35 năm nhìn lại kinh tế VN: Sự phát triển và những khó khăn

Trong loạt bài kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, Mặc Lâm giới thiệu bài viết thứ ba tóm lược thời kỳ phát triển kinh tế cùng những khó khăn sắp tới mà VN cần phải giải quyết.

0:00 / 0:00

Hội nhập – dấu ấn 2005

Năm 2005 là năm đánh dấu những bước hội nhập rõ nét nhất của nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ sở kinh tế tư doanh nở rộ như nấm sau mưa. Hiện tượng đầu tư vào bất động sản, nhà máy sản xuất hay các hoạt động kinh doanh bề thế được người dân dốc túi đổ vào việc làm ăn khiến nền kinh tế hồi sinh. Kiều hối lần lượt đổ về trong nước ngày một nhiều hơn là nguyên nhân chính thúc đẩy và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn đổi mới.

Trong vòng nhiều năm tình trạng nhập siêu xảy ra liên tục, nhưng năm 2005, lần đầu tiên nhập siêu có dấu hiệu giảm nhẹ, tuy nhiên chưa phảỉ là nằm trong vòng kiểm soát như nhà nước công bố. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới lo ngại vấn đề nhập siêu của Việt Nam sẽ là nhân tố chính khiến nền kinh tế bị lệ thuộc và lạm phát sẽ theo đó mà tăng dần lên.

Việt Nam có khá ít kinh nghiệm hội nhập cho nên có thể khi chúng ta hợp tác với nước ngoài chúng ta không có đề án tạo hiệu quả tối ưu cho đất nước. Chính vì thế mà 20 năm vừa qua, sự phát triển của chúng ta lớn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Ô. Phan Chánh Dưỡng

Việt Nam trông cậy chính vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nhưng sau nhiều năm hội nhập, tình hình thực tế cho thấy rất nhiều vấn nạn đang hình thành. Ông Phan Chánh Dưỡng một thành viên trong nhóm Thứ Sáu cho biết:

“Việt Nam có khá ít kinh nghiệm hội nhập cho nên có thể khi chúng ta hợp tác với nước ngoài chúng ta không có đề án tạo hiệu quả tối ưu cho đất nước. Chính vì thế mà 20 năm vừa qua, sự phát triển của chúng ta lớn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu”

Xuất khẩu gạo của Việt Nam là một câu chuyện thần kỳ. Chỉ vài năm sau đổi mới, gạo xuất khẩu đã vượt lên con số nhiều triệu tấn và người nông dân trong thời kỳ đổi mới có vẻ như đang hưởng được lợi nhuận khi gạo xuất khẩu ngày một tăng cao. Thực ra đời sống của người nông dân không hết bấp bênh khi nhà nước chưa có một chính sách hợp lý bảo vệ giá bán ra của người có lúa.

Nhiều tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long than phiền vì nhà nước cố hết sức ấn định những quy tắc nhằm gò bó việc thu mua tàng trữ lúa xuất khẩu một cách máy móc. Hành động này khiến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy năm sau nhiều hơn năm trước nhưng trị giá vẫn không có một bước nhảy vọt nào ngay cả trong giai đoạn khó khăn lương thực nhất mà thế giới gặp phải.

Thiếu đầu tư vào công nghệ thu hoạch và bảo quản là hai khâu trực tiếp làm giảm thiểu lợi nhuận cho người nông dân. Trong khi Việt Nam là một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp nếu chính phủ tiếp tục bỏ ngõ các vấn nạn này thì một thời gian không lâu nữa biến đổi khí hậu và các cản trở vừa nêu sẽ là vật cản rất lớn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trông cậy vào xuất khẩu là một chính sách không thay đổi từ trước tới nay. Xuất khẩu vẫn đang là thế mạnh của Việt Nam ngay cả trong thời kỳ kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Tuy nhiên về lâu vê dài, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm vì Việt Nam chỉ khai thác nguồn tài nguyên thô và gia công nhiều hơn là sản xuất các sản phẩm cao cấp. Công nhân làm thuê là một vấn nạn và nhà nước không thể không lưu ý tới như trong một thời gian rất dài vừa qua.

Những khó khăn

Nguyen_Tan_Dung_200609072300274212_afp.jpg
Ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính tổ chức ở Hà Nội tháng 9/2006. AFP photo/Hoang Dinh Nam (AFP photo/Hoang Dinh Nam)

Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất là vấn đề lương bổng của công nhân. Hàng ngàn vụ đình công mỗi năm của công nhân tại các khu chế xuất không thể được coi là chuyện nhỏ mà nó là mối lo tiềm ẩn. Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia tài chánh đang hoạt động tại Việt Nam cho biết nhận xét của mình về vấn đề này:

“Tiền lương thấp như vậy và chính sách nhà nước đối với những nhà đầu tư như vậy nó giúp cho Việt Nam được cái gì và làm hại cho Việt Nam những cái gì thì phải xét lại. Cả đất nước có hàng triệu nhân viên làm việc trong những xưởng như vậy thì nó là vấn đề rất lớn. Việc này là việc nhà nước cần phải quan tâm thật sự, làm sao tạo được môi trường tốt hơn cho người lao động Việt Nam, tránh những việc xô xát với các chủ đầu tư. Đây là vấn đề cực kỳ lớn.”

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà tư vấn kinh tế hiện đang làm việc tại tiểu bang California thì cho rằng:

“Tôi nghĩ mình nhìn xa hơn một chút thì cơ bản về chiến lược phát triển Việt Nam đi làm gia công cho thiên hạ và dùng chiến lược lấy lợi tức làm ưu điểm cạnh tranh thì cái đó sẽ đi đến giới hạn của nó. Nó đưa đến tình trạng công nhân Việt Nam giống như bị các doanh nghiệp ngoại quốc bóc lột và càng ngày người ta càng bất mãn.

Đến khi họ thấy rằng dường như có sự cấu kết giữa chính quyền và các doanh nghiệp ngoại quốc, hoặc là sự thờ ơ của chính quyền trước những cái nạn bóc lột quá trắng trợn của các doanh nghiệp ngoại quốc thì họ sẽ có phản ứng.

Phản ứng đó nó không giống các quốc gia khác khi có tranh chấp về nghiệp đoàn, mà nó phản ứng về chính trị, tại vì hệ thống chính trị nó điều khiển nền kinh tế nên nó chịu trách nhiệm về các tệ nạn xã hội. Tôi cho rằng đó là một nghịch lý, nó làm cho người ta thấy cái được gọi là định hướng XHCN là một sự giả tạo.”

Tôi nghĩ mình nhìn xa hơn một chút thì cơ bản về chiến lược phát triển Việt Nam đi làm gia công cho thiên hạ và dùng chiến lược lấy lợi tức làm ưu điểm cạnh tranh thì cái đó sẽ đi đến giới hạn của nó.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vấn đề tập đoàn và tổng công ty cũng là câu hỏi lớn nhất đang chờ nhà nước quyết định. Các đơn vị quốc doanh này được nhà nước xem là xương sống của nền kinh tế và ưu đãi chúng trên nhiều lĩnh vực. Từ vay vốn cho đến thuế khóa, tất cả đều ưu tiên đến mức các tập đoàn và tổng công ty đua nhau kinh doanh ngoài chức danh cũng như khả năng của nó.

Nguyên bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết nhận xét:

“Nếu mình nói lệch hướng thì cũng không đúng, nhưng nếu tự do làm theo kiểu đó mà không căn cứ vào cái năng lực, đội ngũ, cái sở trường sở đoản của anh thì anh nhảy ra càng rộng thì anh càng chết sớm. Đó là một cái mà tôi thấy cần phải xem xét.

Cái xem xét thứ hai đó là vấn đề vốn lớn quá mà anh không sử dụng, nhiều khi anh chôn vốn của nhà nước hết sức là nguy hiểm. Tôi nói ví dụ như cái Vinashin, trong thời gian chỉ có hai năm nhưng tiêu tốn 20 ngàn tỷ đồng, mà như vậy thì anh đem lại lợi nhuận gì?

Bây giờ người ta hỏi tới chuyện đó thì anh nói hỏi đến những cái thất thoát những cái gọi là không hiệu quả của anh, hay là cái sắp bị đổ vỡ thì anh nói là anh vẫn tồn tại vẫn tốt. Nếu nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ thì còn gì là hoạt động kinh doanh? Có nhiều thứ nhưng tôi cảm thấy hai thứ đó là quan trọng nhất.”

Bà Phạm Chi Lan thì cho rằng:

“Doanh nghiệp nhà nước là một khu vực rất lớn, chừng 1500 doanh nghiệp nhưng họ nằm giữ một nguồn lực rất lớn của đất nước. Hoạt động của họ thì phần lớn lại không có hiệu quả cao và vì vậy nó làm cho nền kinh tế kém hiệu quả. Khi nguồn lực được phân bổ quá nhiều cho nhà nước thì lại trở thành hạn chế đối với khu vực tư nhân. Bây giờ Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình ở mức thấp thì thách thức mới lại nảy sinh hoàn toàn không nhỏ.

A_Hanoi_200610270314208281_afp.jpg
Người phụ nữ bán trái cây dạo đi ngang một cửa hàng thời trang ở Hà Nội. AFP photo/Hoang Dinh Nam (Người phụ nữ bán trái cây dạo đi ngang một cửa hàng thời trang ở Hà Nội. AFP photo/Hoang Dinh Nam)

Các nhà đầu tư kinh doanh vẫn thường nêu lên vế ba nút thắt cổ chai của Việt Nam làm hạn chế tăng trưởng của Việt Nam mà Việt Nam cũng thừa nhận. Đó là hệ thống thể chế chưa hoàn thiện, thứ hai thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và thứ ba là kết cấu hạ tầng cũng còn rất yếu và không có hiệu quả.”

Ông Huỳnh Bửu Sơn, một thành viên trong nhóm Thứ Sáu nhìn lại cách điều hành của ngân hàng nhà nước hiện nay sau nhiều năm đổi mới và đưa ra nhận xét:

“Có những cái hiện nay còn đang vướng, thí dụ như Ngân hàng nhà nước, khi ra luật, tức là từ pháp lệnh qua luật thì đã đặt nặng chính sách tín dụng của nhà nước hỗ trợ cho khu vực quốc doanh vẫn là chủ đạo. Tính độc lập trong việc xây dựng chính sách tiền tệ chưa có nếu so với các khu vực khác. Lĩnh vực ngân hàng tuy có đổi mới sớm hơn nhưng tương thích với cơ chế thị trường thì lại chậm hơn.”

Tình hình hiện nay

Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa có một cái nhìn tổng kết về 35 năm kinh tế Việt Nam gói gọn trong 15 năm cuối, ông nói:

Thời gian 15 năm qua tương đối có thay đổi, tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn trên không gian, so sánh với các quốc gia khác ở trong khu vực thì Việt Nam vẫn là một nước tụt hậu.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

"Thời gian 15 năm qua tương đối có thay đổi, tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn trên không gian, so sánh với các quốc gia khác ở trong khu vực thì Việt Nam vẫn là một nước tụt hậu và cái thành quả 15 năm vừa rồi nó có cái hiện tượng là nạn bất công quá nặng.

Nói đến viễn ảnh sau 35 năm thì có một số tăng trưởng nhất định nhưng đào sâu cái hố dị biệt về lợi tức và nhận thức nó đưa đến những cái bất ổn trong xã hội Việt Nam. Chưa nói đến hiện tượng vô cùng quan trọng nữa là càng ngày càng gắn bó và càng lệ thuộc vào Trung Quốc kể cả về mặt kinh tế lẫn an ninh. Tôi cho là một tổng kết không lấy chi làm làm lạc quan.”

Dù sao thì Việt Nam vẫn phải tiến tới bằng mọi giá sau 35 năm phát triển. Khó khăn còn nhiều trong đó không thể không kể tới đó là con sâu tham nhũng trong những dự án ODA. Là nguồn nhân lực cao cấp cung cấp cho sản xuất. Là tư duy của cán bộ trong công tác cùng nhận thức đúng đắn của các nhà hoạch đinh kinh tế vĩ mô. Cũng không thể không nói tới một yếu tố hết sức quan trọng nữa đó là sự cởi bỏ thật sự những rào cản tuy vô hình nhưng vô cùng chắc chắn, đó là tận dụng tư duy của trí thức trong và ngoài nước ở mọi lĩnh vực, vì suy cho cùng thì bất cứ ở lĩnh vực nào trí thức cũng hướng tới mục tiêu “nước mạnh dân giàu”.

Câu chuyện về Nhóm Thứ Sáu có lẽ là một bài học cho chính quyền các cấp trong công tác sử dụng tài nguyên lớn nhất của đất nước đó là tài nguyên con người. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ có những bước đột phá mới, tận dụng lợi thế hiện nay để thực sự tiến xa hơn trên thương trường thế giới nhằm cải tạo mức sống người dân đúng như chế độ vẫn ngày ngày cổ vũ.

Theo dòng thời sự: