Người dân lo lắng trước việc xăng dầu tăng giá

Quyết định của chính phủ cho tăng giá xăng dầu khiến dân chúng xôn xao lo sẽ phải chịu một đợt tăng giá khác nữa trong sinh hoạt đời sống.

0:00 / 0:00

Nhã Trân hỏi chuyện một vài người dân thuộc các thành phần khác nhau ở ngoài Bắc và trong Nam để tìm hiểu thêm phản ứng của dân chúng trước quyết định đó của chính phủ.

Nhiều người gặp khó khăn

Từ nhiều tháng qua, cơn bão giá đã ảnh hưởng đến đại bộ phận dân chúng. Bị tác động nhiều hơn ai hết, giới lao động có đồng lương eo hẹp đã phải thắt lưng buộc bụng để chống chỏi với vật giá leo thang từng ngày.

Mặc dầu đã tiên liệu rằng giá xăng dầu có khả năng tăng thêm, nhiều người vẫn tỏ ra bức xúc vì mới hôm giữa tháng Bảy này, Bộ Tài Chính cho hay đang soạn thảo một thông tư về quản lý giá sinh họat nhằm góp phần kiểm sóat lạm phát, nhất là những mặt hàng quan trọng, trong đó có xăng dầu.

Xăng dầu lên thì tất cả những vật giá sẽ lên, từ thức ăn thức uống đến những hàng hoá có lên theo ngay. Thắt lưng buộc bụng thì chúng tôi buộc bụng rồi, bây giờ chuẩn bị làm nhiều việc hơn.

Chủ cơ sở sản xuất nhỏ ở Tây Ninh

Thêm vào đó, chính phủ từng đánh giá rằng xăng dầu, một trong những mặt hàng này, có liên quan trực tiếp đến kinh tế, và có khả năng ảnh hưởng dây chuyền đến các mặt hàng khác.

Chủ một cơ sở nhỏ sản xuất vật liệu cơ khí ở Tây Ninh ta thán rằng xăng dầu tăng giá thêm sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và buôn bán của ông, cũng như đến sinh họat chung của gia đình:

"Tất nhiên là xăng dầu lên thì tất cả những vật giá sẽ lên, từ thức ăn thức uống đến những hàng hoá có lên theo ngay. Thắt lưng buộc bụng thì chúng tôi buộc bụng rồi, bây giờ chuẩn bị làm nhiều việc hơn.

Hồi xưa tôi không phải làm, tôi chỉ chỉ huy thợ thôi. Con tôi không phải làm. Vợ tôi không phải làm. Bây giờ bàn thân tôi phải làm, con tôi phải làm, vợ tôi phải làm thêm nữa để bù chi cho cái hụt hẩng do giá cả leo thang.

Nói thẳng ra thì mình cố gắng, mình siêng năng lên, mình bỏ công sức ra nhiều. Hổm nay cái lạm phát đã mệt rồi, chống chỏi cũng hụt hẩng rồi, bây giờ dứt khoát cái xăng dầu nó lên thì lạm phát sẽ tăng cao, cuộc sống sẽ khó khăn hơn.

Hàng hoá vận chuyển, xăng dầu nó quyết định tất cả. Mà xăng dầu nó lên thì tất cả hàng hoá sẽ lên, thành ra dân sống sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nữa."

Ảnh hưởng tới từng gia đình

Không phải chỉ doanh nghiệp mới quan tâm vì giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, mà người dân nói chung cũng lo lắng khi thấy xăng dầu tăng giá trong lúc giá sinh họat đều lên cao.

Xăng ngày hôm qua mới tăng lên thêm 5 ngàn một lít nữa. Thấy ai cũng đổ nhau đi mua hết. Người ta than dữ lắm. Em cũng thấy khó khăn đó. Coi như là mọi thứ cũng đều bớt lại.

Một bà nội trợ ở Sài Gòn

Điển hình là một bà nội trợ trẻ ở Sài Gòn cho răng xăng lên giá hẳn sẽ làm cuộc sống thêm chật vật, và nhiều người phải cắt giảm thêm chi tiêu, điều mà họ đã làm trong những tháng gần đây:

"Xăng ngày hôm qua mới tăng lên thêm 5 ngàn một lít nữa. Mấy hôm có 15 ngàn, bữa nay tăng lên thành 19 - 20 ngàn. Thấy ai cũng đổ nhau đi mua hết. Người ta than dữ lắm. Em cũng thấy khó khăn đó.

Coi như là mọi thứ cũng đều bớt lại, hổng dám đi. Thí dụ có những việc gì cần thì mới đi chớ không có dám đi nhiều vì sẽ tốn xăng. Tại vì cái gì mỗi thứ cái gì nó cũng lên, mỗi thứ chút nên giờ phải bớt."

Quyết định cho xăng dầu tăng giá đựơc công luận xem là điều chỉnh giá mặt hàng này khá mạnh. Tuy nhiên theo Bộ Tài Chính, giá xăng dầu tại Việt Nam tuy đã tăng nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, và nhà nước vẫn còn phải tiếp tục bù lỗ cho xăng, dầu hỏa và dầu ma-zút.

Một nhà giáo về hưu ở Hà Nội có thắc mắc về ý kiến cho tăng giá xăng dầu và cũng trong một tâm trạng lo lắng cho cuộc sống như những người khác trong thời gian sắp tới:

"Nhà nước luôn luôn nói là tăng trưởng vượt kế hoạch, rồi là thu nhập cao các thứ, cuối cũng bây giờ vấn đề đè nặng lên dân. Cho nên cơ bản giải quyết tận gốc vấn đề chớ còn chỉ nói không thì ai cũng nói được.

Theo tôi, nhà nước nêú không bù giá xăng dầu thì mọi người dân đều ảnh hưởng vì nhà nước còn nhiều cái thu nhập, lương thì không tăng. Ngoài vấn đề xăng ra, giá sinh hoạt, giá thực phẩm tăng vùn vụt lên, tiền điện cũng tăng, tiền nước cũng tăng, thế mà tỏng khi đó xăng bây giờ lại tăng lên đến 30% thì càng làm dân khổ hơn."

Nhà nước luôn luôn nói là tăng trưởng vượt kế hoạch, rồi là thu nhập cao các thứ, cuối cũng bây giờ vấn đề đè nặng lên dân. Cho nên cơ bản giải quyết tận gốc vấn đề chớ còn chỉ nói không thì ai cũng nói được.

Nhà giáo nghỉ hưu ở Hà Nội

Ưu tiên chống lạm phát

Trong cuộc hội thảo về tình hình kinh tế Việt Nam do Bộ Tài Chính tổ chức hôm 15 Tháng Bảy, giới chuyên gia có ý kiến rằng lạm phát và giá cả sẽ tiếp tục tăng, và mục tiêu kiềm chế lạm phát do chính phủ đề ra rất khó đạt nếu không có những giải pháp đúng đắn và đồng bộ.

Lạm phát của Việt Nam, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, có thể tăng từ 25% đến 30% vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, trả lời phỏng vấn của báo chí trong nước tại cuộc họp báo về việc điều chỉnh giá xăng dầu hôm 21 tháng này, khẳng định rằng chính phủ vẫn ưu tiên cho mục tiêu chống lạm phát, và các giải pháp kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục được thi hành một cách quyết liệt.

Người đứng đầu Bộ Tài Chính đồng thời cho hay là chính phủ đã có hàng lọat giải pháp bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế.

Dù vậy, công luận đang đặc biệt lo lắng trước việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm này, mặt hàng tác động trực tiếp đến giá hàng lọat mặt hàng khác.