Chung quanh dư luận đổi tội danh (phần 2)
2009.12.28

Luật quốc tế về nhân quyền
Thanh Quang: Để giúp hiểu rõ thêm về việc nhà cầm quyền Hà Nội đã cải tội danh để xét xử trong vài ngày sắp tới, về tội “âm mưu lật đổ chính quyền “, cựu Trung tá Trần Anh Kim và liền sau đó mấy nhân vật hoạt động dân chủ khác như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, xin luật sư bàn sâu thêm về biện pháp cải tội danh nói trên.
LS Trần Thanh Hiệp: Muốn bàn sâu thêm tất sẽ phải đi vào địa hạt chuyên môn của luật học và xem xét vấn đề về nhiều mặt. Theo tôi trong khuôn khổ cuộc trao đổi này thì chúng ta chỉ đủ thời giờ để bàn về hai mặt chính.
Việc truy tố này là vi phạm luật phổ quát về nhân quyền mà chính nhà cầm quyền Hà Nội từ năm 1982 đã cam kết tôn trọng và áp dụng.
LS Trần Thanh Hiệp
Thanh Quang: Đó là…
LS Trần Thanh Hiệp: Mặt luật phổ quát về nhân quyền tức là những quy phạm
của luật quốc tế về nhân quyền đã đươc đem hội nhập đầy đủ vào luật
quốc gia để trở thành luật quốc nội. Nhìn dưới góc độ này thì
luật phổ quát về nhân quyền là từ các điều khoản về quyền con người
trong Hiến pháp 1992 đến các đạo luật áp dụng của những điều khoản
ấy đều đã phải sửa đổi cho đúng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ hội nhập phần từ ngữ còn phần nội dung
thì lại đổi khác đi để vô hiệu hóa hết những gì họ đã cam kết
phải tôn trọng. Tức là phải tìm xem trong việc truy tố để xét xử
các nhà hoạt động dân chủ, nhà cầm quyền Hà Nội có áp dụng luật phổ
quát về nhân quyền không.
Theo tôi họ không áp dụng luật phổ quát về nhân quyền mà đã dùng luật quốc nội là luật đảng trị phi nhân quyền để đàn áp những ai không chịu phục tùng họ.
Thanh Quang: Nếu là phi nhân quyền như luật sư nói thì còn chỗ nào để bào chữa nữa?
LS Trần Thanh Hiệp: Nói phi nhân quyền là nhận định về mặt thực chất của
luật lệ hiện hành ở Việt Nam theo đó 26 quyền tự do đã được các
công ước quốc tế công nhận là quyền con người đều đã bị nhà
cầm quyền Hà Nội sang đoạt hết khiến cho người dân không còn một
quyền nào nữa.
Cho nên để bào chữa cho những người đã bị truy tố và đem ra tòa xét xử trên cơ sở luật phi nhân quyền ấy thì phải nêu lên rằng việc truy tố này là vi phạm luật phổ quát về nhân quyền mà chính nhà cầm quyền Hà Nội từ năm 1982 đã cam kết tôn trọng và áp dụng. Và đây là mặt thứ hai sẽ được bàn luận.
Đấu tranh ôn hòa là có tội?
Thanh Quang: Để đi tới kết luận nào về việc cải tội danh, thưa luật sư?
LS Trần Thanh Hiệp: Cải tội danh không phải là việc chính mà là việc
phụ. Nhưng vì nhà cầm quyền đã đặt ra và thực hiện nên những người
hữu quan cũng phải tìm cách giải quyết sao cho có lợi cho mình.
Việc chính là phải chứng minh để thuyết phục rằng theo luật phổ quát về nhân quyền mà Hà Nội đã tham gia thì các nhà đấu tranh ôn hòa cho dân chủ không có tội, thay vì chịu đầu hàng bên công tố dưới hình thức xin khoan hồng.
Theo luật phổ quát về nhân quyền mà Hà Nội đã tham gia thì các nhà đấu tranh ôn hòa cho dân chủ không có tội.
LS Trần Thanh Hiệp
Thanh Quang: Nhưng dù sao bị truy tố chiếu điều 79 của Bộ luật hình sự mà khung hinh phạt tối đa là tử hình cũng là một mối đe dọa lớn vì thế không thể đánh giá thấp vụ cải tội danh.
LS Trần Thanh Hiệp: Thấp hay cao thì cũng không thay đổi gì về mặt chính hay phụ. Có điều nên giải quyết ưu tiên vấn đề cải tội danh để phòng hờ quan điểm vô tội không được chấp nhận.
Thanh Quang: Nhưng theo luật sư thì bây giờ có quá muộn để đặt lại vấn đề cải tội danh hay không?
LS Trần Thanh Hiệp: Sự thật nếu đạt đúng lúc nghĩa là sớm hơn bây giờ thì
tốt hơn. Đáng lẽ ra những người đã bị cải tội danh nhẹ thành nặng
đã có thể đòi áp dụng các điều 49, 95, 127 của luật tố tụng hình
sự để khiếu nại và đặt lại vấn đề này từ giai đoạn còn là bị can
chỉ mới bị khởi tố.
Tôi không rõ các đương sự có được sử dụng
quyền này không. Nhưng dù có bỏ lỡ để phải bước sang giai đoạn thành
bị cáo nghĩa là bị truy tố, các đương sự lại được quyền nại ra
điều 50 của bộ luật tố tụng để khiếu nại mà bác bỏ quyết định
cải tội danh nhẹ thành nặng nói trên.
Nếu lại cũng vẫn không khiếu nại hay đã khiếu nại mà không có kết quả thì trước tòa án ngay trong phiên xử lại tiếp tục nêu vấn đề cải tội danh.
Thanh Quang: Cụ thể, theo luật sư thì đặt vấn đề cải tội danh để bác bỏ tội danh mới và chấp nhận tội danh cũ hay thay bằng tội danh mới khác?
LS Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, phải giữ vững quan điểm, theo đó trên cơ sở luật
phổ quát về nhân quyền mà nhà cầm quyền Hà Nội đã cam kết tôn trong
tranh đấu ôn hòa cho dân chủ là vô tội.
Tuy nhiên vói tính cách hoàn
toàn phụ lý có thể đề nghị nếu tòa án trong muôn một phải xét
định là có kết tội hay không thì hãy thay tội danh “lật đổ chính
quyền” bằng “tội làm nhục người khác”, chiếu điều 121, hay “tội
vu khống” chiếu điều 122 , đoạn 1, Bộ luật hình sự của CHXHCNVN năm 1999.
Trên đây chỉ là vài phản ứng nóng của tôi khi tôi được tin là các nhà tranh đấu ôn hòa cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước đã bị truy tố ra trước tòa vì cho là có “âm mưu lật đổ chính quyền”. Tôi tự hỏi phải chăng cơ quan truy tố đã muốn duy trì bằng mọi giá độc tài đảng trị?
Thanh Quang: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.