Tượng đài 48 tỷ sai chi tiết lịch sử: lãng phí và cẩu thả!
2020.07.07
Tượng đài khởi nghĩa được xây dựng trên diện tích hơn 3.000 m2 ở đồi Lâm Viên, thị trấn Vĩnh Thạnh với vốn hơn 48 tỷ đồng dự định hoàn thành trong tháng 7 tuy nhiên đến nay vẫn còn dang dở.
Theo thiết kế được báo trong nước thuật lại, tượng đài cao 20m được làm từ đá nguyên khối khắc họa tình quân dân hai làng Tơlok và Tơlek tự trang bị vũ khí đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm cách đây hơn 60 năm.
Đáng quan tâm, mục đích xây dựng tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết nhằm để lưu lại lịch sử đấu tranh oanh liệt của quân và dân Vĩnh Thạnh. Từ đó, các thế hệ trẻ ở địa phương có thể ôn lại truyền thống đấu tranh dũng cảm của cha ông.
Tuy nhiên trên tượng lại có nhiều chi tiết được nói là không đúng với lịch sử đấu tranh của đồng bào Ba Na nơi đây.
Truyền thông trong nước dẫn lời nghệ nhân Yang Danh, người Ba Na, Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định cho hay đồng bào ông cầm giáo, mác tham gia cuộc khởi nghĩa chứ không bao giờ cầm rìu. Ngoài ra, phụ nữ Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như ở đồng bằng. Người Ba Na bắn nỏ, bắn ná chứ không phải bắn súng như tượng điêu khắc trên tượng đài.
Trao đổi với RFA tối 7/7, Nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định về việc này như sau:
“Họ có quan tâm gì, có trình độ gì mà làm tượng có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa văn hóa, không có, tất cả đều là nhân danh thôi. Tôi muốn nói rằng tình trạng tượng đài ngày càng lan rộng cả nước vì vừa được tiếng quan tâm văn hóa và có dịp tiêu tiền một cách hợp pháp mà sẽ có những cá nhân thu được tiền bằng cách này hay cách kia, có cái người ta gọi là ‘phần trăm’ nên thế nào họ cũng thủ được một ít. Thành ra không phải ngẫu nhiên mà ta gọi là ‘dịch tượng đài’.”
Với quan điểm cá nhân, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng sở dĩ có những sai phạm căn bản về lịch sử như trường hợp ở Vĩnh Thạnh là do yếu tố sau đây:
“Tượng đài là một tác phẩm nghệ thuật. Cũng như tất cả các ngành nghệ thuật khác trong chế độ độc đảng toàn trị Việt Nam thì nó đều bị chính trị hóa. Đó là yếu tố cốt lõi nhất làm cho tượng đài sai về ý nghĩa lịch sử bởi vì họ không cần gì hết, cứ đưa cờ đỏ sao vàng, búa liềm, Bác, đảng, Marx-Lenin thì họ đủ an tâm về mặt chính trị, không bị quy kết tội tự diễn biên, tự chuyển hóa. Chính vì việc chính trị hóa như vậy làm cho họ không quan tâm tới tính thẩm mỹ và lịch sử của tượng đài.
Vì vậy tượng đài ở Vĩnh Thạnh sai những chi tiết về lịch sử như vậy tôi không có gì ngạc nhiên vì họ không phải là những nghệ sĩ, những sử gia. Trong khi đó lịch sử Việt Nam hoàn toàn bị bóp méo cả trăm năm nay rồi.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội, bên cạnh việc sai chi tiết lịch sử không đem lại ý nghĩa gì, nhưng trớ trêu nhất ở chỗ những địa phương rất nghèo như thế lại sử dụng rất nhiều tiền 40 mấy tỉ để làm tượng đài trong khi trường học rất xập xệ, nhân dân đang khó khăn nhưng họ vẫn quyết tâm làm. Ông đưa ra nguyên nhân:
“Tôi nghĩ những biểu tượng như thế rất quan trọng đối với nhà cầm quyền vì nó là một trong những nhân tố củng cố cho hệ thống quyền lực của họ nên họ chi tiêu vô tội vạ để làm chuyện đấy. Chúng ta không lạ gì chuyện họ tìm mọi cách để xây dựng những tượng đài, cổng chào, cắm cờ rất linh đình ở khắp nơi. Đấy là về mặt ý nghĩa của nó.”
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc các địa phương tranh nhau xây dựng tượng đài với kinh phí lớn hàng chục tỉ đồng, thậm chí lên cả con số hàng trăm tỉ là do có việc ăn chia nên các tỉnh không ngại chi mạnh tay để có được phần chia lại từ các nhà đầu tư, xây dựng.
Báo trong nước đưa tin cho biết, với tổng chi phí 48 tỷ để xây dựng tượng đài, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, phần còn lại thì huyện Vĩnh Thạnh huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa khác.
Trước thực trạng này, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng:
“Trong tình hiện nay thì ngân sách nhà nước như dòng sông khô cạn theo lời bà Kim Ngân nói rồi. Phong trào xây tượng đài nói chung cũng như ở Vĩnh thạnh nói riêng làm cho người dân cảm thấy rất là chua chát bởi vì nghèo đói, hàng triệu người thất nghiệp trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay mà còn bỏ ra hơn 2 triệu đô la để xây tượng đài thì tôi nghĩ đó là hành xử vô nhân đạo đối với người dân.”
Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra đề xuất trước thực trạng ‘dịch tượng đài’ đang lan tràn tại khắp các địa phương trên cả nước bất chấp sự phản đối của dư luận:
“Nguồn lực của đất nước rất hạn hẹp, nếu họ nói thật sự vì dân vì nước thì họ phải dẹp những chuyện xây dựng vô bổ đó đi mà phải giúp các doanh nghiệp, người dân để sản xuất, làm ăn hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của đất nước nói chung.”
Trong khi đó, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già lại nghĩ rằng không có phương cách khả thi nào chấm dứt tình trạng vừa phản khoa học, vừa phi nghệ thuật và vừa làm cho tình trạng tham nhũng ngày càng trầm kha thông qua việc xây dựng tượng đài hiện nay.
Trao đổi với báo giới trong nước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đẩu cho biết ý tưởng xây dựng tượng đài này đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định mới cho chủ trương xây dựng.
Tượng đài khởi nghĩa được dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2020 để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8 tới đây nhưng hiện tại được ghi nhận chỉ mới hoàn thành 50%.
Hiện lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã điều chỉnh đầu tư tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh từ 48 tỷ xuống 40 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, phía chủ đầu tư công trình tượng đài huyện Vĩnh Thạnh cũng cam kết chỉnh sửa lại các chi tiết điêu khắc, phù điêu chưa sát với lịch sử và văn hóa bản địa được cộng đồng người Ba Na chỉ ra.