Bình ổn giá thức ăn chăn nuôi: biện pháp tình thế?
2009.10.13
Các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư rất sớm ở Việt Nam, nhưng các mặt hàng thức ăn chăn nuôi lại luôn mất ổn định, giá cả đắt nhất thế giới, người chăn nuôi hưởng lợi rất ít.
Do vậy kể từ 15/11/2009 chính phủ đưa ba mặt hàng thức ăn chăn nuôi chủ yếu vào diện bình ổn giá, sẵn sàng can thiệp mỗi khi thị trường biến động. Biện pháp mới nhất này giúp ích gì cho người chăn nuôi?
Nam Nguyên phỏng vấn ông Phạm Văn Minh, Giám Đốc Công Ty Phú An Sinh, công ty có trại nuôi gà an toàn sinh học qui mô lớn và nhà máy chế biến sản phẩm gia cầm. Từ TP.HCM, ông Phạm Văn Minh nhận định:
Ông Phạm Văn Minh : Tôi nghĩ người chăn nuôi cũng có thể yân tâm hơn về giá thành đầu vào của mình, bởi vì trong những năm vừa qua giá của ngành chăn nuôi liên tục tung hứng, lý do là do thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam thật sự nằm trong sự điều tiết của chỉ vài nhà máy lớn thôi.
Ở Việt Nam có khoảng gần một trăm nhà máy về thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên 70% tới 80% thị phần thì chỉ nằm trong có khoảng 10 nhà máy lớn thôi. Do đó trong những năm vừa qua giá thức ăn chăn nuôi liên tục biến động, biến động một phần là do giá cả thị trường, tuy nhiên một phần cũng do các đơn vị nắm nguồn chi phối họ cũng chủ động làm giá.
Như vậy việc bình ổn giá thức ăn chăn nuôi tôi nghĩ rằng là một tiền đề làm cho bình ổn giá thành của ngành chăn nuôi, sẽ phát triển ngành chăn nuôi tốt hơn.
Tác dụng ngược?
Nam Nguyên : Thưa ông, bình ổn giá có thể là có tác dụng ngược lại với thị trường thức ăn chăn nuôi. Người ta có ý kiến là khi nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi bị mất lợi nhuận sẽ giảm sản xuất. Ông nhận định gì về điều này ạ?
Ông Phạm Văn Minh : Tôi nghĩ điều này không hoàn toàn chính xác, tại vì vừa qua thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phát triển rất nóng, rất mạnh, và lợi nhuận rất lớn, như vậy thì rõ ràng là có lợi cho một nhóm người này thì lại không có lợi cho nhóm người khác.
Ở đây tôi muốn nói những người chăn nuôi họ liên tục bị áp lực nhiều phía, từ phía đầu ra thì giá luôn luôn bấp bênh mà khi bán được giá thì lại có chương trình bình ổn đầu ra để bảo vệ - đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên đầu vào thì lại không được bình ổn mà phụ thuộc vào một số doanh nghiệp nắm quyền chi phối trong lãnh vực thức ăn chăn nuôi, và họ liên tục tăng giá. Và anh thấy rõ ràng giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với giá thức ăn chăn nuôi của khu vực và của thế giới.
Việc bình ổn đây không có nghĩa là không tạo lợi nhuận, mà ở một mức lợi nhuận vừa phải và cũng có quyền lợi của những người gắn bó với mình, như vậy nó sẽ tạo tiền đề để cùng phát triển hơn.
Tôi nói thí dụ như bây giờ bình ổn như vậy, tạo điều kiện cho người chăn nuôi có một mức lợi vừa phải và người tiêu dùng cũng có cái giá vừa phải thì nó sẽ kích thích thị trường phát triển đồng loạt hết và như vậy ngành chăn nuôi sẽ phát triển mạnh hơn nhiều, những nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng sẽ tăng sản lượng hơn, việc này sẽ bù lại cho việc lợi nhuận của họ có thể giảm đi do chủ trương bình ổn này. Khi họ tăng được sản lượng lên thì cuối cùng mức lợi nhuận của họ vẫn không thay đổi hoặc có thể là tốt hơn.
Nam Nguyên : Thưa ông, hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập rất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp hay là bã đậu nành, rồi các loại khác nữa, trong khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp mà lại không có chiến lược đầu tư cho vấn đề này, kể cả công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi nữa. Là một nhà chăn nuôi, nhà kinh doanh lớn ở TP.HCM, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Phạm Văn Minh : Tôi nghĩ chương trình bình ổn thức ăn chăn nuôi thì phải có chiều sâu hơn; có những đầu tư để tạo vùng nguyên liệu chứ không phải là chỉ là bình ổn phần về giá, mà không phải bình ổn - chỉ là góp vốn ra để mà đảm bảo giá, kiềm chế sự gia tăng của giá đầu vào của thức ăn chăn nuôi.
Mà ở đây, theo tôi nghĩ, chương trình bình ổn này chỉ thực sự có ý nghĩa, có kết quả khi mà nhà nước - chính phủ sẽ có những đầu tư về chiều sâu cho ngành thức ăn chăn nuôi này, tức là sẽ có những vùng nguyên liệu lớn để mà có vùng thích nghi trồng bắp , có vùng thích nghi trồng đậu nành, và sẽ có những cải thiện về giống: giống của những loại bắp, giống của đậu nành để đạt năng suất cao, có hỗ trợ những ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm theo.
Tôi muốn nói về ngành công nghệ sản xuất thức ăn gia súc hiện nay thì một số cũng phải nhập ở ngoài, tuy nhiên một số doanh nghiệp trong nước cũng đã làm được rồi, thì như vậy sẽ tạo được giá thành tốt nhứt.
Bình ổn đây thì sẽ mang nhiều ý nghĩa nếu mình đầu tư thật sự theo chiều sâu, thì như vậy người nông dân họ sẽ có năng suất cao hơn, có những vùng trồng trọt nhiều hơn, sẽ cung cấp cho những nhà máy thức ăn chăn nuôi được giá thành tốt nhứt, không phải nhập ở nước ngoài mà bị biến động theo trị giá hoặc bị biến động theo thị trường thế giới, hoặc cũng bị biến động theo sự chi phối giá của một số đại gia lớn trong ngành, tương tự như vậy đối với đậu nành, đối với bột cá, đối với những phụ liệu khác.
Vậy nếu mình làm tốt được từ ngay cái khâu này từ gốc, thì chắc chắn có giá tốt nhứt, và tự khắc nó sẽ không còn bị điều tiết giá của những đơn vị nắm quyền chi phối. Như vậy thì nó sẽ tạo được tiền đề phát triển bền vững.
Giải pháp…
Nam Nguyên : Thưa ông, đó là câu chuyện của tương lai và ông thấy có chuyển động gì về vấn đề vừa nói hay không?
Ông Phạm Văn Minh: Vừa rồi cũng có một số quan tâm, thí dụ như những hội thảo về việc so sánh cải tạo năng suất bắp ở Việt Nam. Và theo tôi biết, một số doanh nghiệp cũng đã có đầu tư chiều sâu hơn, chủ động vào những vùng nguyên liệu trong nước, chủ động tìm kiếm nguồn đầu tư về bắp và đậu nành trong nước.
Một số doanh nghiệp trong nước cũng đã có những đầu tư khá mạnh về nhà máy thức ăn chăn nuôi, tức là làm những trang thiết bị dụng cụ cho nhà máy thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành thay vì phải nhập ngoại hết. Thí dụ như vừa rồi tôi có làm một dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi thì chí phải nhập máy ép viên và i máy sẻ mảnh của nước ngoài thôi, còn lại thì ở Việt nam làm hết, coi như vậy là giá thành rẻ khoảng 60% so với giá nhập toàn bộ.
Tương tự như vậy thì tôi thấy là cũng có những chuyển động, tức là cũng đã có những vùng đất mà từ trước tới giờ vẫn bỏ trống, do một số đơn vị nắm giữ, thì bây giờ đã có định hướng là sẽ trồng bắp, trồng đậu nành, tuy nhiên nó vẫn ở mức thấp, chưa có sự đầu tư, chưa có sự tập trung nhiều lắm.
Và tôi nghĩ rằng nếu các cơ quan quản lý thấy được vấn đề này cần tập trung đầu tư vô lãnh vực vừa nói, sớm hơn và mạnh hơn thì chắc chắn sẽ tạo một sự khác biệt trong thị trường thức ăn chăn nuôi sắp tới.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Phạm Văn Minh về thời gian ông dành cho Đài chúng tôi.
Ông Phạm Văn Minh : Vâng. Xin chào anh Nam Nguyên.