Bà Hillary Clinton thúc đẩy nhân quyền tại VN, dư luận nghĩ gì?
2010.07.22
Hoa Kỳ quan ngại việc Hà Nội tiếp tục bắt giữ và cầm tù những người đấu tranh ôn hoà cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, gây khó khăn cho các sinh hoạt tôn giáo và hạn chế việc truy cập thông tin trên Internet. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều dân cử Mỹ cũng yêu cầu bà Clinton đặt vấn đề trả tự do cho tù nhân chính trị với lãnh đạo Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước có suy nghĩ gì trước thông tin này, xin mời quý vị nghe góp ý của một số đồng hương do Đỗ Hiếu ghi nhận.
Vấn đề sẽ được cải thiện?
Từ Sydney, Australia, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến tin rằng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam sẽ được thật sự cải tiến , chứ không phải chỉ là những lời nói bóng bẩy, không sát với thực tế:
Việc Hoa Kỳ quan tâm đến nhân quyền Việt Nam qua chuyến đi Hà Nội của bà ngoại trưởng Hillary Clinton là một dấu hiệu tốt.
BS Nguyễn Mạnh Tiến
“Việc Hoa Kỳ quan tâm đến nhân quyền Việt Nam qua chuyến đi Hà Nội của bà ngoại trưởng Hillary Clinton là một dấu hiệu tốt, xưa nay Mỹ vẫn là nước hàng đầu thúc đẩy vấn đề nhân quyền trên thế giới, nên luôn nhắc nhở những nước có quan hệ với họ, cải thiện nhân quyền tại nước đó. Đây là một hiện tượng lạc quan, nhưng nên nhớ là quyền lợi của Hoa Kỳ vẫn đứng trên hết, những người Việt Nam không thể trông cây quá nhiều ở những hoạt động ngoại giao như vậy, mà vẫn tiếp tục vận động với quốc tế, mà cụ thể là Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu để các nhân vật có thẩm quyền thúc đẩy Việt Nam có bước tiến cụ thể hơn thay vì là đầu môi chót lưỡi. Trước đây cũng đã có nhiều nỗ lực về nhân quyền nhưng rồi cộng sản Việt Nam vẫn ỷ vào quan hệ ngoại giao, kinh tế, để tiếp tục đàn áp nhân quyền. Không nên quá trông cậy vào chánh phủ Hoa Kỳ mà nên trông cậy nhiều hơn vào những nỗ lực của chính mình, trong các cuộc vận động của cộng đồng Việt Nam trên trường quốc tế.”
Ông Trương Văn Sương, tù nhân chính trị vừa mãn hạn tù 33 năm, mới được trả tự do chưa đầy 2 tuần, hiện sống ở Sóc Trăng khẳng định, nhà nước Việt Nam vẫn giam cầm nhiều tù nhân lương tâm, chứ không phải là tù hình sự như họ thường giải thích:
“Tôi rất tán thành và hài lòng về lời yêu cầu của bà Hillary Clinton đòi hỏi Hà Nội phải thả hết tù nhân lương tâm, vì họ không ăn cắp, ăn trộm, không làm điều gì xấu xa, họ chỉ đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ là điều lợi cho dân tộc Việt Nam. Nếu bảo rằng Việt Nam không có tù chính trị, đó là nói dối, nhiều lần rồi. Trong khi tôi còn bị giam, họ thường trả lời với các chính khách là Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm pháp luật nhà nước, tức tù hình sự. Trong khi đó, tôi, luật sư Nguyễn Văn Đài, linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Trần Tư, ông đại uý Cầu, và nhiều anh em khác đang bị giam giữ, cầm nhốt, mà họ vẫn tráo trở là không có tù chính trị. Theo tôi, bà Hillary Clinton cũng hiểu rõ rằng Việt Nam không thật thà, bên bà mới kêu gọi Hà Nội thả hết tù nhân lương tâm. Tôi hoàn toàn ủng hộ lời yêu cầu này, nói không có tù chính trị là dối trá.”
Cần thúc đẩy mạnh hơn
Một phụ nữ từng bị bắt nơi biên giới Miên Việt, bị giam ở trại tù B 34, Nguyễn Văn Cừ, vào năm 2002 về tội âm mưu lật đổ chánh quyền, nay định cư tại Hoa Kỳ, cô Anh Trinh nói lên tâm tư của mình, khi nghe bà Clinton đặt vấn đề nhân quyền khi đến Hà Nội:
Tôi rất tán thành và hài lòng về lời yêu cầu của bà Hillary Clinton đòi hỏi Hà Nội phải thả hết tù nhân lương tâm, vì họ không ăn cắp, ăn trộm, không làm điều gì xấu xa.
Ô. Trương Văn Sương
“Chúng tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên mà có đề nghị tương tự như thế này, trong hoàn cảnh hiện nay, tôi thấy những lời yêu cầu của bà Clinton chưa thể gọi là đầy đủ được, không biết đây có phải là những điều kiện ắt có và đủ cho tiến trình bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, hay chỉ là chuyện của một nước dân chủ tự do với một quốc gia cộng sản, rồi cũng không được thực hiện gì cả. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cần đặt vấn đề nhân quyền ở tầm cỡ thúc đẩy Việt Nam thực thi dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, sinh hoạt đa nguyên. Đó là điều mà Hoa Kỳ cần đẩy mạnh để Việt Nam không còn theo thể chế cai trị độc đoán như thế nữa. Là một phụ nữ từng bị ngồi tù, dưới chế độ cộng sản, tôn xin chia sẻ nổi nhọc nhằn của những tù nhân chính trị. Tôi mong mỏi bà Clinton, thật sự giúp đỡ tù nhân chính trị, tôn giáo, trong đó có các phụ nữ, đang bị xúc phạm nhân quyền. Đó là trường hợp chị Phạm Thị Phượng, bị quy chụp nhiều tội để giam giữ chị và chị Mai Thị Dung, chỉ tranh đấu cho tự do tôn giáo của Phật giáo Hoà Hảo. Hoa Kỳ nên chú ý đến tất cả tù nhân chính trị, đảng phái, chứ không chỉ can thiệp cho người có học vị, có tên tuổi lớn. Nên giúp cho các tổ chức đấu tranh ở Việt Nam, có phương tiện thông tin để mở rộng dân chủ, cải tiến Internet cũng là một điều quan trọng.”
Bà Denise Nguyễn, công chức ngành xã hội tại Pháp, xem diễn biến thời sự này, đang được phổ biến toàn cầu về chuyến thăm của bà Clinton tại Việt Nam là một chuyện quan trọng giúp cải tiến sinh hoạt dân chủ, nơi quê hương mình:
“Sự can thiệp của bà Hillary Clinton cho nền dân chủ tại Việt nam là điều rất tốt, cho mọi người dân trong và ngoài nước. Người Mỹ đã tỏ thái độ với Hà Nội, hy vọng lần can thiệp này sẽ có kết quả, hơn là những lời nói suông trước đây. Hoa Kỳ sẽ có cách can thiệp cụ thể hơn để chánh quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân chính trị, vì đất nước cần có dân chủ, bắt nguồn từ tâm tư nguyện vọng của người dân, qua những nhân vật đấu tranh đó. Vấn đề cấm cản người dân sử dụng Internet, những thông tin đến từ bên ngoài, là vi phạm nhân quyền, tiếng nói và tư tưởng của người dân sống trong một thế giới đại đồng, tin tức cần sự bình đẳng, tự do trao đổi, điều đó mới thật sự thể hiện dân chủ. Xen vào hoạt động tôn giáo cũng là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, tôn giáo là linh hồn của dân tộc. Sự can thiệp của bà Clinton về những lãnh vực nói trên sẽ vén lên Bức Màn Sắt, đây là một điều vui mừng và hy vọng. Với thái độ cứng rắn, quyết liệt hơn từ phía Hoa Kỳ, người dân Việt Nam sẽ được đối xử tốt hơn trên chính đất nước của họ.”
Đỗ Hiếu tường trình từ Washington.