Lao động Việt ở Thái Lan, buồn nhiều hơn vui
2010.06.28
Dù vui hay buồn, nỗi niềm của những chàng thanh niên phải tha phương cầu thực tại xứ Thái không khỏi nghĩ đến thận phận mình và quê cha đất tổ. Thanh Quang hôm nay xin tìm hiểu những nỗi niềm ấy của họ và gởi tới quý vị bài viết sau đây:
Tìm kiếm tương lai
Thanh Quang: Thưa quý vị, sau hơn 10 năm rời khỏi Miền Trung Việt Nam thân yêu để có thể nói là “tha phương cầu thực” vất vả tại xứ Chùa Vàng, một thanh niên xứ Nghệ tâm sự như sau:
Công nhân từ miền Trung: “Tôi thấy thiệt thòi và khổ cho lớp thanh niên của chúng tôi, lớn lên phải đi lao động ở xa, làm giàu cho các nước khác. Trong khi đó quê hương mình thì phong phú, đa dạng mà chưa có sự phát triển chính đáng, chưa có sự đầu tư vào tầng lớp thanh niên, tầng lớp như bọn chúng tôi, để bọn chúng tôi phải ra nước ngoài làm việc trong tình trạng rất mạo hiểm, nguy hiểm đến tính mạng cùng nhiều rủi ro khác. Nếu đảng CS còn tồn tại thì tôi nghĩ là còn lâu thanh niên Việt Nam mới hết đi ra nước ngoài. Họ ở quê, ở nhà thì biết phải làm gì đâu! Các xã hội khác thì tiến lên, với những phương tiện tân tiến, còn xã hội mình thì thụt lùi khiến họ phải ra đi kiếm sống, tìm kinh nghiệm sống, kiếm tương lai.
Tôi thấy thiệt thòi và khổ cho lớp thanh niên của chúng tôi, lớn lên phải đi lao động ở xa, làm giàu cho các nước khác.
CN từ miền Trung
Trong khi họ thuộc tầng lớp thanh niên có sức lao động và họ đã đóng góp rất nhiều cho xã hội xứ người. Bây giờ lớp lao động thanh niên ở quê tôi là một thí dụ điển hình. Bao nhiêu thanh niên đang sức lao động có khả năng làm giàu cho đất nước quê hương mà phải ra nước ngoài kiếm sống trong khi họ mong muốn sống ở quê nhà, muốn có được một cuộc sống thỏai mái, vô tư. Nhưng quê hương hiện không tạo được điều kiện tối thiểu đó, buộc họ phải ra đi. Bây giờ ở quê nào cũng hầu như thiếu bóng thanh niên, giới trẻ. Họ đi hết cả làng. Như tôi về quê đâu còn bạn để chơi. Đất nước mình thì cứ như vậy đó, cứ thấp xuống dần dần giữa lúc các nước khác phát triển lên.”
Thanh Quang: Nếu người lao động tha hương miễn cưỡng ấy có ráng quên đi nỗi xót xa như vậy thì thực tại phải “cày lên sỏi đá” cũng luôn đeo đẳng họ nơi xứ người , như một công nhân từ Miền Nam Việt Nam sinh sống ở Thái Lan gần 3 năm nay mô tả:
Công nhân từ Miền Nam: “Người dân Việt Nam mình sang xứ Thái làm công việc chân tay: bán cà-rem, dệt may, làm người giúp việc, dọn đồ trong nhà hàng...
Vô vàn khó khăn
Thanh Quang: Và người từ Miền Bắc vừa nói lưu ý thêm rằng dù có lao động vất vả tới đâu, họ cũng không bao giờ quên người thân nghèo khổ – và cả quê hương - đang trông đợi nguồn tiền mồ hôi nước mắt của họ từ xứ Chùa Vàng:
Công nhân từ Miền Trung: “Nói chung thì đa số người Việt tới Thái Lan lao động chân tay, công việc làm thấp lắm. Một số thì buôn bán, nhưng số này hơi ít. Nói chung họ qua đây làm thuê cho người ta. Nhưng không thể phủ nhận được rằng người Việt 80% tiền lương của họ đều gởi về cho quê hương trong khi họ sống ở bên này rất cơ cực để dành dụm đồng tiền gởi về cho gia đình. Chớ không phải họ sống sung sướng gì. Thật ra nhìn lại quê hương thì lao động người Việt mình đóng góp cho quê hương rất nhiều”.
Thanh Quang: Sau gần 3 năm kiếm sống ở xứ người và gặp nhiều đồng hương phần lớn đến từ Miền Trung, công nhân Miền Nam vừa nêu được biết một trong những giấc mơ của người lao động tha hương là ráng tìm một số tiền để “gầy dựng lại cuộc sống’ ở chính quê hương của mình:
Công nhân từ Miền Nam: “Đại đa số người Việt lao động tại Thái Lan đến từ Miền Trung và Miền Bắc Việt Nam. Cho nên khi tới Thái Lan họ thấy như được đổi đời. Nên họ cố gắng lao động để sau năm, mười năm họ dành dụm được số tiền đem về xây, sửa nhà, làm cơ sở kinh doanh nhỏ mà tạm sống được ở quê hương. Còn hiện tại, nếu cứ sống ở Việt Nam thì họ không thể sống nổi. Bởi vì sau công việc đồng áng rồi thì thường suốt ngày họ lân la, nhậu nhẹt trong khi sang được xứ Thái họ có thể làm mỗi năm hết cả 365 ngày để từ đó họ dành dụm tiền và trở về quê hương gầy dựng lại cuộc sống cho họ”.
Chính phủ không hỗ trợ?
Thanh Quang: Người Việt lao động ở xứ người dĩ nhiên gặp vô vàn khó khăn, từ mặt di trú cho đến việc làm gian lao, rồi khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, bị kỳ thị...Nhưng một khó khăn đáng ngại có lẽ là tai nạn lao động không may đến với họ. Khi đó, họ phải xoay sở ra sao? Lao động từ Miền Trung cho biết:
Người dân Việt Nam mình sang xứ Thái làm công việc chân tay: bán cà-rem, dệt may, làm người giúp việc, dọn đồ trong nhà hàng.
CN từ miền Nam
Công nhân từ Miền Trung: “Thường thường người Việt mình ở đây bất hợp pháp, cho nên không có được một sự hỗ trợ nào. Do đó khi xảy ra tai nạn bất trắc thì người Việt mình phải tự xoay sở lấy. Đa số, một khi xảy ra chuyện gì đó, thường nhờ anh em bạn bè thân quen giúp đỡ. Nên họ rất là khó khăn khi gặp tai nạn lao động. Qua tai nạn chết người, tôi thấy rất tội nghiệp cho họ. Họ qua đây làm ăn thì không được bao nhiêu. Còn mất mát thì rất lớn. Trong khi đưa xác về quê thì rất tốn kém mà giấy tờ thì rất khó khăn.”
Thanh Quang: Thế còn các quan chức Việt Nam ở đại sứ quán thì sao? Họ có nhiệt tình trợ giúp thế nào cho những lao động Việt Nam gặp nạn tại xứ người không? Thanh niên tha hương từ Miền Trung vừa nói mô tả tiếp:
Công nhân từ Miền Trung: “Thật ra những câu chuyện của người Việt ở xứ lạ này nếu không có gì lớn thì cũng không liên hệ gì đến Đại sứ quán Việt Nam. Khi có việc liên quan, như xin giấy tờ gì đó, thì Đại sứ quán Việt Nam hay tạo rắc rối bởi vì người Việt mình qua đây thì hầu như làm bất hợp pháp, tạo nên một hình ảnh không có đẹp lắm cho nên Đại sứ quán có thể không có sự giúp đỡ rõ ràng hay như thế nào đó. Nhưng khi có chuyện cần kíp gì đó mà người lao động phải chạy đến Đại sứ quán, tôi nghĩ họ không mấy nhiệt tình.”
Thanh Quang: Thanh niên từ Miền Nam nhân dip này bày tỏ nỗi hoài hương nhưng không khỏi buồn khi so sánh quê hương Việt Nam với xứ Chùa Vàng tự do, dân chủ:
Công nhân từ Miền Nam: “Họ lúc nào cũng nghĩ về quê hương, đất nước, làng quê của mình. Nhưng chuyện làm thể nào để đất nước quê hương mình phát triển bằng Thái Lan thì thật là điều ngao ngán. Tất cả đều tin là không biết đến đời nào quê hương Việt Nam bắt kịp được nền văn minh, tự do dân chủ của Thái Lan.”
Thanh Quang: Quý vị vừa theo dõi tâm sự của hai thanh niên từ quê hương Việt Nam tới kiếm sống trên đất Thái Lan với bao nhọc nhằn gian khó, chứ không đễ dàng như nhiều người thường lầm tưởng.
Theo dòng thời sự:
- Tết Nguyên Đán với người Việt ở Thái Lan
- Tình cảnh người Khmer Krom VN tỵ nạn ở Thái Lan
- Cuộc sống khó khăn của người Việt ở Thái Lan
- Xóm Việt, vùng biên giới Thái Lan–Campuchia
- Lễ thụ phong Linh mục Việt Nam ở Thái Lan
- Xóm Việt, vùng biên giới Thái Lan–Campuchia
- Hoàn cảnh người Việt tỵ nạn tại Thái Lan