Thật ra vụ căn cứ Mỹ không phải là nguyên do chính yếu duy nhất mà chỉ là một trong những nguyên nhân gần. Vậy còn những nguyên nhân sâu xa là gì? Tiến trình chính trị tại Nhật sắp tới sẽ ra sao?
Nguyên nhân thật sự
Việt Long tìm câu trả lời với nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh, hiện làm việc tại Tokyo từ hằng chục năm nay. Ông nói về những nguyên nhân đó:
Ngoài ra còn có vấn đề vụ dời phi trường mà Thủ Tướng đã không làm được như lời hứa, cũng như bản thân ông cũng có vấn đề không trong sáng với tiền bạc.
Ô. Đỗ Thông Minh
Đỗ Thông Minh: Cái lý do từ trước thì nó có những nguyên nhân xa và những nguyên nhân gần. Nguyên nhân gần nhất thì có lẽ việc ông Thủ tướng Hatoyama cách chức bà Bộ trưởng Bộ Tiêu Thụ là bà Fukushima. Bà đó là chủ tịch của Đảng Xã Dân. Đây là một đảng nhỏ nhưng liên kết với Đảng Dân Chủ để mà ngoài chuyện Đảng Dân Chủ có phiếu đa số tại Hạ Viện họ có thể nắm được phiếu đa số ở Thượng Viện.
Thì bà Fukushima bà phản đối cái thỏa thuận giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đưa chuyện dời phi trường Futenma lên bên cạnh căn cứ trong vùng Enoko, bởi vì Đảng Xã Dân từ xưa tới giờ chống việc đó, bà muốn dời căn cứ ra khỏi Okinawa như Đảng Dân Chủ đã hứa với bà nhưng Đảng Dân Chủ không làm được thì đi vào cái chương trình của Đảng Tự Do Dân Chủ trước đây, thế thành ra bà này nói là bà sẽ không ký vào. Khi bà quyết định như vậy thì cuối cùng Thủ tướng Hatoyama đã cách chức bà.
Ngoài ra còn có vấn đề vụ dời phi trường mà Thủ Tướng đã không làm được như lời hứa, cũng như bản thân ông cũng có vấn đề không trong sáng với tiền bạc.
Việt Long: Chuyện tiền bạc thì có phải là gây quỹ bất hợp pháp hay là tham nhũng gì không?
Đỗ Thông Minh: Ông này có bà mẹ là con của giám đốc hãng bánh xe hơi Bridgestone cho nên rất là giàu, thì trong suốt 5 năm trời như vậy mỗi một tháng bà gởi cho ông số tiền tương đương khoảng 150.000 đô la Mỹ trong suốt 5 năm trời tức là lên tới mười mấy triệu đôla. Chuyện cho tiền như vậy coi như một hình thức trốn thuế, tức là thay vì cái tiền coi như tiền kế thừa cho con thì phải khai thuế. Thì tổng cộng có 3 chuyện như vậy, nhưng chuyện quan trọng nhất có lẽ là chuyện cách chức bà Fukushima thì làm cho đảng rất là khó khăn trong việc thông qua những đạo luật sắp tới mặc dầu là có đa số ở Hạ Viện nhưng mà không chiếm đa số ở Thượng Viện. Thì tôi nghĩ đó là những nguyên nhân gần.

Việt Long: Thưa ông, vậy Đảng Dân Chủ Xã Hội như ông gọi là Đảng Xã Dân thì khi mà liên mình với Đảng Dân Chủ của ông Hatoyama, đảng đó đã có chủ trương gắn bó với hiến pháp hòa bình của Nhật sau Thế Chiến II đòi giảm quân Mỹ đóng trên lãnh thổ Nhật, đồng thời họ phản đối việc Nhật yễm trợ tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan. Và còn những nhân xa của việc gần đây nhất là gì ạ?
Đỗ Thông Minh: Về nguyên nhân xa thì từ khi đảng này còn đang là đối lập mà bản thân ông Hatoyama cũng như ông tổng thư ký Osawa đều là hai người tách ra từ Đảng Tự Do Dân Chủ trước đây, và có thể nói là cái bộ óc sắp xếp tất cả những chuyện bầu cử là ông Tổng thư ký Osawa đã đưa tới thắng lợi cho đảng vào tháng 9 năm ngoái. Và để đạt được cái thắng lợi đó thì họ đã đưa ra một cái coi như một cái đường hướng sẽ thực hiện của đảng, và trong đường hướng đó có nhiều điều rất là ngọt ngào có tính cách mị dân. Cho nên chính vì những điều này mà họ đã phần nào thu hút được số phiếu và họ thắng cử, nhưng mà bây giờ cái chuyện để thực hiện được điều đó thì họ gặp rất nhiều khó khăn.
Thất hứa?
Việt Long: Thưa, chúng tôi hiểu là khi tranh cử thì ai cũng hứa hẹn ngọt xớt về những điều mà người dân mong muốn và lại hưa hẹn quá sức mình có thể làm được khi mà đắc cử. Ông có thể cho thêm vài ví dụ về những lời hứa đó của Đảng Dân Chủ là đảng có lập trường trung tả trong lúc tranh cử rồi thì thắng cử hồi tháng 9 năm ngoái.
Ông Đỗ Thông Minh: Thí dụ như trước đây họ phê bình chính quyền của Đảng Tự Do Dân Chủ là bán công trái phiếu nhiều quá, dựa vào công trái phiếu nhiều quá, trong khi đó họ đưa những chương trình hứa hẹn, thí dụ như đầu tháng này bắt đầu phát cho mỗi trẻ em một tháng 13.000 yen, tức là tương đương với khoảng 150 đô la Mỹ một tháng. Và với trên 17 triệu em trên toàn quốc như vậy thì mỗi một năm sẽ tốn khoảng 22 tỷ đô la.
Trên thực tế họ hứa là họ sẽ phát tới gấp đôi tức là 26.000 yen một tháng. Thành ra những điều hứa hẹn như vậy rốt cuộc làm cho việc bán công trái phiếu của họ còn cao hơn cả nhà cầm quyền trước và coi như cao nhất từ trước tới giờ. Thành ra có thể tóm tắt là chương trình của đảng đưa ra đã quá ngọt ngào và bây giờ họ mắc phải chính cái điều họ đã đưa ra mà không thực hiện được.
Việt Long: Thế còn vấn đề căn cứ Mỹ ở Okinawa thì nó bây giờ ra sao trong những nguyên nhân mà ông vừa kể? Cụ thể là vấn đề đó đã tác động như thế nào vào chính sách của Đảng Dân Chủ, thưa ông?
Tóm tắt là chương trình của đảng đưa ra đã quá ngọt ngào và bây giờ họ mắc phải chính cái điều họ đã đưa ra mà không thực hiện được.
Ô. Đỗ Thông Minh
Đỗ Thông Minh: Trong 3 nguyên nhân gần thì có cả vấn đề căn cứ Futenma, bởi vì bản thân Thủ tướng Hatoyama trước khi lên làm thủ tướng thì ông cũng có nói là ông sẽ đưa căn cứ phi trường Futenma của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ra nước ngoài và ít nhất là ra khỏi Okinawa. Đó là còn có câu nhấn mạnh như vậy: "ít nhất ra khỏi Okinawa", nhưng rồi coi như không đưa gì ra khỏi Okinawa cả. Chỉ có một phần nhỏ dự định đưa lên đảo Tokishima nhưng mà hiện tại thì dân chúng ở đó vẫn chống đối. Cho nên thỏa thuận với Hoa Kỳ thì thỏa thuận như vậy, nhưng mà thực ra không có nơi nào ở nước Nhật người ta chấp nhận cả, kể cả trở lại chương trình cũ của Đảng Tự Do Dân Chủ là đưa lên chỗ gọi là Henoko ở cạnh căn cứ Schwab, thì bây giờ coi như người thị trưởng thành phố đó bây giờ là người khác và họ cũng chống đối luôn.
Việt Long: Thưa, vì sao mà Thủ tướng Hatoyama không thực hiện được lời hứa đó? Và ngoài ra còn những điều hứa hẹn nào mà chính phủ cũng không thực hiện được nữa?
Đỗ Thông Minh: Khi bước vào thực tế thì thứ nhất như vấn đề trợ cấp cho các em cũng như là nâng tuổi học trò thay vì tới lớp 9 miễn phí thì lên tới lớp 12 miễn phí luôn, và rồi vấn đề dự trù không lấy tiền cước xa lộ, vân vân, thì như vậy sẽ phải chi ngân khoản rất là lớn trong khi đó chính phủ nói là sẽ siết một số những tổ chức, siết vấn đề chi tiêu, nhưng mà cái phần siết thì được có một mà phần phải chi có thể gấp ba, gấp năm lần, cho nên rốt cuộc cũng thâm thủng. Đó là một số điểm, và điểm nữa như về căn cứ Futenma thì khi họ chỉ là những nhà chính trị thôi thì họ nói những lời hứa như vậy nhưng mà đến khi bước vào thực tế thì họ lọt vào chính cái bẫy hay là cái gân gà mà nó ngáng ngay cổ do chính họ tạo ra.
Việt Long: Thưa, hiệp ước an ninh chung Nhật Mỹ có điều khoản nào buộc Nhật phải cho Mỹ đóng vô thời hạn trên đảo Okinawa không?
Đỗ Thông Minh: Có những hiệp ước liên quan tới vấn đề này, tức là sau Thế Chiến II năm 1945 thì kể như Hoa Kỳ và đồng minh mà đứng đầu là Hoa Kỳ coi như là thống trị nước bị thua trận là Nhật Bản, cho tới năm 1951 thì coi như Mỹ ký Hiệp Ước San Francisco theo đó Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc trả lại độc lập cho Nhật Bản, cho tới năm 1971-1972 thì mới trả nốt Okinawa, nhưng mà Hoa Kỳ vẫn giữ lại một số căn cứ mà trong số hơn 40.000 quân đội Hoa Kỳ thì 3/4 đóng tại Okinawa theo như thỏa ước được ký kết cứ 10 năm một lần giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, gọi là Hiệp Ước Hỗ Tương An Ninh Nhật - Mỹ.

Mỹ tiếp tục đóng quân?
Việt Long: Sau mỗi định kỳ 10 năm như vậy thì về phương diện pháp lý Nhật có thể không cho Hoa Kỳ tiếp tục đóng quân trên lãnh thổ đó hay không?
Đỗ Thông Minh: Có thể một số dư luận trong thâm tâm họ không muốn điều đó. Cái vấn đề như chúng ta biết là sau Thế Chiến II thì tuy là đã trả lại độc lập cho Nhật Bản nhưng mà Nhật Bản chỉ có một lực lượng quân sự chỉ có tính cách tự vệ thôi, đối với trường hợp chiến tranh lớn mà xảy ra, thí dụ như đối với Trung Quốc hoặc là Triều Tiên, thì Nhật Bản không đủ sức tự lập để mà có thể giữ gìn đất nước của mình, cho nên Nhật Bản phải dựa vào sức mạnh quân đội Hoa Kỳ, nhất là cây dù nguyên tử của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Hatoyama trong ngày hôm qua nói chuyện và đi đến chỗ từ chức thì ông cũng có nói tới chuyện rằng là người Nhật phải tự giữ gìn hòa bình của mình chứ không thể dựa mãi vào người Hoa Kỳ như tới bây giờ, không thể 50 hay 100 năm sau vẫn cứ tiếp tục dựa vào Hoa Kỳ, mà phải đi đến vấn đề độc lập.
Đó là chuyện của nước Nhật nhưng mà chúng ta cũng biết Hoa Kỳ rải quân rất là nhiều nơi trên thế giới, Hoa Kỳ cũng muốn giữ ảnh hưởng của mình rộng rãi càng nhiều càng tốt, cho nên không phải đơn phương Nhật Bản muốn mà làm sao phải có sự thỏa thuận hoặc là Nhật Bản trở thành một đồng minh tin tưởng và tự lập được hơn nữa thì mới có thể đạt được ý nguyện của mình.
Việt Long: Nếu mà nói như vậy thì ông Hatoyama vẫn chưa giải thích vấn đề phải cho quân Mỹ ở lại Okinawa?
Đối với Trung Quốc hoặc là Triều Tiên, thì Nhật Bản không đủ sức tự lập để giữ gìn đất nước của mình, cho nên Nhật Bản phải dựa vào sức mạnh quân đội Mỹ.
Ô. Đỗ Thông Minh
Đỗ Thông Minh: Dạ thưa, chuyện Thủ tướng Hatoyama nói trước khi từ chức thì đó là nói về viễn ảnh trong tương lai, chứ còn theo tình thế hiện tại thì họ chưa làm ngay được chuyện đó. Hoa Kỳ sau khi thắng Nhật Bản thì coi như giải giới quân đội Nhật và Nhật Bản chỉ có cảnh sát, sau đó len tới cấp tự vệ đội. Tất cả tự vệ dội cho tới ngày hôm nay đều là tự nguyện chứ không có đi quân dịch, cho nên tự vệ đội chỉ có khoảng 240.000 quân thôi, chỉ có tính cách tự vệ một cách tiêu cực, và ngoài ra họ làm cái lá chắn hỏa tiễn để chống lại hỏa tiến thôi, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, nhưng mà vẫn coi như không đủ sức để giữ gìn nước Nhật nếu mà có chiến tranh lớn hay là chiến tranh nguyên tử xảy ra.
Có thể nói là Hoa Kỳ xưa nay bảo hộ vấn đề an ninh cho Nhật Bản quá lâu và người Nhật đôi khi quên điều đó cho nên Thủ tướng Hatoyama muốn nhắc rằng kể như là Nhật đã dưới cây dù an ninh của Hoa Kỳ từ 1945 cho tới ngày hôm nay, tức là 65 năm, và không thể tiếp tục như vậy mãi. Người Nhật phải tự đứng lên giữ lấy hòa bình của chính mình, đó là điều mà Thủ tướng Hatoyama muốn nói nhưng mà không phải là thời điểm này. Nhật Bản chưa có sẵn sàng thay thế để tự mình làm cái điều này.
Việt Long: Thưa ông, câu hỏi cuối cùng là tiến trình chính trị tại Nhật sẽ diễn biến ra sao, sau khi ông Hatoyama từ chức?
Đỗ Thông Minh: Thủ tướng Hatoyama tuyên bố từ chức vào ngày mùng 2 và kể cả ông cũng kêu gọi Tổng thư ký Osawa từ chức theo. Ông Osawa kể như là một "King Maker", một người sắp xếp trong bóng tối mà chúng tôi đã nói. Thì ngày mùng 4 tháng 6, chỉ hai ngày sau thôi họ sẽ họp đại hội đảng, tức là ngày mai, để bầu người mới, và có thể là ông Kan cho tới bây giờ là một trong những nhân vật cũng đã từng làm bộ trưởng thì cũng đã tuyên bố sẽ ra tranh chức chủ tịch đảng, và có nhiều phần chắc là ông này sẽ đắc cử. Thì khi ông đắc cử chủ tịch của Đảng Dân Chủ vào ngày mùng 4 thì ngay ngày hôm đó coi như Hạ Viện và Thượng Viện sẽ bầu để thông qua, thì có nhiều phần chắc là họ sẽ thông qua tại Hạ Viện, còn trên Thượng Viện thì có thể là 50/50 hoặc là có thể không được thông qua mà trả xuống Hạ Viện thì cuối cùng Hạ Viện quyết định chung cuộc thì cũng sẽ được thông qua. Thành ra có nhiều phần là ông Kan sẽ lên làm thủ tướng thay thế.
Việt Long: Tức là liên minh chính trị giữa Đảng Dân Chủ và Tân Đảng Nhân Dân vẫn giữ chính quyền?
Đỗ Thông Minh: Vẫn là đảng nắm quyền nhưng mà sẽ rất là khó khăn trước tình hình như bây giờ.
Việt Long: Xin trân trọng cảm tạ ông Đỗ Thông Minh.
Đỗ Thông Minh: Xin cảm ơn.
Theo dòng thời sự:
- Ngoại trưởng Kurt Campell sẽ đến Nhật và Hàn Quốc
- Mỹ-Nhật không mâu thuẫn vì căn cứ Mỹ ở Okinawa
- Mỹ hối thúc Nhật việc di chuyển căn cứ không quân Mỹ
- Mỹ thúc đẩy Nhật hợp tác giải quyết căn cứ không quân Futenma
- Nhật: dời căn cứ không quân Mỹ ở Okinawa sang Guam là vô lý
- Nhật Bản hoãn di chuyển căn cứ không quân Hoa Kỳ
- Nhật duyệt xét lại thỏa ước quân sự với Mỹ
- Quan hệ Mỹ Nhật vẫn tốt đẹp
- Nhật Bản vẫn chưa quyết định về tình trạng căn cứ Mỹ ở Okinawa