Niên vụ đắng cho cà phê Tây Nguyên

Giá cả sụt giảm đồng hành sản lượng thấp, nông dân giữ hàng không bán ra. Đây là những thông tin ảm đạm về mùa thu họach cà phê niên vụ 2009-1010 ở Tây Nguyên. Nam Nguyên trình bày vấn đề này:
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.12.14
Ông Nguyễn Văn Bé chủ vườn,  trồng loại cà phê Robusta ở Long Khánh, Đồng Nai Ông Nguyễn Văn Bé chủ vườn,trồng loại cà phê Robusta ở Long Khánh, Đồng Nai
AFP photo

“Cà phê năm nay đắng quá”

Một người trồng cà phê ở Lâm Đồng phát biểu trong nỗi buồn: “cà phê năm nay đắng quá”. Sản lượng và giá thành tỷ lệ nghịch với nhau, nếu một mẫu cà phê đạt năng suất cao thì giá thành sẽ giảm. Ông Nguyễn Công Thịnh, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên nhận xét:

“Giá về vốn vụ vừa rồi tính toán là tầm 22.000 tới 23.000đ/kg, không có lời. Hy vọng sang năm giá cao hơn năm nay, ráng để sống thôi. Ngành cà phê đứng sau lưng là các ngân hàng, nông dân thì hết tiền đến đâu vay đến đó, làm ra đến đâu trả đến đó, cái này cứ quay liên tục như vậy.”

Giá về vốn vụ vừa rồi tính toán là tầm 22.000 tới 23.000đ/kg, không có lời. Hy vọng sang năm giá cao hơn năm nay, ráng để sống thôi. Ngành cà phê đứng sau lưng là các ngân hàng, nông dân thì hết tiền đến đâu vay đến đó, làm ra đến đâu trả đến đó, cái này cứ quay liên tục như vậy

Ô.Thịnh, kinh doanh cà phê      

Việt Nam có diện tích cà phê khoảng 500 ngàn ha, chủ yếu ở Tây Nguyên với 430 ngàn ha, phần còn lại rải rác ở nhiều nơi như Long Khánh ở Đông Nam Bộ, vùng núi Thừa Thiên Huế ở miền Trung và ở miền Bắc. Thời tiết xấu ảnh hưởng mùa vụ, chi phí phân bón, thuốc sâu, nước tưới, công lao động cao, khiến vườn cây không được đầu tư đúng mức dẫn tới kết quả thu hoạch thấp.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch  “Câu Lạc Bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam” ước tính sản lượng thấp, thu hoạch cà phê diễn ra từ giữa tháng 11, rộ trong tháng 12 và kết thúc trong tháng Giêng:

“Giảm 15 tới 20% nhưng đang thu hoạch tình hình có vẻ giảm nặng hơn. Vụ cũ xuất khẩu được 1.160.000 tấn năm nay có thể là 1.050.000 tấn, nông dân họ trồng tự do cho nên chỉ là ước tính thôi, chẳng có cơ quan  thống kê nào xác định chính xác được.” 

Giảm 15 tới 20% nhưng đang thu hoạch tình hình có vẻ giảm nặng hơn. Vụ cũ xuất khẩu được 1.160.000 tấn năm nay có thể là 1.050.000 tấn, nông dân họ trồng tự do cho nên chỉ là ước tính thôi, chẳng có cơ quan  thống kê nào xác định chính xác được

Ông Đỗ Hà Nam

Ghim hàng đợi giá

Thông tin từ Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao Việt Nam VICOFA và các mạng tin thương mại nước ngoài dự báo sản lượng cà phê ở Tây Nguyên có thể chỉ đạt 900 ngàn tấn, dù trong lúc này một số nơi vẫn đang tiếp tục hái quả và phơi sấy.

Theo trang mạng nước ngoài Alibaba. Com, từ đầu vụ thu hoạch ở Tây Nguyên tới nay khoảng 300 ngàn tấn cà phê nhân robusta đã được bán, tuy nhiên số lượng cà phê giữ lại có thể lên tới 600 ngàn tấn.

Theo ước tính, 45% lượng cà phê vừa nói do nông dân giữ tại nhà, hoặc quả còn đang chín ở trên rẫy, phần còn lại ở trong kho các doanh nghiệp.      

Theo Hiệp Hội VICOFA giá cà phê nhân robusta ngày 11/12 là 1.310 USD/tấn giao hàng tại cảng Saigon. Giá này giảm gần một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó giá cà phê vối nhân xô, tức bán không phân loại tới tay doanh nghiệp là 25.200đ/kg, giá này đã nhích lên chút ít so với giá hồi cuối tháng 11. Thực tế nông dân bán tại vườn cho thương lái còn thấp hơn vài trăm đồng/kg, tình hình giá cả như vậy người trồng cà phê bị thất thu nhiều, so với giá cà phê năm ngoái đạt 35.000đ/kg.    

Theo trang mạng nước ngoài Alibaba. Com, từ đầu vụ thu hoạch ở Tây Nguyên tới nay khoảng 300 ngàn tấn cà phê nhân robusta đã được bán, tuy nhiên số lượng cà phê giữ lại có thể lên tới 600 ngàn tấn.

Có thể nói tình trạng giá cả sụt giảm đã khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều ghim hàng không bán ra, hy vọng giá thế giới sẽ nhích lên trong tương lai.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu Lạc Bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất VN nhận định:  “Hiện nay họ bán với giá 24.500-25.000đ/kg, ai mua giá đó thì bán, thấp hơn họ giữ lại.”

Tuy vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, giới trung gian hoặc thương nhân nước ngoài cùng nhận định rằng, mùa giáng sinh rồi Tết đang đến gần, người trồng cà phê sẽ phải bán hàng ra trong các tuần lễ sắp tới, để lấy tiền tiêu xài, đó là chưa kể họ phải trả nợ ngân hàng, rồi vay mới để mua phân bón, thuốc sâu, bơm tưới chăm sóc vườn cây cho vụ mới.

Đối với giới thương nhân quốc tế hoạt động trên các sàn giao dịch nông sản ở London hay NewYork: sự kiện bao giờ người Việt Nam chịu bán cà phê ra và bán với giá nào là những yếu tố rất quan trọng.     

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.