Quan điểm của Luật sư Lê Quốc Quân về vụ án giáo dân Thái Hà

Chỉ còn vài hôm nữa là phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thái Hà về hai tội là hủy hoại tài sản quốc gia và gây rối trật tự công cộng. Luật sư Lê Quốc Quân đã viết một bài để bào chữa cho 8 bị cáo này.
Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008.12.06
ThaiHa-111708-305.jpg Bất chấp không khí sách nhiễu, đe dọa, đông đảo giáo dân vẫn tập trung cầu nguyện tại nhà thờ Thái Hà.
Photo courtesy of Vietcatholic

Bài viết có tựa là “Bài Bào Chữa cho Công Lý ở Thái Hà” đã được đăng trên rất nhiều tờ báo và truyền đi khắp nơi trên thế giới qua mạng internet.

Không đủ yếu tố pháp lý

HiềnVy hỏi chuyện Luật sư Lê Quốc Quân về vụ việc này. Trước hết LS Lê Quốc Quân cho biết:

“Tôi là một luât sư, đồng thời là một tín hữu, một giáo dân của giáo xứ Thái Hà cho nên trong việc xét xử như thế, tôi rất nhiều cảm xúc. Trên 2 phương diện, nếu trên phương diện tình cảm thì tôi rất là thương và thấy rất bất công đối với những nạn nhân. Còn trên phương diện pháp lý thì chính tôi đã có một bài bào chữa nói rằng đem người ta ra xét xử như thế là không đúng. Vừa không đúng luật mà có thể sẽ có tác động rất là tiêu cực đối với chính những giáo dân mà đồng thời đối với hình ảnh của Việt Nam. Nếu kết án họ nặng nề thì theo tôi quả thực là sai trái.”

Những người nào nhận sai thì được tại ngoại còn mấy người không nhận sai thì vẫn bị nhốt.”

Bà Lê thị Hợi

Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng nhà nước không đủ yếu tố pháp lý khi truy tố 8 giáo dân Thái Hà về 2 tội hủy hoại tài sản quốc gia và phá rối trật tự công cộng.

“Nhà nước nói đến chuyện hủy hoại tài sản và gây rối trật tự, thế nhưng mà nếu đã xét vào luật thì phải xét về động cơ, mục đích và hậu quả. Cuối cùng thì họ (những bị cáo) đã không gây ra một hậu quả gì cả, mà đất thì đã trở thành vườn hoa. Bức tường mà người ta phá thì cuối cùng nhà nước đã phá đi. Thứ hai là bảo họ gây rối thì bản thân họ không gây rối gì cả mà họ lại còn có công trong việc phát hiện, mà theo tôi thì họ đã đập tan được một âm mưu tham nhũng rất là lớn ở chỗ này.”

Khi được hỏi tại sao không trực tiếp tham dự bào chữa cho các giáo dân Thái Hà, Luật sư Lê Quốc Quân cho biết:

“Tôi thật sự cộng tác một cách rất tích cực với Luật sư Lê Trần Luật và Luật sư Lê Như Hương là hai luật sư bào chữa cho vụ này vào ngày 8 tháng 12. Tôi liên lạc với họ thường xuyên , tâm sự, nói chuyện với nhau những góc độ về mặt pháp lý, về cách thức đọc hồ sơ để tìm hiểu bản chất vụ án. Nhưng khi ra xét xử trước tòa thì cá nhân tôi bị người ta rút giấy phép hành nghề của tôi và họ khai trừ khỏi đoàn luật sư. Hiện nay tôi đang khiếu nại và họ chưa có quyết định giải quyết. Thành ra tôi không có tư cách đó.”

Hủy hoại tài sản quốc gia?

Trong số 8 bị cáo sẽ phải ra tòa vào ngày 8 tháng 12 tới đây thì có 2 người là bà Ngô thị Dung và Nguyễn thị Nhi vẫn đang bị giam giữ tại hỏa lò vì cương quyết cho rằng việc làm của họ không hề sai trái:

“Chúng tôi chỉ có một mục đích là vào để cầu nguyện. Khi cha Uy làm lễ thì chúng tôi chỉ có làm dễ đường vào để cầu nguyện. Mọi người ở bên ngoài còn tôi đang ở bên trong. Những mảnh tường rơi xuống thì tôi lấy cái cuốc sang những gạch vỡ.

Chúng tôi không có một hành vi gì để gây phá hoại tài sản của xã hội. Họ cho là tôi phá hoại tài sản nhưng mà tôi nghĩ đó là không phải. Tôi không có tội. Tôi nghĩ đơn giản là tôi không có tội. Sự việc của tôi làm đúng chứ tôi không có làm sai.”

Còn 6 người khác thì đang được tại ngoại. trong đó có bị cáo Lê thị Hợi đã cho biết lý do bà được tại ngoại là vì trong tiến trình điều tra, công an đã ép buộc bà phải nhận hành động của bà là sai:

“…Cứ nói mãi nói mãi, dằn co đúng sai nên tôi bảo: Nếu không có đất của giáo hội thì không bao giờ tôi phá bức tường này để vào. Vì đất của giáo hội cho nên chúng tôi mới đẩy cái bức tường này để vào cầu nguyện cho nó tiện. Thế mà họ cứ ép mãi, nói mãi, họ bảo tôi: Bà phải nhận cái sai của bà, là bà phá bức tường này đi là sai.

Thế là cuối cùng tôi phải nhận là: Vâng, thế là tôi đập cái bức tường là sai, nhưng mà nếu không có cái đất của giáo hội thì tôi không bao giờ tôi phá cái bức tường đó. Những người nào nhận sai thì được tại ngoại còn mấy người không nhận sai thì vẫn bị nhốt.”

Công lý và sự thật

Luật sư Lê Quốc Quân cho biết ý kiến của ông về việc này:

Nhà nước nói đến chuyện hủy hoại tài sản và gây rối trật tự, thế nhưng mà nếu đã xét vào luật thì phải xét về động cơ, mục đích và hậu quả. Cuối cùng thì họ (những bị cáo) đã không gây ra một hậu quả gì cả, mà đất thì đã trở thành vườn hoa.

LS Lê Quốc Quân

“Việc này hết sức là thú vị và đáng lưu tâm bởi vì nếu như ai đó mà thừa nhận tội thôi và chỉ nói là việc làm của mình sai thì có thể lúc đó người ta quay trên vô tuyến và người ta nói là đã thừa nhận tội như vậy. Và thừa nhận tội trong việc làm của mình, một việc làm chính đáng như thế, thì coi như là phủ nhận luôn cái tính chính đáng của những người khác đang cầu nguyện cho công lý, sự thật và hòa bình cho ViệtNam.

Rất nhiều lần tôi đã nghe các Cha nói rằng không phải là chuyện 2 miếng đất, mà là chuyện mình đòi hỏi công lý và sự thật. Thế thì cái việc làm của người nào đó là để bảo vệ, để dành lấy công lý và sự thật, nhưng nếu thừa nhận, mà cái thừa nhận đó bị chính phủ tuyên truyền lên, làm cho mạnh lên thì nó sẽ mất đi cái tính chính đáng trong công cuộc đòi công lý và sự thật”

Và ông giải thích thêm rằng:

“Thứ hai nữa là cần phải lưu tâm là có thể có nhiều nhận tội trong quá trình điều tra nhưng người ta có quyền thay đổi tư tưởng, tức là có quyền thay đổi ý. Trong luật gọi là phản cung. Rất nhiều vụ án trải qua nhiều năm tháng khác nhau, quá trình điều tra rất phức tạp, khi thì người ta thừa nhận những điều đó đúng, sau đó người ta đổi ý, bảo rằng những điều người ta làm hoàn toàn sai, nhưng một thời gian sau nữa, thì người ta lại bảo rằng người ta làm như vậy là đúng rồi …Cái tiến trình đó xảy ra rất thường xuyên, thế nhưng mà theo qui định của pháp luật thì chỉ có những lời người ta nói ra tại tòa trong lúc phiên xử và cái quan điểm của người ta thể hiện một cách công khai tại tòa vào ngày xử mới đáng lưu ý. Và cái đó là cái tòa phải xem xét, chứ không phải là dựa vào cái bản cung của công an khi họ dụ dỗ, khi họ ép buộc hoặc khi họ thuyết phục mà đồng ý, rồi xong rồi lấy cái đó làm căn cứ coi như phản ánh cái quan điểm chính thức và chính thống của họ thì điều đó không đúng.”

Thứ hai, ngày 8 tháng 12 , 8 giáo dân Thái Hà sẽ bị xét xử trước tòa án Nhân dân, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, vì tranh đấu cho công lý và sự thật. Nhưng theo Linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Trung Thành thì họ sẽ không cô đơn trong phiên toà đó.

“Không phải chỉ có 8 anh chị em bị cáo đó đâu, mà những người khác cũng là bị cáo, có các cha dòng Chúa Cứu Thế, có các anh chị em, có chúng ta đây…”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.