Bắt người xong mới tìm tội?
2010.02.07
Cho rằng đây là phiên xử có tính cách áp đặt, được giàn dựng bởi các phía có thẩm quyền, ông Đỗ Bá Tân bày tỏ tâm trạng bức xúc khi kể lại diễn biến của phiên xử hôm qua.
Một cái bẫy đã định sẵn
Thanh Trúc: Thưa ông Đỗ Bá Tân, với kết quả của bản án ngày hôm qua thì cảm tưởng của ông như thế nào?
Ô. Đỗ Bá Tân: Tôi thực tế là đã bị suy sụp. Tất cả những
cái dự kiến trong tôi là tôi hy vọng phiên tòa hôm qua sẽ được lật ngược lại bởi
vì chính những lời biện hộ, chính những chứng cứ mà luật sư Trần Vũ Hải đã tìm
ra, mười bốn điểm, và khẳng định rằng đây là vụ án hoàn toàn oan sai mà cơ quan
điều tra công an quận Đống Đa đã dựng lên.
Có rất nhiều chứng cứ khẳng định rằng hoàn toàn không có sự thật, đã chứng minh trên tòa, trước hội đồng xét xử. Thời gian đó cũng kéo rất dài và chính trong thời gian kéo dài của luật sư đó cũng đã bị sách nhiễu bởi một vài phần tử lợi dụng là nhân chứng đã cản trở quá trình diễn giải của luật sư.
Tôi khẳng định đây là vụ bắt người xong mới tìm tội, biểu hiện rõ nét nhất là biên bản bắt giữ của công an hoàn toàn là tạo dựng và dựa vào đó để hợp lý hóa cái vụ án này.
Ô Đỗ Bá Tân
Điều tôi thấy rất vô lý là một phiên tòa mà các quí vị như thẩm phán, thư ký, liên tục nhận được những tờ rơi, những tờ rơi liên tục chuyển từ ngoài vào. Thỉnh thoảng tôi lại thấy chuyển vào. Thì tôi nghĩ rằng đó là những mệnh lệnh riêng tư, làm theo một cái gì định sẵn.
Điều thứ hai nữa là trước khi bắt đầu phiên tòa thì vị kiểm sát viên là người đầu tiên đọc bản cáo trạng. Bản cáo trạng đó đã làm cho Thủy tôi mất bình tĩnh, và bức xúc ngay từ đầu đã thể hiện thái độ là không hài lòng phiên tòa, cảm nhận rằng không thể dự một phiên tòa bất hợp lý như thế này. Vì thế ngay từ đầu Thủy tôi đã bị dằn mặt là nếu như tiếp tục có hành vi như vậy thì sẽ đưa ra khỏi phòng xử.
Thanh Trúc: Thưa ông Đỗ Bá Tân, ông nói bà Trần Khải Thanh Thủy vì bức xúc mà đã có phản ứng?
Ô. Đỗ Bá Tân: Cái phản ứng đó thể hiện bằng nội dung của bản cáo trạng, hoàn toàn dựa trên những cơ sở họ tạo dựng mà bản thân vợ chồng chúng tôi cũng khẳng định là chúng tôi bị một cái bẫy đã định sẵn, đã có chương trình sẵn. Tôi khẳng định đây là vụ bắt người xong mới tìm tội, biểu hiện rõ nét nhất là biên bản bắt giữ của công an hoàn toàn là tạo dựng và dựa vào đó để hợp lý hóa cái vụ án này.
Thanh Trúc: Bà Trần Khải Thanh Thủy có nói được lời nào không?
Ô. Đỗ Bá Tân: Vợ tôi có nói được đôi lời nhưng cũng không bình tĩnh lắm, cho nên lời nói nhiều khi không mang tính thuyết phục trong phiên tòa mà đã trở thành cái họ cho là họ không đồng ý. Phản ứng đó là phản ứng ngẫu nhiên của một người đang bị ốm đau va đang bị giam cầm, bị biệt xuất hơn một tháng trời và hôm đó mới được ra ngoài và được nhìn mặt chồng…
Điều đầu tiên tôi đau xót nhất là vợ tôi nói với tôi là vợ tôi đã bị tám lần hôn mê trong trại Hỏa Lò. Hơn một tháng không được cấp thuốc, không được uống thuốc, cho nên vợ tôi là tình trạng bệnh đang rất nặng. Trong thời gian tạm giam chờ xét xử thì vợ tôi bị giam tại Hỏa Lò số 1, phường Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Cố tình lờ đi bằng chứng
Thanh Trúc: Về phần nhân chứng của cháu An Khuê thì sao?
Ô. Đỗ Bá Tân: Thứ nhất theo luật sư bào chữa thì cần phải có ý kiến của cháu bởi vì
chính bản thân cháu đã bị gọi lên thẩm vấn trong thời gian điều tra. Điều thứ
hai, trong phiên tòa, dự kiến của chúng tôi và phía luật sư là minh chứng rằng
chiếc mũ mà tòa án cho là tang vật thì chính chiếc mũ đó chứng minh rằng nó
không phải là mũ của tôi mà là của cháu An Khuê. Bên trong vẫn còn ghi tên Khuê
lớp Năm E.
Cách đây hai năm chiếc mũ này do một tổ chức của Mỹ tài trợ cho trường của cháu. Mục đích để khẳng định rằng chiếc mũ đó không phải là tang vật của vụ án. Cái thứ hai là cháu được phép trình bày lại những cái nhìn nhận thấy ở trước cửa nhà cháu tối mùng Tám tháng Mười.
Những bằng chứng cháu đưa ra mang tính thuyết phục rất lớn, thế nhưng mà cũng kết hợp giữa kiểm sát viên tức với tư cách công tố viên, cùng với hai vị luật sư bảo vệ phía bị hại (tòa cho hai người hành hung chúng tôi là kẻ bị hại, có thêm hai vị luật sư nữa), thì họ đã phối hợp nhịp nhàng và họ cố tình lờ đi những chứng cứ mang tính thuyết phục của luật sư bào chữa của chúng tôi.
Ngụy tạo chứng cớ
Thanh Trúc: Để tuyên phạt bà Trần Khải Thanh Thủy bốn mươi hai tháng tù giam và ông là hai mươi bốn tháng tù treo thì cái tội mà họ nhấn mạnh là tội gì?
... bởi sau khi xảy ra sự việc chưa đầy năm phút Nguyễn Mạnh Điệp còn đứng trước cửa nhà tôi chửi bới, đe dọa vợ tôi là “mai tao sẽ cho mày một mũi SIDA cho chết mẹ mày đi.
Ô Đỗ Bá Tân
Ô. Đỗ Bá Tân: Xoay quanh vấn đề vết thương và tang vật. Luật sư của chúng tôi trình
bày rất rõ là vết thương của Nguyễn Mạnh Điệp thể hiện qua cái mâu thuẫn của bản
giám định kháng thương, của bản giám định pháp y cũng như liên hệ với bức ảnh
liên quan đến vụ án do cơ quan công an cung cấp cho báo chí.
Luật sư chúng tôi
khẳng định rằng đây là một vết thương giả và Nguyễn Mạnh Điệp hoàn toàn không bị
chấn thương, bởi sau khi xảy ra sự việc chưa đầy năm phút Nguyễn Mạnh Điệp còn
đứng trước cửa nhà tôi chửi bới, đe dọa vợ tôi là “mai tao sẽ cho mày một mũi
SIDA cho chết mẹ mày đi”.
Rất tiếc những lời đó chúng tôi đã nói đi nói lại rất nhiều trong những bản khai, trong những bản điều tra nhân chứng nhưng trong bản kết luận của cơ quan công an đã không đưa mấy ý kiến đó vào và trong phiên tòa cũng hoàn toàn không đưa ra mấy ý kiến đó. Họ đã lờ đi tất cả.
Bị lừa nhận tội
Qua một số lời khai của Trần Khải Thanh Thủy cũng
đã có nhiều cái nó hơi mâu thuẫn. Trần Khải Thanh Thủy đã chứng minh trước tòa
rằng những bản cung của những ngày đó thì hoàn toàn Thủy đã bị điều tra viên
Nguyễn Hùng Tuấn dùng cái thủ thuật là luôn luôn gọi Thủy lên hỏi cung vào những
lúc chuẩn bị đưa bát cơm lên để ăn.
Buổi sáng thì tầm hơn mười giờ mười một giờ đã gọi lên hỏi cung vào cái thời gian Thủy rất đói. Chiều cũng vậy, hỏi cung rất là muộn, tới gần năm sáu giờ khi chuẩn bị bữa cơm chiều thì gọi lên. Thủy tôi đã tố cáo trước phiên tòa như vậy.
... và có những bản cung Thủy đã bị lừa vì lời hứa hẹn là “thôi chị cứ nhận đi, cả hai bên đều nhận là có va chạm, có đánh nhau, để chị được về.”
Ô Đỗ Bá Tân
Điều thứ hai nữa Thủy tôi tố cáo là có những lần hỏi
cung Thủy tôi đã bị Nguyễn Hùng Tuấn đánh. Nguyễn Hùng Tuấn là điều tra viên của
vụ án này.
Thủy tôi tố cáo trước tòa là Thủy tôi bị đánh trong những lần thẩm
cung, bởi vậy trong những bản cung có bản bị bức cung và có những bản cung Thủy
đã bị lừa vì lời hứa hẹn là “thôi chị cứ nhận đi, cả hai bên đều nhận là có va
chạm, có đánh nhau, để chị được về.”
Cho nên chính Thủy tôi đã không giữ được quan điểm, đã bị lừa một cách rất dễ dàng. Qua những bản cung đó thì luật sư phía công tố viên cũng như luật sư bảo vệ bên bị hại bám vào đó để buộc tội vợ chồng chúng tôi.
Thanh Trúc: Thưa sau khi tòa tuyên đọc bản cáo trạng thì phản ứng của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy như thế nào?
Ô. Đỗ Bá Tân: Trần Khải Thanh Thủy không có cơ hội nghe bản án bởi vì khi thẩm phán bắt đầu đọc bản luận tội thì Thủy đã có biểu hiện không đồng ý và phản đối. Chính hành vi phản đối cực lực của Thủy là không bình tĩnh thì chính thẩm phán tuyên bố đưa Thủy ra khỏi phòng xử và sẽ gởi bản tống đạt kết án vào trại giam. Thủy đã bị đưa đi, chỉ còn duy nhất một mình tôi đứng nghe bản án của tòa.
Thanh Trúc: Thưa ông Đỗ Bá Tân, trong phòng xử có mặt báo chí không, ngoài thân nhân thì những người khác có được vào dự không?
Ô. Đỗ Bá Tân: Khi tôi đến thì bên ngoài của tòa án rất đông, không có giấy mời thì không ai được vào. Đi qua cửa thì họ dùng thiết bị điện tử để kiểm tra. Lúc đó tôi thấy bên ngoài có rất nhiều nhà báo nước ngoài đang đứng chờ làm thủ tục để vào.
Thế nhưng vào dự phiên tòa thì họ được bố trí một căn phòng ở lầu một và một màn hình khoảng hai mươi lăm inch. Họ được quan sát hình ảnh truyền qua camera.
Thanh Trúc: Gia đình có định chống án có định khiếu nại gì không?
Ô. Đỗ Bá Tân: Hiện nay tôi vẫn trong tâm trạng là tôi sẽ kháng án. Thế nhưng kháng án
là một động tác, còn tôi nghĩ rằng họ vẫn luôn luôn bảo vệ những sai trái của họ,
dồn những cái bất công về phía chúng tôi. Vụ án này hoàn toàn có sự sắp xếp và
rất nhiều chi tiết hay chứng cứ mà cơ quan điều tra tạo dựng lên.
Bởi vậy tôi
cũng đang phân vân, nếu không kháng án thì họ cho rằng mình đã nhận tội. Còn nếu
kháng án thì nó kéo theo rất nhiều vấn đề, gia đình tôi phải chi phí rất lớn.
Về vấn đề hiệu quả cho phiên kháng án, thiết nghĩ có kháng án, có phúc thẩm thì cũng không đem lại kết quả. Cho nên bản thân tôi chưa chính thức quyết định như thế nào trong cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai này, tôi cũng đang bị phân tâm.
Thanh Trúc: Cảm ơn ông Đỗ Bá Tân đã chia sẻ với chúng tôi.