Tuy nhiên Indonesia do bị áp lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đã đưa ra đề nghị hoãn thi hành hiệp định này vì lo ngại sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Riêng Việt Nam thì sao?
Ảnh hưởng đối với VN
Mặc Lâm tìm hiểu vấn đề qua cuộc phỏng vấn với bà Phạm Chi Lan, nguyên là thành viên của IDS, nguyên cố vấn văn phòng Thủ Tướng chính phủ. Trước tiên bà cho biết những nhận định về những hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với bên ngoài:
Những cam kết với họ qua thực tế có những điều bất lợi nặng nề cho nền kinh tế thì cũng cần thiết phải được đàm phán lại.Bà Phạm Chi Lan.
Bà Phạm Chi Lan: Đối với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với bên ngoài thì vẫn thường xuyên cần rà soát lại xem những cam kết đó ảnh hưởng thực tế đến cuộc sống kinh tế của đất nước, các doanh nghiệp, các ngành và cả với người dân, người tiêu dùng như thế nào để có những điều chỉnh cần thiết, thích hợp.
Điều chỉnh này có thể từ hai phía, hoặc từ phía Việt Nam nếu có điều gì làm chưa tốt cần phải thúc đẩy thêm để làm sao tăng cường khả năng của mình để thực hiện các cam kết này tốt hơn, có lợi hơn cho mình.
Còn về phía bên ngoài nếu như những cam kết với họ có những điều qua thực tế có những điều bất lợi nặng nề cho nền kinh tế thì cũng cần thiết phải được đàm phán lại.
Mặc Lâm: Thưa bà riêng về hiệp định tự do mậu dịch giữa ASEAN và Trung Quốc, còn được gọi là AC-FTA thì sao?
Bà Phạm Chi Lan: Hiệp định AC-FTA thì được các nước ASEAN với Trung Quốc đàm phán đã lâu, quá trình thực hiện quy định là vào ngày 1 tháng giêng năm nay. Tuy nhiên quyết định này đã được đưa ra cách đây mấy năm trong bối cảnh lúc bấy giờ thì các nước ASEAN và Việt Nam chưa hình dung hết những diễn biến về kinh tế và nhất là cuộc khủng hoảng từ năm ngoái tới nay cho nên tác động chưa hình dung được hết khi ký kết.
Qua thực tế thì việc thực hiện chương trình thu hoạch sớm giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN thì có thể làm cho ASEAN thấy rõ hơn những mặt chưa ổn đối với Trung Quốc, và có thể với những đối tác khác nữa tôi không loại trừ chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật bản…nhưng với Trung Quốc thì vấn đề chính là những cam kết đã đưa ra cách đây vài năm lúc chưa có bối cảnh như hiện nay.
Tham vấn doanh nghiệp
Mặc Lâm: Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi đàm phán với Trung Quốc thì chính phủ Việt Nam chưa thật sự nắm vững những yêu cầu thực tế cũng như những trở ngại mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải do đó khi đi vào thực hiện thì những doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bà chia sẻ nhận xét này như thế nào?
Tôi nghĩ các nhà đàm phán nhiều khi do thái độ quan liêu nhất định của họ nên họ không thấy hết những chỗ lợi ích hoặc phản lợi ích của các doanh nghiệp trong nước để đưa ra những quyết định đúng đắn. Bà Phạm Chi Lan.
Bà Phạm Chi Lan: Thực ra thì quá trình đàm phán của Việt Nam với các tổ chức như WTO hay với Hoa kỳ trước đây hay các cuộc đàm phán song phương khác thì các doanh nghiệp rất ít được biết đến cho nên họ không được thông tin không được tham vấn, rất khó có tiếng nói của họ để đề xuất với chính phủ trong quá trình đàm phán để làm thế nào bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam.
Tôi nghĩ các nhà đàm phán nhiều khi do thái độ quan liêu nhất định của họ nên họ không thấy hết những chỗ lợi ích hoặc phản lợi ích của các doanh nghiệp trong nước để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Mặc Lâm: Thực tế cho thấy hàng hóa Trung Quốc vừa rẻ vừa đa dạng nên việc cạnh tranh sẽ là tiền đề lớn đối với hàng Việt nam. Bên cạnh đó việc thiếu phẩm chất của hàng Trung Quốc cũng là một vấn đề lớn cho người tiêu dùng Việt nam, bà có nghĩ rằng dây là lúc chính phủ phải nghĩ đến việc áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với hàng Trung Quốc hay không?
Bà Phạm Chi Lan: Trước hết tôi nghĩ tiêu chuẩn kỹ thuật là cần thiết đối với mọi quốc gia, kể cả Việt nam. Tiêu chuẩn kỹ thuật cần có đối với các sản phẩm trong nước cũng như các sản phẩm nhập từ bên ngoài vào nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Trong thương mại quốc tế một mặt người ta chủ trương tự do hóa thương mại, một mặt khác mỗi nước tham gia tự do thương mại đều tạo nên những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thích đáng những ngành kinh tế hay khối lượng doanh nghiệp nước mình.
Tôi nghĩ đây là việc làm chính đáng ngay cả WTO cũng thừa nhận tình hình này và cũng không cấm các nước thực hiện hàng rào kỹ thuật.
Mặc Lâm: Thế nhưng hình như nhà nước chưa thật sự tận dụng chức năng hàng rào kỹ thuật trong việc bảo vệ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong nước bà nghĩ sao về vấn đề này?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ đối với các cơ quan chính phủ liên quan thì có lẽ họ cũng chưa thực sự làm hết trách nhiệm của họ và thông thường mỗi khi có vụ việc gì xảy ra thì được phát hiện đầu tiên là từ người dân, phản ảnh qua báo chí, rồi báo chí lên tiếng, doanh nghiệp lên tiếng.
Lúc đó các cơ quan nhà nước thông thường khá lúng túng. Cơ quan nọ hỏi cơ quan kia và đến lúc trả lời báo chí thì lại cho là chưa có đủ bằng chứng đối với những sản phẩm được coi là xấu đó, hay là chưa có đủ quy định pháp lý của Việt Nam để ngăn chặn hoặc là trừng phạt.
Tôi nghĩ đây là những câu trả lời rất thiếu trách nhiệm đối với đông đảo người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.