tiêu thụ.
Cơ bản nhất là vấn đề đầu ra, hiện nay một số doanh nghiệp vẫn còn tồn trữ gạo vụ đông xuân do vậy khó thu mua tiếp, bởi vì khả năng kho tàng và lãi suất ngân hàng là hai vấn đề lớn khiến doanh nghiệp rất e dè.
TS Lê Văn Bảnh
Ngành lúa gạo Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu đối với vấn đề tồn trữ lúa gạo dài ngày mà hậu quả là người nông dân phải gánh chịu nhiều nhất, đặc biệt mỗi khi tiêu thụ xuất khẩu bị chậm lại. TS Lê Văn Bảnh nhận định:
“Cơ bản nhất là vấn đề đầu ra, hiện nay một số doanh nghiệp vẫn còn tồn trữ gạo vụ đông xuân do vậy khó thu mua tiếp, bởi vì khả năng kho tàng và lãi suất ngân hàng là hai vấn đề lớn khiến doanh nghiệp rất e dè.
Người ta dự kiến để đảm bảo tồn trữ với sản lượng lúa đồng bằng sông Cửu Long thì cần 4 triệu tấn kho. Nhưng cho tới giờ này theo tổng kết bên ngành nông nghiệp thì mới đạt khoảng chưa tới 1,5 triệu tấn. Do vậy tồn trữ là một vấn đề rất khó, Nhà nước có ưu tiên lãi suất vốn vay và mặt bằng để xây dựng kho, nhưng thực chất các doanh nghiệp hiện nay đang khó khăn về tài chính đặc biệt là nguồn vốn từ ngân hàng cho nên doanh nghiệp nào cũng e dè với việc làm kho và vấn đề này phát triển rất chậm.”
Vấn đề tồn trữ
TS Lê Văn Bảnh nhấn mạnh, các nhà nhập khẩu hiểu rõ việc Việt Nam không có khả năng tồn trữ gạo dài ngày nên họ dễ dàng ép giá. Theo nhận định của TS Lê Văn Bảnh, tình hình hiện nay rất khó khăn cho bà con nông dân họ không an tâm sản xuất, khi làm ra lúa mà phải bán với giá thấp như vậy trong khi tình hình kinh tế cũng không sáng sủa lắm. Mặc dù VFA trấn an vừa ký được một số hợp đồng mới, nhưng TS Lê Bảnh cho rằng tình hình xuất khẩu chưa hẳn là tốt, nhất là Việt Nam tiếp tục bị áp lực cạnh tranh với nhiều quốc gia khác cũng xuất khẩu gạo.
Vẫn theo TS Bảnh, đa số nông dân cần bán ngay lúa tươi để trang trải chi phí và chuẩn bị cho vụ thu đông. Tuy vậy những nông dân có khả năng có thể sấy lúa đạt độ ẩm 14% và tồn trữ lúa lâu tới 6 tháng để chờ giá tốt.
Nằm trong số những người chuẩn bị thu hoạch lúa hè thu muộn, một nông dân vùng tứ giác Long Xuyên tỏ ra chịu đựng tình trạng bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp dù vụ lúa hè thu này không phấn khởi:
“Lúa hè thu năm nay chắc không có lời, năng suất năm nay chỗ tôi không bằng như mọi năm, phèn mặn hạn hán quá nhiều các khoản chi phí cái gì cũng cao hết trơn. Giá lúa tươi 4.600 thì cứ tính một công 45 giạ thì chỉ huề vốn chứ đâu có lời được. Chi phí năm nay nặng lắm giá dầu lên, chi phí một công đất một vụ lên đến 600.000 đồng.”
Theo thông tin từ VFA, từ đầu năm đến ngày 17/7 các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 3 triệu 600 ngàn tấn gạo trị giá gần hơn 1,6 tỷ USD. Cho tới nay tổng lượng hợp đồng đã ký là 5,5 triệu tấn tức còn khoảng 2 triệu tấn chưa giao hàng.
Việt Nam từng nhiều năm xếp thứ hai thế giới về khối lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên nông dân thu nhập rất thấp và có đến một nửa tổng số lợi nhuận từ lúa gạo nằm trong tay các thành phần trung gian như thương lái, công ty kinh doanh cung ứng gạo, các nhà máy xay xát lau bóng gạo và doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo dòng thời sự:
- Hạt lúa mà biết nói năng ...
- Tại sao nông dân sợ hãi “mua tạm trữ”
- Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Lúa gạo bất ổn cả sản xuất lẫn đầu ra
- Thị trường hàng hóa: lời giải được mùa mất giá
- Lại tái diễn được mùa rớt giá
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?