Vào tối 14 tháng 8, Gia Minh hỏi chuyện ông Nguyễn Tấn Lự về thời gian bị bắt đó. Trước hết ông cho biết:
Ông Nguyễn Tấn Lự: Đi làm ở ngoài Trường Sa. Trong khi làm thì nghe Việt Nam báo có cơn bão áp thấp ở Philippines sẽ tràn qua Việt Nam, tôi sợ gió bão nên chạy vào đảo Rumba ở Hoàng Sa nhưng trên đường chạy vào chưa tới Rumba thì đi qua đảo Linh-côn của Trung Quốc giữ thì tàu Trung Quốc chạy xuống, kẹp vào, và nó bắt tôi, nó dắt về đảo Phú Lâm.
Gia Minh: Thưa ông, khi họ đưa về đến đảo Phú Lâm thì họ có nói gì với riêng ông và những thuyền viên khác không?
Tra tấn, đánh đập
Ông Nguyễn Tấn Lự: Nói chung, về đến đảo Phú Lâm coi như người ta bịt mắt chúng tôi, người ta dắt vào trong chỗ người ta tạm giam, sau đó người ta mới mở đồ bịt mắt ra, rồi người ta kêu lên hỏi cung, người ta tra tấn, đánh đập thuyền trưởng với một vài anh em thuyền viên. Người ta hỏi về vấn đề tại sao dám xâm phậm vào vùng biển Tây Sa của Trung Quốc.
Gia Minh: Xin hỏi, như vậy là ông bị đánh? Bản thân ông bị đánh ạ?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Bị đánh, bị tra điện, bị tra tấn nhiều lắm.
Khi người ta làm việc thì nó có tra tấn nên người ta bảo ký thì mình ký vào cái giấy như vậy đó. Họ biểu sao mình làm vậy chớ chừng đó (bấy giờ) mình sợ quá rồi.
Ông Nguyễn Tấn Lự
Gia Minh: Dạ. Những người mà ông vừa mới kể họ làm cái nhiệm vụ tra khảo như vậy thì họ mặc sắc phục ra sao? Và họ nói tiếng gì, hoặc có thông dịch như thế nào mà ông hiểu được như vậy?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Những người ra bắt thì bên thông dịch viên giới thiệu là kiểm ngư.
Gia Minh: Sau khi họ nói như vậy thì ông trả lời họ như thế nào ?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Có trả lời là tôi không có làm ở đó mà tôi làm ở Trường Sa, nhưng mà đài báo bão nên tôi mới chạy vào trú bão, nhưng trên đường chạy ngang qua cách đảo của Trung Quốc khoảng mười mấy lý thì coi như bị tàu xuống bắt, chớ còn tôi không có làm ở đây. Nhưng mà thông dịch viên nói là đã đến đó rồi là xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Gia Minh: Như ông nói là ông bị tra tấn, bị tra điện nữa, nhưng bị bao nhiêu lần, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Nó tra điện hai lần. Còn tra tấn cũng hai lần.
Gia Minh: Họ có bắt phải ký vào những biên bản gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Cũng có ký trong một tờ giấy. Khi người ta làm việc thì nó có tra tấn nên người ta bảo ký thì mình ký vào cái giấy như vậy đó. Họ biểu sao mình làm vậy chớ chừng đó (bấy giờ) mình sợ quá rồi.
Gia Minh: Trong đó có nội dung gì? Người phiên dịch không đọc cho ông nghe sao?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Không. Phiên dịch không đọc.
Gia Minh: Trong suốt thời gian mà theo như ông nói là 12 ngày bị bắt giam như vậy thì có hai lần bị đánh, hai lần bị tra điện, còn ngoài ra thì sau đó sức khỏe ông chắc là không được tốt, vậy họ có chăm sóc sức khỏe cho bản thân ông và những người khác mà ông biết được hay không?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Nói chung có bác sĩ tới khám nhưng mà thuốc thì xin nhưng mà không có thuốc men gì hết. Sức khỏe thì coi như đau, ho và anh em bị như vậy cũng đau, ho, nóng. Bác sĩ xuống khám nhưng mà xin thuốc thì không có.
Gia Minh: Bị nhốt như vậy thì ông và các thuyền viên có bị nhốt chung với nhau hay là bị nhốt như thế nào?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Bị nhốt chung với các thuyền viên của đảo Lý Sơn, chung một chỗ, tất cả 25 người bị nhốt chung một chỗ hết.
Thì nói chung ngư dân ở đây cũng trông mong sao những đảo của Hoàng Sa thì nhà nước làm sao để ngư dân được làm tự do như các đảo khác của Việt Nam, không sợ Trung Quốc bắt nữa, …
Ông Nguyễn Tấn Lự
Gia Minh: Khi có lệnh thả thì họ vào họ thông báo như thế nào và họ cho mình ra?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Khi có lệnh thả thì họ đem giấy xuống biểu thuyền trưởng ký vào trước rồi các thuyền viên ký hết vào và lăn tay, rồi họ cho về.
Gia Minh: Đưa về thì trên tàu là đi về bằng chiếc tàu của ông, phải không?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Đi về tàu của tôi và 12 ngư dân của Lý Sơn, còn hai tàu của Lý Sơn thì nó không cho về.
Gia Minh: Khi ra tàu để lên tàu về thì tình trạng của chiếc tàu ông thấy ra sao, có còn nguyên vẹn không, và họ có cho dầu hoặc có cho lương thực để đi về không?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Trên tàu nói chung là nó lấy hết tất cả, chỉ để cho số dầu chạy về tới quê thôi. Toàn bộ các thiết bị đi biển thì họ lấy toàn bộ hết. Dầu họ cũng hút, chỉ để vừa đủ dầu chạy về tới bờ thôi.
Tâm tư nguyện vọng
Gia Minh: Khi lên bờ thì chính quyền địa phương có giúp đỡ gì cho ông và các thuyền viên khác không?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Hiện nay thì chưa có giúp đỡ gì nhưng mà chính quyền cũng có tới động viên thăm hỏi sức khỏe của anh em. Bước sau thì chưa biết như thế nào, nhưng hiện giờ thì chưa có.
Gia Minh: Được biết vào hồi Tháng Giêng tàu của ông cũng đã bị phía Trung Quốc bắt ông một lần rồi và phải nộp tiền chuộc, nhưng mà sau này cũng bị một lần nữa, vậy thì bây giờ tâm tư nguyện vọng của người đi biển như ông đối với các cơ quan chức năng nhà nước giúp đỡ để có thể làm ăn trở lại ra sao?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Người đi biển sống bằng nghề biển mà như anh đã biết rồi trong một năm nay mà bị hai lần như vậy thì nợ nần quá chất chồng, bây giờ vay mượn nói chung là không vay không mượn được nữa. Vay mượn nhiều quá rồi, giờ không biết đâu vay mượn nữa. Bây giờ muốn triển khai thì cũng không có trang thiết bị của nghề biển để ra khơi, thì cũng mong muốn nhà nước quan tâm giúp đỡ cho những thiết bị hay là cái kia cái nọ thì mới triển khai được. Đó là nguyện vọng thứ nhứt của tôi và của anh em ngư dân vừa bị bắt.
Gia Minh: Đó là vấn đề về tài chánh, về các phương tiện, trang thiết bị thôi. Còn về mặt kỹ thuật và đi các vùng biển để không bị bắt thì như thế nào?
Ông Nguyễn Tấn Lự: Thì nói chung ngư dân ở đây cũng trông mong sao những đảo của Hoàng Sa thì nhà nước làm sao để ngư dân được làm tự do như các đảo khác của Việt Nam, không sợ Trung Quốc bắt nữa, khi có bão gió thì ngư dân có thể trú núp được an toàn, chớ như bị bắt bớ như vầy thì lần sau nghe bão gió thì đâu có dám vào đó để trú núp. Cho nên (chúng tôi) cũng mong sao nhà nước đàm phán cách sao để được điều như tôi mới nói vừa rồi đó thì ngư dân rất là mừng lắm.
Gia Minh: Cảm ơn ông đã có những thông tin chia sẻ vừa rồi và mong những điều mong ước của ông sẽ sớm được thực hiện để những ngư dân như ông được an toàn.