Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam (phần 2)

Trong bài tường trình trước, Khánh An đã gửi đến quý thính giả những khó khăn hiện nay trong việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Kỳ này, mời quý thính giả nghe một số ý kiến từ phía các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này cũng như các giải pháp đề nghị của họ.
Khánh An, phóng viên đài RFA
2009.08.30

Có thể nói, Chính phủ đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của một quốc gia. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng hệ thống thanh toán điện tử hiệu quả, Chính phủ phải tạo ra một hành lang pháp lý mà trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng được bảo vệ an toàn trong các hoạt động thương mại của họ.

Cần hoàn thiện pháp lý

Nói về hành lang pháp lý hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Việt Trường, Phụ trách Kinh Doanh của Công ty thanh toán điện tử OnePay Việt Nam, nhận xét:

“Về hành lang pháp lý thì nói thật với chị là nó cũng mông lung, chứ nó chưa cụ thể. Ví dụ như thế này, về luật và văn bản luật thì có Luật Thương mại điện tử cộng với một xấp những nghị định đi kèm. Trông tưởng là nhiều nhưng mà đọc thực ra cũng chẳng biết áp dụng như thế nào. Tôi ví dụ như về vai trò là nhà cung cấp, tôi gặp những trường hợp về thẻ giả mạo và lừa đảo trên Internet rất là nhiều. Nhưng để mà xử lý thì bây giờ phải kết hợp với cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng thì nói là phải có đủ người bị hại…”

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng cho rằng đây là vấn đề chung xảy ra ở nhiều lĩnh vực, chứ không riêng gì trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ông Nguyễn Thanh Hưng nói:

Tôi ví dụ như về vai trò là nhà cung cấp, tôi gặp những trường hợp về thẻ giả mạo và lừa đảo trên Internet rất là nhiều. Nhưng để mà xử lý thì bây giờ phải kết hợp với cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng thì nói là phải có đủ người bị hại…

Ông Nguyễn Việt Trường

“Về chuyện này thì tôi cho rằng ở lĩnh vực nào cũng vậy thôi, tức là khoảng cách giữa quy định pháp luật và triển khai thực tiễn thì nó có thể có những khác biệt nhất định, có thể do nhận thức của doanh nghiệp, có thể do tuyên truyền phổ biến…”

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC), các chính sách về thương mại điện tử của Việt Nam có một số nhược điểm sau: Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các chính sách với nhau và giữa các chính sách nội địa với những chính sách quốc tế. Cơ chế quản lý Nhà Nước về thương mại điện tử chưa thích hợp. Không có sự hợp tác hiệu quả giữa các đơn vị làm luật. Có rất ít, thậm chí không có sự trao đổi giữa nhà làm luật và các cá nhân, đơn vị ảnh hưởng bởi luật. Thiếu thông tin và những phân tích về ảnh hưởng của thương mại điện tử. Các quy định, chính sách còn khái quát, mơ hồ, thiếu tính cụ thể. Chính phủ không thể đóng vai trò tiên phong…

Trong khi đó, theo “Nguyên tắc chỉ đạo Thương mại điện tử” mà các nước trong khối ASEAN, mà Việt Nam là thành viên, đã thông qua, Chính phủ các quốc gia thành viên sẽ “ban hành các luật cần thiết đảm bảo tính chắc chắn, khả kiến, và sáng tỏ của các quyền và nghĩa vụ của các bên hữu quan, có tính tới các phương thức đang hình thành của hoạt động kinh doanh số hóa”. Dĩ nhiên, lộ trình nào cũng cần có thời gian. Nhưng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, cần phải đẩy mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý mới mong tạo đà cho sự phát triển. Hiện nay, các văn bản luật vẫn bị xem là đi sau thực tế như nhận xét của ông Nguyễn Việt Trường của công ty OnePay:

“Luật Thương mại điện tử mới đưa ra cách đây khoảng hơn hai năm, mà những cái gọi là thương mại trực tuyến này nó thay đổi hàng ngày, thì sợ là văn bản Luật chưa cụ thể được cho đúng với những cái mà đang diễn ra trên thực tế.”

Nguyện vọng của doanh nghiệp

Ngoài vấn đề pháp lý, ông Nguyễn Việt Trường còn cho rằng cần phải có thêm hai yếu tố khác để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Chúng tôi mong muốn có được một thể chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ được doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Ông Nguyễn Thành Hiếu

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hiếu, Phụ trách Phát triển kinh doanh Khu vực phía Nam của Cổng thanh toán trực tuyến Ngânlượng.vn, cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các việc phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao trình độ dân trí, hoàn thiện pháp lý, phát triển thể chế tài chính. Ông Nguyễn Thành Hiếu bày tỏ mong muốn từ phía doanh nghiệp:

“Chúng tôi mong muốn có được một thể chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ được doanh nghiệp nhiều hơn nữa.”

Đó là mong ước chính đáng của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và họ cần phải được hỗ trợ nhiều hơn từ phía các cơ quan chức năng và quản lý.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.