Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU: Không chịu áp lực chính trị nhưng sẽ khó nuốt

Cát Linh, RFA
2017.09.19
H1-29 Nghị sĩ CHLB Đức Bernd Lange (ngồi giữa) trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 15.09.2017
Courtesy photo

Trong chuyến sang Việt Nam công tác về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), Nghị sĩ CHLB Đức Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu, có cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2017.

Tại đây ông nhấn mạnh EVFTA không chịu áp lực chính trị nhưng Việt Nam phải cần giải quyết 3 vấn đề lớn.

Ông Bernd Lange nêu rõ 3 vấn đề lớn đó là: Còn 3/8 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế còn chờ Việt Nam phê chuẩn; vấn đề môi trường và thứ ba là tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.

Nhân quyền

Cụ thể hơn, hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn lời ông cho biết “Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU”.

Thực tế từ trong nước cho thấy thời gian gần đây, Việt Nam gây nên nhiều quan ngại cho các tổ chức nhân quyền, về thành tích nhân quyền của mình trong việc bắt bớ những blogger, nhà báo tự do, giới hoạt động...

Trả lời RFA, Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu kinh tế từ Hà Nội đưa ra nhận định chung về khả năng tiến đến phê chuẩn EVFTA ở hai góc nhìn:

“Tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên các tổ chức quốc tế đặt vấn đề này với Việt Nam mà đã rất nhiều lần rồi. Tôi nghĩ trước hay sau Việt Nam cũng phải giải trình vấn đề này 1 cách cụ thể và rõ ràng. Theo tôi không phải là 1 vấn đề lớn.

Hiện nay, ở góc độ lề trái, thì tôi nghĩ  Hiệp định thương mại Việt Nam– EU khó thông qua bởi đặc biệt là vấn đề nhân quyền, thứ hai là vấn đề môi trường.”

Nghị sĩ Bernd Lange (phải) trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 15-9
Nghị sĩ Bernd Lange (phải) trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 15-9
Courtesy Photo

Tôi nghĩ trước hay sau Việt Nam cũng phải giải trình vấn đề này 1 cách cụ thể và rõ ràng. Theo tôi không phải là 1 vấn đề lớn. PGS Ngô Trí Long

Tại cuộc họp của Tiểu ban về nhân quyền thuộc Liên minh châu Âu-EU vào ngày 9 tháng 3 năm 2017, bà Beatriz Becerra, thành viên của Nghị viện Châu Âu, người đã đến Việt Nam hồi tháng 2, khẳng định vấn đề nhân quyền là một đòi hỏi không thể thiếu trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam.

“Hiển nhiên chúng tôi luôn ủng hộ mở rộng nền kinh tế với các quốc gia mà chúng tôi đã chuẩn bị cho sự hợp tác chung. Và chúng tôi sẵn sàng  cho việc ký kết các thoả thuận hiệp định thương mại.

Nhưng, có một điểm cần được làm sáng tỏ và rõ ràng, đó là chúng tôi cần được chứng minh rằng vấn đề nhân quyền được thực hiện ở Việt Nam.”

Phó giáo sư Ngô Trí Long cho rằng chắc chắn Việt Nam sẽ có sự giải trình thoả đáng để chứng minh cho EU và các tổ chức quốc tế khác về việc đáp ứng các điều kiện của EVFTA.

Tuy nhiên, bà Maria Đỗ Minh Hạnh, thuộc Phong trào Lao động Việt hoàn toàn không tin rằng nhà nước Việt Nam có thể giải quyết thoả đáng những yêu cầu của EU.

“Bất cứ hiệp định thương mại nào họ cũng gắn kết giữa những quốc gia với  nhau về vấn đề nhân quyền, nhưng Việt Nam chưa bao giờ thực hiện.

Mới đây VIệt Nam đã bắt bỏ tù rất nhiều nhà bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh bất bạo động để bảo vệ quyền và lợi ích con người tại Việt Nam.

Cái cụm từ quyền con người ở Việt Nam là một cụm từ rất dễ hiểu nhưng nó là 1 vấn đề rất xa xỉ đối với người Việt Nam không dễ dàng gì có được.”

Cái cụm từ quyền con người ở Việt Nam là một cụm từ rất dễ hiểu nhưng nó là 1 vấn đề rất xa xỉ đối với người Việt Nam không dễ dàng gì có được. Bà Maria Đỗ Minh Hạnh

Vấn đề nhân quyền cũng từng được Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhắc đến nhiều lần với đại diện Châu Âu trong chuyến đi vận động và trao thỉnh nguyện thư về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

“Những cơ quan đó, hiệp ước thì đã viết rồi, nhưng có một số điều kiện thì họ yêu cầu phải hoàn thành. Trong đó, những quyền về con người, nhân quyền, quyền của người lao động luôn luôn được để ý.

Chúng tôi cũng nhắc nhở họ về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với những người bất đồng chính kiến, những người đang tranh đấu cho nạn nhân ở Formosa.”

Môi trường

Vấn đề thứ hai Việt Nam cần phải làm là môi trường.

Cũng trong chuyến đi đó, Linh mục Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thành viên của Ban Hỗ trợ Nạn nhân Ô nhiễm môi trường biển, cho RFA biết ông có nhấn mạnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một hệ luỵ do vấn nạn biển nhiễm độc gây ra trong việc ký Hiệp định FTA.

“Chúng tôi nói với họ rằng nếu quý vị cứ đặt bút ký mà không đếm xỉa gì đến đề nghị của chúng tôi thì liệu hải sản nhập từ Việt Nam có an toàn không? Có đảm bảo được sức khỏe của người dân của quý vị hay không thì họ có nói là sẽ điều tra trước khi ký hiệp định đó. Thì đây cũng là một yếu tố để chúng tôi khai thác.”

Tổ chức xã hội dân sự

Theo nhận định đưa ra bởi cô Maria Đỗ Minh Hạnh, trong các hiệp định thương mại, quan trọng nhất là quyền được tự do lập hội, lập nhóm, quyền tự do ngôn luận. Nhưng tất cả những điều này, bà cho biết “đều bị tước đoạt ở Việt Nam”

“Hiện nay các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam không được công nhận và không được phép ghi danh 1 cách chính thức ở Việt Nam.

Ở Việt Nam cho dù có các tổ chức xã hội dân sự đi nữa thì luôn bị kềm kẹp và họ dùng mọi lý do như chống đối nhà nước, quy chụp là lật đổ chế độ để đẩy những người bất đồng chính kiến vào tù.”

Đề cập đến vấn đề tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, Phó giáo sư Ngô Trí Long bày tỏ rằng theo ông, khi nhân quyền và quyền thành lập hội nhóm ở Việt Nam được thực thi thì mới có khả  năng thông qua EVFTA.

Ở Việt Nam cho dù có các tổ chức xã hội dân sự đi nữa thì luôn bị kềm kẹp và họ dùng mọi lý do như chống đối nhà nước, quy chụp là lật đổ chế độ để đẩy những người bất đồng chính kiến vào tù. Bà Maria Đỗ Minh Hạnh

Không bị ảnh hưởng bởi chính trị

Cũng tại cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội ngày 15 tháng 9, Nghị sĩ Bernd Lange đã khẳng định hiệp định này không bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Báo Tuổi Trẻ trong nước trích dẫn lời ông Bernd có nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh:

“Trong cuộc gặp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chúng tôi có đề cập đến vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh và hai bên đã được sự thống nhất về cách thức hợp tác rõ ràng hơn để vượt qua những trở ngại hiện nay".

Nhưng tờ Tuổi Trẻ cũng trích dẫn lời ông Bernd Lange nói thêm:

"Nếu đạt được sự đồng thuận đa số ở Nghị viện châu Âu thì EVFTA được thông qua vào mùa hè 2018. Việc thông qua hay không đòi hỏi nhiều nỗ lực từ hai phía.”

Do đó, những người quan tâm đến EVFTA vẫn có lý do để lo ngại rằng cho dù EVFTA không bị ảnh hưởng bởi chính trị theo lời ông Bernd Lange đã khẳng định, nhưng nếu Quốc hội của CHLB Đức không đồng ý thì Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam cũng sẽ khó bảo toàn?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.