Nhiều báo trong nước đăng bài về triển lãm đó, và đặc biệt Tờ Tuổi Trẻ, có bài với tựa đề 'Nhớ Thiên An, phát huy phản biện xã hội'.
Vậy phản hồi của người dân Huế trước một dự án bị cho là phá vỡ môi trường thiên nhiên, cảnh quan sinh hoạt cộng đồng như thế nào?
Năm ngàn bức ảnh được trưng bày tại triển lãm ở bảo Tàng số 10 Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế, là những ảnh chụp kỷ niệm của các cá nhân, gia đình, tập thể tại Đồi Thiên An- Hồ Thủy Tiên, thuộc địa phận xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế trước thời kỳ tháng tư năm 2004.
Không còn đẹp như xưa vì xây dựng nhiều quá. Theo em chỗ nào nên xây thì xây, chỗ nào nên để hoang sơ mộc mạc như Đồi Thiên An thì phải giữ lại, vì xưa thì đẹp hơn giờ gấp mấy lần.
Một cư dân Huế
Lý do là sau thời điểm vừa nêu, khu vực Đồi Thiên An và Hồ Thủy Tiên nằm trong địa phận đó được Công ty Du lịch Cố Đô Huế biến thành Trung tâm Vui chơi Giải trí Hồ Thủy Tiên.
Trung tâm vui chơi giải trí cho người dân?
Nghe ra có vẻ nghịch lý vì một khu đồi mà nhiều cá nhân, gia đình, tập thể từ bao nhiêu năm đến để thư giãn, giải trí nay được một đơn vị nhà nước đầu tư xây dựng thành một trung tâm vui chơi giải trí lại không còn là nơi đáp ứng được nhu cầu đó của người dân.
Nhưng thực tế lại là vậy.
Chính các báo trong nước trích dẫn ý kiến của người dân khi đến xem triển lãm với những tấm ảnh kỷ niệm một thời Thiên An thơ mộng, chốn hoang sơ trầm lắng.
Tờ Tuổi Trẻ trích ý kiến nuối tiếc của ông Cao Thế An, một kỹ sư xây dựng năm nay ở tuổi ngũ tuần cho rằng khi nhìn lại những bức ảnh ố vàng xưa cũ, ông bắt gặp hình ảnh của nhiều người bạn thời trước nay ly tán tứ phương, tuy nhiên sau khi đồi Thiên An bị rào lại làm khu du lịch và bán vé thì ông một lần lên đó nhưng phải dội lui vì có cảm giác ngọn đồi không dành cho người dân như ông nữa.
Cô giáo Lê Thị Nguyện, giảng viên Khoa địa trường Đại học Khoa học Huế thì cho rằng Hồ Thủy Tiên tại Thiên An bị con người can thiệp vào nhiều quá, kiến trúc hình rồng cứng ngắc, đơn điệu như lô cốt làm mất vẻ mềm mại, quyến rũ, thơ mộng của khung cảnh. Theo cô này thì dịch vụ tại khu vui chơi, giải trí đó cũng là một rào cản.
Chúng tôi hỏi một số cư dân Huế cảm tưởng sau khi xem triển lãm, cũng như nhận xét của họ về Trung tâm giải trí tại Đồi Thiên An, Hồ Thủy Tiên. Một bạn nữ cho biết:
Bây giờ giả sử thử mở một cuộc thi lý giải người ta xây dựng công viên nước ở hồ Thủy Tiên để làm gì thì chắc rằng chẳng ai có thể tìm ra một lý do thuyết phục cả.
Hương Giang, Hà Nội
“Ai cũng khen vì có ấn tượng, cách làm mới lạ. Ý nghĩa là có cái hay, là cách làm hay. Đó cũng là một trong những cảnh đẹp của Huế mà ngày xưa người ta hay lên đó chơi, giờ chừ thì có khu của du lịch.”
Xưa thì đẹp hơn giờ gấp mấy lần
Bạn nữ khác nói:
“Không còn đẹp như xưa vì xây dựng nhiều quá. Theo em chỗ nào nên xây thì xây, chỗ nào nên để hoang sơ mộc mạc như Đồi Thiên An thì phải giữ lại, vì xưa thì đẹp hơn giờ gấp mấy lần.”
Một người trung niên ở Huế cho hay:
“Hồi còn thanh niên thì nhóm chúng tôi đi trại, đi du ngoạn, trước còn hoang sơ, cảnh đẹp,có hồ nhưng nay thì cải tạo hết rồi.”
Trong khi đó thì ông chủ tịch UBND Xã Thủy Bằng có ý kiến ngược lại:
“Đã xây dựng chi mấy, qui mô xây dựng vẫn giữ cảnh quan, chỉ lấy hồ và đồi để xây dựng chứ không phá vỡ cảnh quan.”
Chúng tôi cũng cố liên lạc nhiều lần với chủ dự án Hồ Thủy Tiên là Công ty Du lịch Cố Đô Huế, thế nhưng không ai trả lời máy.
Hồi tháng tư năm 2005, một người tên Hương Giang ở 104 Bùi Thị Xuân, Hà Nội có bài viết đăng trên báo mạng Việt Nam Net có đoạn nguyên văn như sau: ' Bây giờ giả sử thử mở một cuộc thi lý giải người ta xây dựng công viên nước ở hồ Thủy Tiên để làm gì thì chắc rằng chẳng ai có thể tìm ra một lý do thuyết phục cả. Để bảo tồn thiên nhiên ư? Không thể, bởi vì không thể thay thế con đường đất đỏ được rải đá quanh co ven sườn đồi và thung lũng bằng con đường nhựa bằng phẳng mà vô hồn, không thể thay thế tiếng xào xạc của rừng thông bằng nhạc Pop, Rock phát ra từ hàng chục chiếc loa đặt xung quanh hồ, không thể thay thế mặt hồ xanh ngắt phản chiếu hình dáng uy nghi của rừng thông, của những đám mây trôi hờ hững bằng cái đầu Rồng được xây bằng bêtông cốt thép sơn phết lòe loẹt. Để thu hút du khách ư? Không thể, bởi vì du khách tìm đến Huế là để tìm cảnh quan thuần khiết của thiên nhiên chứ không phải tìm đến những công trình nhân tạo. Để tăng lợi nhuận từ du lịch ư? Điều này cũng còn đôi chút hợp lý đối với ai chỉ có tầm nhìn cách lỗ mũi một gang tay. Trước đây vào đây tham quan chẳng phải mất tiền, nhưng bây giờ thì phải mua vé 5 nghìn để vào cửa, và vé 15 nghìn để vào thủy cung. Nhưng đừng quên rằng, nguồn thu từ du lịch là làm sao để thu hút thật nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam, mà khách nước ngoài còn ai sẽ đến Huế khi dần dần cảnh quan thiên nhiên không còn nữa? Thế thì vì điều gì nhỉ? '
Chính một cán bộ Nhà Bảo Tàng Huế cũng thừa nhận về sức thu hút của triển lãm:
Đồi Thiên An - Hồ Thủy Tiên, … đã và đang trở thành một "gánh nặng" và "sai lầm khó sửa đổi", khi dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên được đầu tư hàng chục tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ tháng 4.2004 nhưng không hiệu quả.
Báo Lao Động
"Rất thú vị, rất đồng tình với cuộc trưng bày. Nó có hành trình rất dài, từ năm 1947 đến nay, gợi những kỷ niệm của những người ở Huế và yêu mến Huế. "
Tờ Lao Động cũng có bài nói về triển lãm 'Last Holidays' với đoạn như sau 'Đồi Thiên An - Hồ Thủy Tiên, một trong những danh thắng và nơi chốn hò hẹn, vui chơi của bao thế hệ người Huế và du khách đã và đang trở thành một "gánh nặng" và "sai lầm khó sửa đổi", khi dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên được đầu tư hàng chục tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ tháng 4.2004 nhưng không hiệu quả.'
Họa sĩ Trương Thiện, trưởng nhóm thực hiện dự án 'Last Holidays' phát biểu:
"Trước đây khu Hồ Thủy Tiên- Đồi Thiên An là khu công cộng cho mọi người đến chơi mà không cần dịch vụ gì cả. Nơi đó rất là đẹp rồi nên không cần dịch vụ gì nữa."
Những ý kiến được cho là phản biện của người dân Huế đối với dự án Đồi Thiên An- Hồ Thủy Tiên được đưa ra 5 năm sau khi dự án đã triển khai, thế nhưng theo nhóm thực hiện dự án thì đó là cảnh báo cho những dự án tương tự tại những nơi khác ở Việt Nam.