Nhìn lại thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương

Ngày 26 tháng 12 năm 2004, một trận sóng thần lịch sử đã xảy ra tại Ấn Độ Dương, gây thiệt hại nặng nề cho 14 nước tại châu Á, và châu Phi khiến gần 300,000 người chết và mất tích.
Việt Hà
2009.12.26
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
tsunami-victim-305.jpg Một nạn nhân sóng thần trước ngôi nhà đã bị phá hủy tại Tamilnadu, Ấn Độ, ngày 07/01/2005.
Photo by Pema Ngodup/RFA

Thảm họa lịch sử này cũng khiến người dân cả thế giới dốc tiền, dốc sức để giúp đỡ những nạn nhân của sóng thần trong suốt 5 năm qua.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm tai họa sóng thần này, và cũng để điểm lại một trong 10 sự kiện lớn nhất của nhân loại trong một thập niên đầu của thế kỷ 21, Việt Hà có bài phỏng vấn ông Al Pacino, Trưởng ban Thảm Họa Sóng Thần, Tổ Chức Chữ Thập Và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế về thảm họa này.

Trước tiên, ông Al Panico nói về hoạt động cứu trợ của tổ chức này ngay sau khi sóng thần xảy ra như sau:

Những tấm lòng nhân ái

Al Panico: Ngay sau khi sóng thần xảy ra, thì Tổ Chức Chữ Thập và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế tại cả 14 quốc gia bị ảnh hưởng đã có những đáp ứng ngay lập tức. Việc đầu tiên chúng tôi làm là cứu người, cung cấp các hỗ trợ về y tế, tìm kiếm xác người chết và chôn họ.

Về mặt quốc tế thì chúng tôi cũng nhận được một sự đáp ứng lớn nhất chưa từng có. Qua các hình ảnh mà người dân cả thế giới được biết về thảm họa và họ đã trút tấm lòng mình ra. Tổ Chức Chữ Thập Đỏ đã nhận được trợ giúp từ khắp nơi chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ đầu tiên.

Về mặt quốc tế thì chúng tôi cũng nhận được một sự đáp ứng lớn nhất chưa từng có. Tổ Chức Chữ Thập Đỏ đã nhận được trợ giúp từ khắp nơi chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ đầu tiên.

Ông Al Panico

Chúng tôi đã quyên góp được khoảng 3 tỷ 1 franc Thụy Sĩ trong thời gian này. Và khoảng 80% là từ đóng góp cộng đồng. Chúng tôi đã giúp được 5 triệu người, chúng tôi cung cấp các khu nhà ở tạm tại Aceh. Và riêng tại Indonesia là 20,000 căn.

Chúng tôi đã xây dựng 51,000 căn nhà kiên cố và chúng tôi đã xây dựng được 289 trạm xá và bệnh viện. Chúng tôi cung cấp các trợ giúp về cuộc sống cho 92,000 người. Theo tôi, một trong những trợ giúp lớn nhất mà chúng tôi thực hiện được là cải thiện nguồn nước cho 680,000 người.

Mặc dù vậy cũng còn những khó khăn. Tại các nước bị ảnh hưởng chính mà chúng tôi có hoạt động bao gồm Indonesia, Srilanka, Man đi vơ, Thái Lan, Ấn Độ Sey Shen, Somalia, Bangladesh, Miến Điện, tất cả mọi thứ đều bị hủy hoại và tất cả đều có sự có mặt của Tổ Chức Chữ Thập Đỏ.

Khó khăn, thách thức

Việt Hà: Xin ông cho biết những khó khăn và thách thức lớn nhất mà các ông phải đối mặt khi tiến hành cứu trợ tại các nước bị ảnh hưởng bởi sóng thần.

Al Panico: Thách thức đầu tiên mà chúng tôi phải đối mặt là sự hợp tác từ các cấp lãnh đạo chính quyền. Rõ ràng là có sự hạn chế về khả năng của chính quyền địa phương. Ngay cả chúng tôi cũng chưa bao giờ phải đối mặt với một thảm họa lớn đến vậy. Và tại một nước như Srilanka thì có 2/3 vùng đất giáp biển và hầu như đã bị tàn phá.

Trong khi đó đồng thời lại có hàng trăm tổ chức phi chính phủ, cơ quan của chính quyền cùng đến. Cho nên đã có những sự nhầm lẫn ban đầu. Nhưng một vài chính phủ như ở Indonesia đã thiết lập cơ quan tái thiết lại Aceh. Cơ quan này đã có sự lãnh đạo rất ấn tượng về mặt chính quyền trong việc trợ giúp và hợp tác để giúp những nạn nhân.

Mặt khác thì vấn đề hậu cần cũng là một thách thức lớn. Chúng tôi phải chuyển đến hơn 100 xe tải cỡ lớn chứa các đồ cứu trợ và chuyển đến quanh vùng bằng thuyền, máy bay trực thăng vì cơ sở hạ tầng ở đây đã bị hủy hoại, đường xã, cầu. Rồi phải kể đến những xung đột ở Aceh và Srilanka.

Xung đột ở Srilanka chỉ mới kết thúc năm nay, tức là gần 5 năm sau sóng thần. Và chúng tôi đã không thể vào được các vùng xung đột mãi cho đến tận 6 tháng trước. Chỉ đến bây giờ thì chúng tôi mới có thể xây nhà và hệ thống cung cấp nước, bệnh viện cho vùng Bắc Srilanka. Vì thế công việc ở đây chưa thể hoàn tất. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở đây. Nhưng ở phần lớn các nơi khác thì mọi việc đã trở lại bình thường.

Việt Hà: Tôi được biết là đến 2010, Tổ Chức Chữ Thập và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế sẽ chấm dứt các hoạt động cứu trợ sóng thần ở hầu hết các nước bị ảnh hưởng. Vậy có phải là không còn nạn nhân nào còn cần phải giúp đỡ nữa hay chính quyền địa phương đã có thể tự lo cho họ và do đó Tổ Chức Chữ Thập Đỏ quyết định đóng chương trình này lại?

Al Panico: Tôi vừa xem xét lại rất nhiều các đoạn video có chú thích của chúng tôi, các hình ảnh, các câu chuyện. Tôi cũng vừa ở Srilanka hồi tuần trước nói chuyện với một vài nạn nhân sóng thần. Một trong số các vết thương là những người đã mất toàn bộ gia đình.

Chúng tôi có một phụ nữ, chị hiện đang làm tình nguyện viên cho Tổ Chức Chữ Thập Đỏ. Chị đã mất 3 đứa con trong thảm họa. Khi tôi nói chuyện với chị thì chị khóc và chị không bao giờ có thể quên được những mất mát đó, nhưng chị vẫn tiếp tục sống. Chị đã có một bé khác và bây giờ bé đã được 2 tuổi.

Nhưng có những điều chúng ta không bao giờ có thể lấy lại, cuộc sống, những người trong gia đình, vợ, chồng, con cái. Đó là công việc mà Tổ Chức Chữ Thập Đỏ không thể làm được. Tôi có thể nói thế này, có những phần của Srilanka chúng tôi mới bắt đầu các dự án nhà ở.

Các dự án sẽ chỉ có thể hoàn tất trong 1 đến 1 năm rưỡi nữa. Liệu có còn những người vẫn cần sự trợ giúp hay không? Theo tôi vẫn còn những người mà chúng tôi biết là vẫn đang sống trong các khu nhà tạm bởi vì chưa tìm được mảnh đất thích hợp cho họ hoặc họ không sẵn sàng chuyển đi chỗ khác. Nhưng họ đều đã quay lại làm việc, họ đều đang sống và lấy lại cuộc sống bình thường.

Vì thế chúng tôi thấy là công việc cứu trợ hồi phục sau thảm họa đã hoàn tất. Nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ đi bởi vì chúng tôi vẫn còn văn phòng của Tổ Chức Chữ Thập Đỏ ở đó, và họ đã mạnh lên rất nhiều để có thể đương đầu với thảm họa. Tôi phải nói là bây giờ mọi người có một công việc lớn trước mắt là giảm thiểu những nguy hiểm và hiểu biết hơn về các thảm họa, và đó là cho tương lai.

Những bài học quí giá

Việt Hà: Sau thảm họa sóng thần này, các chính phủ, người dân và các tổ chức như Tổ Chức Chữ Thập Đỏ học được gì?

Al Panico: Chúng tôi đã học được rất nhiều. Một trong những điều quan trọng đối với chúng tôi khi làm việc với cộng đồng và nói chuyện với người dân khi chúng tôi cứu trợ và cung cấp cứu trợ trong những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu là chúng ta phải nghĩ đến sự phục hồi.  Ý tôi muốn nói là giúp người dân quay lại cuộc sống bình thường, giúp họ sống trong một cộng đồng an toàn hơn, giúp họ sống xa những nơi dễ bị lụt lội, trợ giúp họ về tâm lý.

Chúng tôi học được là chúng ta không thể chỉ đưa cho họ mà không giúp họ lấy lại cuộc sống bình thường và khả năng tự lo cho gia đình mình. Đồng thời chúng tôi cũng khẳng định được là sự hồi phục tốt nhất là khi có sự tham gia của chính các nạn nhân, của cộng đồng. Họ cần phải là những người quyết định. Cộng đồng phải tham gia ngay từ đầu. Đồng thời chúng tôi học được các bài học về sự minh bạch rõ ràng, báo cáo lại cho các nhà tài trợ, cho những người được hưởng lợi.

Chúng ta phải luôn đặt những người được hưởng lợi vào trung tâm của mọi chương trình. Nói thì dễ nhưng các bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên là mọi người ở ngoài thì nghĩ là chỉ việc mang đồ vào cho nạn nhân là được nhưng bạn phải luôn hỏi họ trước xem họ có muốn hay không.

Đồng thời cũng đã có một hệ thống cảnh báo sớm quốc tế để báo cho người dân biết về sóng thần. Các cơ quan của Tổ Chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế giúp đào tạo người dân biết kỹ năng sơ tán cơ bản khi họ nghe cảnh báo sóng thần.

Ông Al Panico

Việt Hà: 5 năm sau thảm họa, ông có thấy những cải thiện trong hệ thống cảnh báo sớm sóng thần, hệ thống chính sách của chính phủ tại khu vực hay chưa và ông đánh giá thế nào về những cải thiện này?

Al Panico: Rõ ràng là đã có những cải thiện lớn trong khả năng đáp ứng và hợp tác của chính quyền địa phương. Họ biết ai phải làm gì và chính sách nào cần phải được ban hành ở cấp chính quyền.

Chúng tôi hỗ trợ một quá trình mà đó là một hệ thống thống kê và các công thức mà chính quyền địa phương dùng để kiểm tra đánh giá những cải thiện trong điều kiện sống. Những con số này giúp những người làm chính sách biết được họ đã có những cải thiện hay chưa. Đồng thời cũng đã có một hệ thống cảnh báo sớm quốc tế để báo cho người dân biết về sóng thần.

Các cơ quan của Tổ Chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế giúp đào tạo người dân biết kỹ năng sơ tán cơ bản khi họ nghe cảnh báo sóng thần. Họ cần đi đâu khi nghe cảnh báo và cần mang theo những tài liệu cơ bản nào. Tóm lại thì nhìn chung đã có những cải thiện đáng kể tại khu vực.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.