USCIRF: Giáo dân Cồn Dầu cần được quốc tế bảo vệ
2010.08.26
Một mặt họ không dám trở về nơi chôn nhau cắt rốn, một mặt cũng chưa biết có xin được quy chế tị nạn ở một nước thứ ba nào hay không.
Quỳnh Như có cuộc phỏng vấn ông Scott Flipse, Phó Giám đốc Phụ trách Chính sách và Nghiên cứu của Ủy hội Hoa Kỳ Về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF, về các vấn đề liên quan đến những người này.
Đòi hỏi chính đáng
Người dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Bangkok, được hưởng quy chế tị nạn là một điều chính đáng, vì nếu như họ bị trả về Việt Nam thì họ sẽ bị pháp luật trong nước truy tố.
Ô. Scott Flipse
Như chúng tôi đã đưa tin, cảnh sát điạ phương ở Huyện Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng đàn áp những người chống đối lệnh giải tỏa đất, không trừ một ai, dù già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, hay phụ nữ. Có người bị đánh đập đến mang thương tích, có người hiện còn đang bị giam giữ, thậm chí có kẻ thiệt mạng như trường hợp của ông Nguyễn Thành Năm. Tình hình này khiến người dân Cồn Dầu hoang mang lo sợ và tìm đường lánh
nạn sang Thái Lan. Hiện có hơn 40 người dân của giáo xứ Cồn Dầu đang lánh nạn tại thủ đô Bangkok và mong muốn đến được một nơi an toàn để sinh sống.
Nhận định về việc số người vừa kể đang xin được hưởng quy chế tị nạn chính trị tại một nước thứ ba, ông Scott Flipse, Phó Giám đốc Phụ trách Chính sách và Nghiên cứu của Ủy hội Hoa Kỳ Về Tự do Tôn giáo Quốc tế, USCIRF cho biết:
“Tôi tin rằng mong muốn của những người dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Bangkok, được hưởng quy chế tị nạn là một điều chính đáng, vì nếu như họ bị trả về Việt Nam thì họ sẽ bị pháp luật trong nước truy tố. Vì vậy tôi tin rằng Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải đảm bảo rằng những người này phải được bảo vệ tại Thái Lan, và quá trình xin tị nạn của họ sẽ diễn ra một cách suông sẻ để họ được sống ở một nước khác.”
Ông Scott Flipse cũng kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế can thiệp cho số người này:
“Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp với Cao Ủy Tị nạn quốc tế để xem xét vấn đề xin tị nạn của 40 người dân Cồn Dầu này. Tổ chức này có một hệ thống làm việc rất hiệu quả tại Bangkok, họ đã xem xét và giải quyết cho rất nhiều người xin tị nạn. Chúng ta phải làm mọi cách để đảm bảo sự an toàn cho những người dân Việt Nam ở Cồn Dầu đang lánh nạn tại Thái Lan trong lúc chờ xin đi tị nạn tại một nước khác, và mong rằng họ nhanh chóng đến được một nước thứ ba để sinh sống. Cộng đồng quốc tế cần phải đảm bảo để điều đó được thực hiện.”
Là một nhân vật luôn tham gia tích cực và có mặt trong hầu hết tất cả các hoạt động đấu tranh cho vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Ông Scott Flipse cũng thường xuyên theo dõi các biến cố xảy ra trong nước có liên quan đến các lĩnh vực này, điển hình như các vụ đàn áp tăng sinh Bát Nhã, hoặc các vụ tranh chấp đất đai của giáo dân ở giáo xứ Thái Hà và mới gần dây nhất là đối với người dân của xứ đạo Cồn Dầu. Ông Scott Flipse nói thêm:
“Hoa Kỳ và Việt nam có một sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận vấn đề tôn trọng nhân quyền. Do đó tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng là sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước không chỉ tập trung vào quan hệ mậu dịch không mà thôi. Hoa Kỳ và các nước trong cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục dành những ưu đãi ngoại giao cho Việt Nam, mà không đòi hỏi Việt Nam phải có những đáp ứng theo mong mỏi của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực cải thiện vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo cho người dân.”
Cần giải pháp lâu dài
Cũng theo lời vị Phó Giám đốc của Ủy hội Hoa Kỳ Về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ở Việt Nam các tín đồ Thiên chúa giáo và Tin lành thường hay bị quấy nhiễu do những vấn đề mà họ phải đối đầu như việc tranh chấp đất đai của giáo xứ. Tuy nhiên chúng ta ai cũng biết Việt Nam là một quốc gia có đa số theo Phật giáo. Vì thế không chỉ đối với những người theo Công giáo hay Tin lành, mà một bộ phận của Phật giáo cũng bị đàn áp; đó là những tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những tăng thân Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và kể cả các vị sư sãi gốc Khmer. Có rất nhiều điều bất ổn đang xảy ra trong nước liên quan đến tự do tín ngưỡng. Ông Flipse kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cần phải đặt những vấn đề này vào vị trí ưu tiên trong quan hệ song phương giữa hai nước. Ông nhấn mạnh:
Vấn đề là chúng ta cần phải làm thế nào để đảm bảo về lâu về dài, là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện, các quyền tự do cơ bản của con người được tôn trọng.
Ô. Scott Flipse
“Nếu chỉ nói giữa hai nước còn có những khác biệt không thôi thì chưa đủ, mặc dù điều đó cũng quan trọng, mà cần phải có những hành động cụ thể, phải đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế trong vấn đề tôn trọng nhân quyền. Và trong vấn đề này Hoa Kỳ có khả năng tác động, và cần phải sử dụng ảnh hưởng đó để thực hiện cho bằng được.”
Giải quyết cho vấn đề người dân của giáo xứ Cồn Dầu đang chạy trốn sang Thái Lan mới chỉ là một vấn đề. Theo ông Flipse cần phải nhìn thấy vấn đề tận gốc rễ. Ông nói:
“Vấn đề là chúng ta cần phải làm thế nào để đảm bảo về lâu về dài, là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện, các quyền tự do cơ bản của con người được tôn trọng để người dân không còn phải lìa bỏ quê hương để xin tị nạn tại một nước khác. Vì họ không còn sợ bị chính phủ trong nước bắt bớ, xét xử khi bộc lộ quan điểm của mình.”
Cũng như một số nhà dân cử Hoa Kỳ tranh đấu cho vấn đề tự do tôn giáo và các quyền tự do cơ bản của con người được tôn trọng tại Việt Nam, ông Scott Flipse cho rằng chính phủ của Tổng thống Barack Obama cần nêu vấn đề cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam lên một trong những vị trí hàng đầu trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Và đối với vấn đề của giáo dân Cồn Dầu, bản thân ông Scott Flipse và tổ chức của ông không chỉ làm việc với tổ chức tị nạn của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết vấn đề xin tị nạn chính trị của những người dân Cồn Dầu này mà thôi, mà sẽ còn tiếp tục đấu tranh cho những vấn đề liên quan đến việc an sinh của những người hiện còn đang sống ở Cồn Dầu.Theo dòng thời sự:
- Video: Giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan tị nạn
- Video: Những gì đã xảy ra ở Cồn Dầu
- Tiếng nói Cồn Dầu từ Thái Lan
- Kêu gọi LHQ điều tra vụ công an đánh chết người tại Cồn Dầu
- Lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền tại khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ
- Bà Hillary Clinton thúc đẩy nhân quyền tại VN, dư luận nghĩ gì?
- Dân biểu Mỹ trình Hạ Viện nghị quyết lên án đàn áp tại Cồn Dầu
- Dân biểu Cao Quang Ánh lên án Việt Nam chà đạp nhân quyền
- Video: Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu