Đình công của công nhân biến thành bạo động

Như Đài Á Châu Tự Do đã đưa tin trước đây, các cuộc đình công đã liên tục xảy ra tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều lúc bạo động đã xảy ra như tại công ty Nam Hoa Hạ ỏ tỉnh Bắc Giang vào ngày 9 tháng 5 vừa qua.

Đình công đòi tăng lương

Các quan sát viên quốc tế tỏ ý lo ngại là với tình trạng lạm phát phi mã, công nhân không đủ sống vì lương bổng không theo kịp với vật giá gia tăng, những cuộc đình công dễ dàng xảy ra tạo nên sự bất ổn xã hội tại Việt Nam.

Trong một bài báo đăng trên tờ Straights Times ngày 20 tháng 5 vừa qua, phóng viên thường trú tại Việt Nam của báo này, ông Roger Mitton đã tường thuật lại chi tiết của cuộc đình công biến thành bạo động của công nhân công ty Nam Hoa Hạ nằm tại tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội 60 kilômét về phía Bắc.

Theo phóng viên Roger Mitton, thì vào ngày 9 tháng 5, khoảng 3000 công nhân công ty Nam Hoa Hạ chuyên sản xuất hàng nhựa plastic đã đình công đòi tăng lương 20%.

Lý do là vì với mức lương hàng tháng vào khỏang 60 đô la, công nhân không đủ sống trong tình hình vật giá càng ngày càng tăng với mức lạm phát được nhà nước ghi nhận là trên 21% như hiện nay.

Công nhân bị hành hung

Tuy nhiên đòi hỏi của công nhân không được chủ nhân người Hoa chấp thuận. Từ đó xảy ra các cuộc dằng co và có một số công nhân bị nhân viên bảo vệ của công ty hành hung.

Việc này gây nên sự phẫn nộ trong công nhân và xô xát đã xảy ra khiến công ty phải gọi cảnh sát đến can thiệp.

Kết quả là có một số người bị thương nặng và 60 người bị cảnh sát bắt giữ.

Cô Thân Thị Liên, một công nhân bị đánh cho biết:

Hơn một tuần sau đó, công ty vẫn còn đóng cửa. Ông Lai Shen Shen, giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu của công ty Nam Hoa Hạ cho biết là không biết đến ngày nào nhà máy mới có thể mở cửa được vì chính quyền đia phương chưa cho biết là công ty có thể an toàn hoạt động trở lại hay không.

Hậu quả của lạm phát?

Trong mấy năm gần đây, càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam vì tình hình chính trị xã hội ổn định và nhân công rẽ.

Tuy nhiên do vật giá gia tăng, lạm phát tại Việt Nam đã vượt qua mức 20% nên mức lương hiện tại của công nhân không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của công nhân và gia đình nên từ đầu năm đến nay tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đã liên tiếp xảy ra các cuộc đình công đòi tăng lương và những quyền lợi cơ bản khác.

Tháng trước, khoảng 20 ngàn công nhân một công ty sản xuất giày cho hãng Nike đòi tăng lương 20% và gần đây nhất là 3000 công nhân công ty Sao Vàng ở Hải Phòng cũng bỏ việc đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Nếu nhà nước Việt Nam không kìm chế được lạm phát và trước tình hình công nhân đình công đòi tăng lương liên tạc xảy ra, nhiều kinh tế gia cũng như viên chức nhà nước Việt Nam lo ngại là các nhà đầu tư nước ngòai sẽ do dự khi muốn vào Việt Nam để mở xuởng thợ hoặc kinh doanh trong các lãnh vục kinh tế, tài chánh hoặc dịch vụ khác nữa.

Theo dòng thời sự:
Chủ nhân Trung Quốc đánh nữ công nhân Việt Nam.