Dân biểu Loretta Sanchez nói về nhân quyền ở Việt Nam

Dân biểu Loretta Sanchez và nhóm dân cử quan tâm đến Việt Nam vừa có cuộc họp báo ngày hôm nay tại Washington DC, kêu gọi Việt Nam phải thả ngay những tù nhân lương tâm.
Việt Hà phóng viên RFA
2009.07.31
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Dân biểu Loretta Sanchez Dân biểu Loretta Sanchez và nhóm dân cử quan tâm đến Việt Nam vừa có cuộc họp báo ngày 30 tháng 7, 2009 tại Washington DC
Photo: RFA

Dân biểu Loretta Sanchez và nhóm dân cử quan tâm đến Việt Nam vừa có cuộc họp báo ngày hôm nay tại Washington DC, kêu gọi Việt Nam phải thả ngay những tù nhân lương tâm. Hồi tuần trước, dân biểu Loretta Sanchez cũng đưa ra nghị quyết về internet ở Việt Nam. Bà dân biểu đã dành cho đài Á châu Tự do một buổi phỏng vấn bên lề cuộc họp báo. Trả lời phóng viên Việt Hà của đài chúng tôi về tình hình nhân quyền của Việt Nam 2 năm sau khi gia nhập WTO, bà nói:
Tôi tin là kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới, thì chính phủ Việt nam đã tiếp tục đàn áp những người tranh đấu cho tự do, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do phát biểu và tự do báo chí. Tôi tin là chính quyền Việt Nam đã nỗ lực loại trừ những người này,
Dân biểu Loretta Sanchez

Nhân quyền ở VN hiện nay

Loretta Sanchez: Tôi tin là kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới, thì chính phủ Việt nam đã tiếp tục đàn áp những người tranh đấu cho tự do, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do phát biểu và tự do báo chí. Tôi tin là chính quyền Việt Nam đã nỗ lực loại trừ những người này, mà chúng tôi gọi là những tù nhân lương tâm, những người mong muốn có nhiều tự do hơn và nhân quyền cho Việt Nam. Tôi tin là tình hình ở Việt Nam đã trở nên xấu hơn rất nhiều.

Việt Hà: Lập pháp và hành pháp là hai nhánh khác nhau. Trong khi bà, một vị dân biểu, người đấu tranh cho dân chủ, và quyền con người ở Việt Nam, thì chính phủ Mỹ lại bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Bộ Ngoại giao Mỹ thì nói không có đủ bằng chứng để đặt Việt Nam lại danh sách này. Vậy bà làm gì để biến những lời kêu gọi của bà thành hành động thực sự từ chính phủ Mỹ đối với Việt nam?

Chúng tôi đang cố gắng để làm cho chính phủ của tổng thống Obama hiểu được tình hình của Việt Nam. Chúng tôi đã đưa ra một loạt các dự luật như đạo luật về nhân quyền Việt Nam 2009, hay như nghị quyết về tự do internet

Dân biểu Loretta Sanchez

Loretta Sanchez: Chúng tôi đang cố gắng để làm cho chính phủ của tổng thống Obama hiểu được tình hình của Việt Nam. Chúng tôi đã đưa ra một loạt các dự luật như đạo luật về nhân quyền Việt Nam 2009, hay như nghị quyết về tự do internet mà tôi vừa giới thiệu vào tuần trước, hay kêu gọi để đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt lưu ý về tự do tôn giáo. Chúng tôi đã thuyết phục rất nhiều người tại quốc hội về vấn đề Việt Nam.

Việt Hà: Vậy bà có nghĩ là với việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC sẽ khiến chính phủ Việt Nam phải thực sự thay đổi chính sách của mình?

Loretta Sanchez: Họ sẽ phải xấu hổ khi bị đưa trở lại danh sách này. Việc Việt Nam nằm trong danh sách các nước như thế sẽ cho phép Tổng thống ngừng những viện trợ không mang tính nhân đạo dành cho Việt Nam.  Tôi tin việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC là mong muốn lớn của chúng tôi.

Hoa Kỳ quá chú trọng đến kinh tế

Việt Hà: Dân biểu Joseph Cao nói là ông không kêu gọi việc cắt bỏ hay giảm thương mại giữa hai nước nhưng phải có điều kiện tiên quyết để khiến Việt Nam phải tôn trọng tự do và quyền con người. Bà có ý kiến gì?

Loretta Sanchez: Bây giờ là quá muộn để nói là chúng ta muốn có điều kiện tiên quyết trong việc giao thương với  Việt Nam, chúng ta đã làm ăn, trao đổi thương mại với Việt Nam rồi.  Vì thế nếu chúng ta muốn tiếp tục thì chúng ta cần phải nhìn thấy thay đổi, nếu không thì chúng ta sẽ ngừng quan hệ thương mại với Việt Nam.

Thương mại giữa hai nước đã mở, và chúng ta đã trao cho họ tất cả những gì  họ muốn. Trước hết, tôi muốn đặt họ vào danh sách CPC, là những nước cần đặc biệt lưu ý về vấn đề tự do tôn giáo, để cho phép Hoa kỳ được cấm vận và cho Tổng thống quyền hạn đó.

Tôi tin là có đến phân nửa chính phủ luôn nhìn vấn đề này trong một biểu thức kinh tế và họ không chú ý nhiều đến Việt Nam và quyền con người, và tôi luôn lập luận khác họ, dù đó là chính quyền của Clinton hay Bush và thậm chí nếu là phải tranh cãi với tổng thống Obama

Dân biểu Loretta Sanchez

Tôi sẽ ngừng làm những việc như chúng ta vẫn từng làm ví dụ chúng ta làm các báo cáo kiểm điểm định kỳ nhưng vẫn chi tiền cho  họ, và gửi các nhóm chuyên gia giúp họ có những thay đổi trong hệ thống tư pháp, luật pháp liên quan đến vấn đề thương mại mà không lưu ý đến phần luật lệ có liên quan đến quyền con người.

Tôi muốn nói là chúng ta sẽ giúp họ có những thay đổi trong hệ thống toà án, hệ thống hợp đồng để có sự minh bạch để Việt Nam là một thành viên tốt của WTO, đồng thời chúng ta có thể giúp họ có được những thay đổi trong luật pháp liên quan đến việc bắt giam người.

V.Hà: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói là Mỹ không có lợi ích gì khi đặt Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Trong khi đó, Mỹ lại là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Kinh tế Mỹ thì đang suy thoái và chính quyền có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trên thế giới, ví dụ như vấn đề về khủng bố chẳng hạn. Vậy bà có nghĩ là việc đặt Việt Nam vào danh sách này sẽ gây mâu thuẫn với những lợi ích của Hoà kỳ hiện tại?

Loretta Sanchez: Tôi tin là có đến phân nửa chính phủ luôn nhìn vấn đề này trong một biểu thức kinh tế và họ không chú ý nhiều đến Việt Nam và quyền con người, và tôi luôn lập luận khác họ, dù đó là chính quyền của Clinton hay Bush và thậm chí nếu là phải tranh cãi với tổng thống Obama thì tôi cũng vẫn giữ quan điểm.

Tôi nghĩ là Hoa Kỳ nên quan tâm đến quyền con người, và là nước lớn trên thế giới thể hiện quyền con người, Hoa Kỳ không nên mở cửa thị trường với một nước như Việt Nam, nếu họ tiếp tục để cho nạn buôn người diễn ra như đang làm, nếu họ không tôn trọng tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do tụ họp, hay người lao động không có tự do mặc cả  giá lao động của mình với người chủ, thì tôi nghĩ là không đúng.

Tôi đã gặp Yahoo và Google trong văn phòng của mình và nói chuyện với họ để đảm bảo họ không làm vậy. Họ đã thành lập một hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ internet và gây sức ép ngược lại với các nước sẽ bắt họ phải hợp tác như vậy.

Dân biểu Loretta Sanchez

Quyền lợi kinh tế của Yahoo và Google

V. Hà: Các công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn như Yahoo, Google đã phải chịu sức ép từ phía Trung Quốc để hạn chế tự do internet vì quyền lợi kinh tế của họ, vậy bà đã làm gì và sẽ làm gì để khiến các công ty này không hợp tác với chính phủ  Việt Nam trong vấn đề này và tránh điều đã xảy ra như ở Trung Quốc?

Loretta Sanchez: Tôi đã gặp Yahoo và Google trong văn phòng của mình và nói chuyện với họ để đảm bảo họ không làm vậy. Họ đã thành lập một hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ internet và gây sức ép ngược lại với các nước sẽ bắt họ phải hợp tác như vậy. Họ thực sự đã có một chiến lược kinh doanh để làm thế nào đó tránh khỏi sức ép từ phía chính phủ Việt Nam.

Và như tôi đã nói, tôi đã giới thiệu nghị quyết về tự do internet vào tuần trước và chúng tôi có kế hoạch để nó được thông qua tại hạ viện và thượng viện để gây sức ép với Việt Nam và những công ty cung cấp dịch vụ internet như Yahoo và Google cũng đứng về phía chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi đang làm việc để đảm bảo sẽ không để điều tương tự đã xảy ra ở Trung quốc sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Việt Hà: Bà có dự định đến thăm Việt Nam trong thời gian tới không?

Loretta Sanchez: Nếu họ cho phép tôi vào Việt Nam. Như các bạn đã biết là chính phủ Việt Nam đã từ chối cấp visa cho tôi 3 lần. Nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục cố gắng để đến  Việt Nam dù họ có ngăn trở hay không. Và tôi sẽ luôn yêu cầu chính phủ Việt Nam cho tôi gặp các nhà bất đồng chính kiến.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.