Vụ 39 nạn nhân thiệt mạng ở Anh: Sau nỗi đau là nguy cơ mất nhà

Ben Ngo
2019.11.29
test Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Đình Gia, cha của nạn nhân Nguyễn Đình Lượng ở nhà riêng tại Hà Tĩnh hôm 27/10/2019
Reuters

Một số gia đình vừa lo hậu sự cho con mình là nạn nhân trong vụ thiệt mạng khi tìm đường vào Anh hồi tháng trước chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng họ đang canh cánh nỗi lo mất nhà vì đã thế chấp cho con mình đi lúc ban đầu trong lúc gia cảnh nhà nào cũng đang có người đau ốm, khó khăn.

Thi thể của 16 trong số 39 nạn nhân thiệt mạng khi tìm đường vào Anh hồi tháng trước đã về đến sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, vào sáng ngày 27/11.

Đây là đợt đầu trong tổng số 2 đợt bàn giao thi hài hoặc lọ tro cốt của các nạn nhân từ Anh về Việt Nam. Thi thể các nạn nhân đợt một được bàn giao cho Việt Nam thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình.

Đợt thứ hai dự kiến diễn ra hôm 30/11.

Cho dù các gia đình trong vụ này được bà Đỗ Thị Kim Liên, Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam, trợ giúp kinh phí đưa thi hài ở Anh về nước (ước tính khoảng 66 triệu đồng một gia đình), nhưng họ đang đối mặt với các khoản vay lo cho con em mình đi Anh trước đó.

Hình minh hoạ. Người Công giáo làm lễ cho 39 nạn nhân chết trên đường vào Anh. Buổi lễ cầu nguyện ở giáo xứ Mỹ Khánh, Nghệ An hôm 26/10/2019
Hình minh hoạ. Người Công giáo làm lễ cho 39 nạn nhân chết trên đường vào Anh. Buổi lễ cầu nguyện ở giáo xứ Mỹ Khánh, Nghệ An hôm 26/10/2019
Reuters

Trả lời RFA hôm 29/11, ông Bùi Văn Điệp, anh của cô Bùi Thị Nhung, ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nghẹn giọng xác nhận rằng số nợ mà gia đình đang gánh là từ khoản vay ban đầu để có đủ 45.000 đô la cho cô Nhung tìm đường đi Anh.

Thi hài cô Nhung dự kiến được đưa về đến nhà khoảng chiều hôm 30/11.

Ông Bùi Văn Điệp nói:

“Không trả được thì họ lấy nhà. Vay tổng cộng hai năm. Họ gán nợ rồi, họ lấy nợ. Cũng có vay ngân hàng và vay ở bên ngoài. Nợ làm nhà cũng có. Tổng cộng nhiều lắm. Thì họ lấy nhà thôi, khi nào họ lấy thì đưa.”

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Hải, anh của nạn nhân Nguyễn Văn Hùng ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nói với RFA sau khi gia đình đã lo hậu sự cho anh Hùng hôm 28/11:

Nó có hai khoản. Một khoản là mình đóng tiền trước rồi mới đưa thi thể về. Một khoản là đưa thi thể về rồi mới đóng. Nhà em thì đưa thi thể về rồi mới đóng nhưng nhà em ký nợ với xã, rồi có tiền của bà Liên thì chi lại khoản đó cho xã. Cái khoản đó là vừa đúng để đưa thi thể về, 66 triệu.”

Ông Hải cho biết thêm rằng hồi anh Hùng tìm đường đi Anh “mất rất nhiều tiền, vay mượn hết hơn 500 triệu đồng, gia đình mới trả được 200 triệu đồng, nên còn nợ khoảng 300 triệu đồng.

“Số 300 triệu đồng thì hiện tại đã trả được một ít, tầm được cỡ mấy chục triệu. Nhà thì cũng rất khó khăn. Bởi bố mẹ [anh Hùng] đau ốm, không làm gì được, tháng nào cũng phải đi bệnh viện. Mỗi tháng bố phải ra Hà Nội khám một lần và vào Vinh khám một lần. Gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình thì con mấy người nhưng mà tháng làm chỉ mấy triệu, không đủ trang trải, mà tích cóp cho bố mẹ chỉ được một phần nào thôi.”

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết gia đình ông có phần may mắn hơn các nạn nhân khác trong vụ này vì “không phải thế chấp nhà", quỹ tín dụng của ủy ban xã biết gia cảnh nhà ông nên cho vay. Nhưng khi vụ việc xảy ra thì họ “không hỗ trợ được, vì người ta làm theo đúng luật, tiền lãi thế nào thì mình phải trả như vậy, lãi suất là 1,1%”

“Đã vay thì phải lo lắng, phải trả lãi. Nếu mà em [Hùng] mà suôn sẻ thì tầm cỡ em ổn định hơn hai năm thì có thể trả hết các khoản nợ xã và anh em bạn bè. Nhưng không may em chưa được tròn hai năm thì em đã gặp nạn.”

Hôm 29/11, ông Hoàng Lành, bố anh Hoàng Văn Tiếp, người cũng đã được chôn cất ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hôm 28/11 nói với RFA:

[Gia đình] còn phải tính nhiều, còn gần 200 triệu. Nhưng nói chung là bà [Liên] giúp cho chừng đó là cũng cảm ơn bà đã tốt lắm rồi. Gia đình cũng đang lo trả nợ, vay ngân hàng. Mình thế chấp sổ đỏ đất của nhà. Mình không trả được thì họ lấy lại, họ đẩy mình ra khỏi nhà. Cho nên vẫn lo chứ. Nói chung tôi bệnh tật, bà [vợ] làm ruộng, đủ ăn hàng ngày thôi. Còn 200 triệu thì gia đình phải cố gắng mà trả thôi.”

Ông Lành xác nhận rằng hầu hết các gia đình trong vụ này đều phải thế chấp nhà đất để lo cho con đi mưu sinh ở Anh.

Nếu mà em [anh Tiếp] đi trót lọt, thì tầm hai, ba năm là bố mẹ sạch nợ, thì là sau này nhờ em lại thôi.”

39 nạn nhân người Việt nhập cư lậu vào Anh bỏ mạng trên một chiếc xe container đông lạnh và được cảnh sát Essex, Anh phát hiện hôm 23/10.

Tỉnh có đông nạn nhân nhất là Nghệ An với 21 người, tiếp theo là Hà Tĩnh với 10 người, còn lại là các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng và Hải Dương.

Chính quyền Việt Nam cho biết chi phí để đưa xác một nạn nhân về nước là khoảng 66 triệu đồng, chi phí để đưa một lọ tro là hơn 41 triệu đồng. Chính quyền có thể ứng trước tiền chi phí đưa thi hài về nước và các gia đình sẽ trả lại sau. Theo truyền thông trong nước, đa phần các gia đình muốn nhận lại thi thể nạn nhân, chỉ có 7 gia đình đồng ý nhận tro.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.