Thắng lớn của Đảng Dân Chủ tại Nhật

Đảng Dân Chủ đối lập chiếm tới khoảng từ 65% đến 70% số phiếu bầu Quốc Hội Nhật Bản, tạo một chiến thắng lịch sử, loại trừ Đảng Dân Chủ Tự Do khỏi vị thế cầm quyền trong hơn 50 năm qua tại xứ sở Phù Tang.
Việt Long, Biên tập viên đài RFA
2009.08.31
Ông Yukio Hayotoma Ông Yukio Hayotoma, chủ tịch Đảng Dân Chủ gắn những bông hoa chiến thắng lên bảng theo dõi diễn biến bấu cử tại Bộ chỉ huy của Đảng
AFP photo

Chủ tịch Đảng Dân Chủ, ông Yukio Hayotoma, tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp Lãnh Hải Phía Bắc với Liên Bang Nga, sau khi lên làm Thủ Tướng.  

Dân Nhật muốn có một sự thay đổi

Từ Tokyo, nhà quan sát thời cuộc và chính trị, ông Đỗ Thông Minh, tường trình sự kiện lịch sử này tại Châu Á cùng quý thính giả:

Ông Đỗ Thông Minh : Đã kiểm gần hết rồi, chỉ còn có 35/480 ghế thôi, coi như kiểm được chín mươi mấy phần trăm rồi, chắc chắn rồi.

Việt Long : Dạ. Kết quả như thế nào ạ? Bao nhiêu ghế cho đảng đối lập?

Ông Đỗ Thông Minh : Dạ vâng. Hiện tại thì đảng đối lập là 296 ghế, và Đảng Tự Do Dân Chủ là 108 ghế, nhưng mà còn 35 ghế chưa có kiểm thì nếu 35 ghế này chia ra thì có nhiều phần chắc là Đảng Dân Chủ sẽ vượt trên 300 (ghế), và vượt trên 300 (ghế) như vậy là chiếm khoảng 65% số ghế của một mình Đảng Dân Chủ không thôi, và trên tổng số là 480 ghế.

Hiện tại thì đảng đối lập là 296 ghế, và Đảng Tự Do DC là 108 ghế, nhưng mà còn 35 ghế chưa có kiểm thì nếu 35 ghế này chia ra thì có nhiều phần chắc là Đảng DC sẽ vượt trên 300 (ghế), và vượt trên 300 (ghế) như vậy là chiếm khoảng 65% số ghế của một mình Đảng DCkhông thôi, và trên tổng số là 480 ghế

Việt Long : Dạ vâng. Thưa ông Đỗ Thông Minh, theo công luận ở Nhật cũng như theo ý kiến của ông thì nguyên do nào đã đưa đến sự thất bại nặng nề của Đảng Tự Do Dân Chủ đang cầm quyền tại Nhật như vậy ạ?

Ông Đỗ Thông Minh :  Nguyên nhân mà đảng này và coi như kỳ này thất bại nặng nề là bởi vì đảng này thành lập từ năm 1955 đến giờ, coi như là đã nắm quyền gần như là 54 năm, trong quảng thời gian đó chỉ bị mất quyền một thời gian rất ngắn thôi.

Thì bất cứ một tổ chức nào hay một cơ cấu chính trị nào nếu mà nắm quyền lâu ngày quá thì nó sẽ sinh ra những tệ hại, những vấn đề bè phái, móc ngoặc, thí dụ như những vụ thầu xây cất chẳng hạn như vậy, và đôi khi nó cũng lâu quá rồi thì đâm ra ỷ lại, và cái tư duy -nói theo kiểu Việt Nam-  là bị "xơ cứng", không còn cái gì mới mẻ nữa. Thành ra trong cái tình hình kinh tế khó khăn này thì hiện tại là Thủ Tướng Taro Aso đã không đưa ra một biện pháp nào mà có thể thuyết phục được dân chúng cả, cho nên dân chúng cũng đã ủng hộ đảng này là 54 năm (thì) bây giờ cũng cảm thấy quá mệt mỏi và họ muốn có một luồng không khí mới.

 Và như chúng tôi đã trình bày, nó cũng rất giống như cuộc tuyển cử cuối năm vừa rồi ở bên Hoa Kỳ, người ta cũng quá mệt mỏi với Tổng Thống Bush và người ta dồn phiếu cho Tổng Thống Obama.

Cuộc cách mạng để tận diệt tham nhũng hối lộ

Việt Long : Thưa, ông có nói đến lập truờng của Đảng Dân Chủ, là đảng sắp lên cầm quyền, là chống lại những vụ tham nhũng, móc ngoặc với giới kinh doanh, và kể cả những vụ đấu thầu cho chính phủ nữa, thì lập trường này có đem lại sự cứng rắn nào hơn so với đảng cầm quyền trước đối với những vụ đấu thầu ở ngoại quốc, ví dụ như ở Việt Nam, hay không ?

Ông Đỗ Thông Minh : Nếu mà nói về căn bản thì đứng ở phía đối lập khi nhìn đảng cầm quyền mà có những hành vi móc ngoặc và tham nhũng như vậy thì đương nhiên là khi họ nói thì họ rất là cương quyết và họ muốn diệt những cái tệ nạn đó.

Thí dụ như là trong vấn đề chính trị thì chúng ta cũng biết là các đoàn thể, các tổ chức thường thường họ có đóng góp tiền, bên Nhật gọi là hiến kim chính trị, thì đối với Đảng Dân Chủ họ chủ trương là dẹp bỏ luôn hoàn toàn chuyện đó, tức là không cho các tổ chức - đoàn thể đóng góp về tiền bạc, bởi vì một khi họ đã đóng góp thì người nhận tiền chắc chắn là phải ít nhiều phải chìều theo ý của những nơi đóng góp, cho nên họ cương quyết về vấn đề này.

Đảng Dân Chủ họ chủ trương là dẹp bỏ luôn hoàn toàn chuyện đó, tức là không cho các tổ chức - đoàn thể đóng góp về tiền bạc, bởi vì một khi họ đã đóng góp thì người nhận tiền chắc chắn là phải ít nhiều phải chìều theo ý của những nơi đóng góp, cho nên họ cương quyết về vấn đề này.

Và trong vấn đề nữa là chúng ta cũng thường thấy ở bên Nhật nó có một cái văn hoá, tức là ở trên, các cơ quan bộ ngành này kia, các công chức cao cấp thì khi họ lớn tuổi hoặc là họ về hưu, thì họ hay xuống làm việc ở các công ty.

Và khi họ làm việc ở các công ty, thí dụ một nhân viên của Bộ Công Chánh, họ xuống họ làm việc cho các công ty thì coi như họ nắm vững tất cả tình hình của Bộ Công Chánh cho nên họ sẽ là cái đầu mối móc ngoặc rất là thuận tiện.

 Đó là một trong các cách làm việc của người Nhật, mà ở các nước khác thì tôi nghĩ cũng có nhưng mà không đáng kể. Nhưng mà người Nhật cái chuyện gọi là "thiên hạ" tức là từ trên, từ những cơ quan công quyền, mà sau này về hưu bước xuống làm cố vấn cho các cơ quan - tổ chức tư thì họ nhận những thù lao rất lớn mà chỉ mang danh là cố vấn nhưng mà thực ra đều coi như "lobby" để có thể trúng những vụ thầu.

Thành ra Đảng Dâ Chủ cũng chủ trương là phải tận diệt cái chuyện này thì mới mong có hy vọng là bớt đi nạn tham nhũng.

Việt Long : Và cũng bao gồm cả những vụ tham nhũng, móc ngoặc do giới kinh doanh của Nhật thực hiện ở các nuớc ngoài, phải không ạ ?

Ông Đỗ Thông Minh : Dạ vâng. Thì một khi họ đã thanh lọc cả guồng máy thì nó bao gồm cả quốc nội và quốc ngoại.

Việt Long : Thưa, bên cạnh đó thì chính sách về viện trợ cho Châu Á và nhất là Đông Nam Á của Đảng Dân Chủ sắp lên cầm quyền so với Đảng Tự Do Dân Chủ sắp xuống chức, thì có gì thay đổi hay là có gì khác biệt không ạ?

Ông Đỗ Thông Minh : Dạ vâng. Về chuyện thay đổi hay không thực ra thì về vấn đề đối ngoại với các nước thì họ cũng chưa nêu lên rõ ràng, thành ra mình cũng không thể biết chắc là nó sẽ thay đổi như thế nào. Nhưng mà thông thường về mặt cạnh tranh với Trung Quốc thì có lẽ họ vẫn giữ như cái mức hiện tại để có thể đủ cái lực để cạnh tranh đôi với Trung Quốc. Hai bên đều muốn ôm lấy Khối ASEAN, tạo ảnh hưởng như vậy ạ.

Thông thường ra khi chưa nắm quyền nói thì dễ, đến lên nắm quyền rồi thì thứ nhất là vấn đề thực tế, thứ hai có thể phần nào là do áp lực từ phía Hoa Kỳ, và vì cái vận mạng của nước Nhật cho nên đến khi họ lên nắm quyền thì họ cũng phải điều chỉnh cho nó thực tế, chứ không phải hoàn toàn một cách lý tưởng.

Lý tưởng và thực tế

Việt Long : Thưa ông Đỗ Thống Minh, được biết rằng Đảng Dân Chủ sắp lên cầm quyền tại Nhật thì có một lập truờng gọi là độc lập hơn đối với Hoa Kỳ, cũng như có một lập trường được coi như tích cực hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, thế thì cái chính sách trong tương lai sắp tới của Đảng Dân Chủ có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, đặc biệt là mối liên minh quân sự giữa Mỹ với Nhật hay không ạ?

Ông Đỗ Thông Minh : Thực ra thì trong quá khứ thời ông Budayama - tức là Đảng Xã Hội, cũng là đảng đối lập họ đã lên nắm quyền, nhưng mà thông thường ra khi chưa nắm quyền nói thì dễ, đến lên nắm quyền rồi thì thứ nhất là vấn đề thực tế, thứ hai có thể phần nào là do áp lực từ phía Hoa Kỳ, và vì cái vận mạng của nước Nhật cho nên đến khi họ lên nắm quyền thì họ cũng phải điều chỉnh cho nó thực tế, chứ không phải hoàn toàn một cách lý tưởng.

Nói chuyện độc lập thì ai cũng có thể nói được nhưng mà vớ tới cái chuyện quan hệ phức tạp về vấn đề an ninh hỗ tương giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, đặc biệt như chúng ta biết Nhật Bản không có những vũ khí lớn, không có những vũ khí hoả tiễn, và không đủ sức để chống trả nếu có sự tấn công của Trung Quốc hoặc là Bắc Triều Tiên thì lúc đó Hoa Kỳ sẽ là cái dù che chở cho Nhật Bản, cho nên đứng trên mặt thực tế thì đôi khi họ vẫn phải chấp nhận những sự hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, chứ không phải là có thể tách hẳn ra khỏi Hoa Kỳ được.

Việt Long : Thưa, ông thủ tướng tương lai là ông Hatoyama vừa mới tuyên bố rằng ông ấy không có ở vị thế để mà quyết định về vấn đề nhân sớm, vậy câu tuyên bố này có ý nghĩa như thế nào?

Ông Đỗ Thông Minh : Dạ có lẽ là bởi vì, thực ra thì trước đó, cách đây có vài tháng thôi, ông Osawa là Chủ Tịch Đảng nhưng ông Osawa là người có thể nói là có thế lực mạnh nhất nhưng lại cũng vẫn để lem nhem về vấn đề tiền bạc, tức là ông bí thư của ông ta đã nhận những số tiền cũng là những hiện kim rất lớn.

Đến đây nó lại có chuyện là thường thường các ông lớn sẽ có hai bí thư công thiết, tức là hai bí thư do chính phủ trả tiền, ngoài ra nếu cần thêm thì có thể thuê thêm một số bí thư nữa, thì chính những người bí thư này là những người đi làm những việc mà các ông nghị sĩ - dân biểu lớn không thể trực tiếp làm được, thành ra bên đây lại hay bắt tội những ông bí thư là vấn đề khai thuế, khai cái tiền hiến kim chính trị, một cách không đúng, thành ra vừa rồi coi như một ông bí thư đã bị bắt và đồng thời ông Osawa phải nhường chức chủ tịch cho ông Hatoyama bây giờ, cho nên trong thực tế thì ông Osawa vẫn là người có quyền .

Và lại, thứ hai nữa là ông ông Hatoyama cũng mới lên và trong đảng cũng có một số nhân vật rất là kỳ cựu, cho nên điều ông (Hatoyama) nói có thể là cái lối của họ tức là họ đứng ra họ bàn luận với những người ngang hàng với mình để chọn người, thay vì như trường hợp ông Koizumi cách đây chừng 3 năm thì ông Koizumi lên làm thủ tướng, trong vòng có 5 phút là ông lập nội các chứ ông không phải hỏi ai cả, thì nó có cái khác biệt như vậy đấy.

Kỳ này thất bại quá nặng nề, tức là trước kỳ bầu cử thì Đảng Tự Do Dân Chủ chiếm 300 ghế và hiện tại cho tới giờ phút này thì mới có 109 ghế, tức là nhiều lắm thì họ lên tới 115 hay 120 ghế thôi, mất tới 70% , thành ra vì vậy cho nên coi như chủ tịch đảng sẽ chịu trách nhiệm và từ chức.

Ông Taro Aso sẽ từ chức  Chủ tịch Đảng?

Việt Long : Vâng. Thưa câu hỏi cuối cùng là ông Taro Aso sắp trở thành cựu thủ tướng có tuyên bố rằng đảng cần phải tổ chức bầu cử sớm để chọn người lãnh đạo mới, điều đó có nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Thông Minh : Dạ vâng. Thông thường ở Nhật khi mà bầu cử Hạ Viện mà thất bại, nhất là thất bại nặng nề thì người thủ tướng họ từ chức. Bên Nhật này cái chuyện từ chức rất là thường, không như là bên Hoa Kỳ theo tổng thống chế thì cứ coi như 4 năm một lần thì sự thay đổi bất thường ít khi xảy ra, nhưng bên Nhật này thì cái nhiệm kỳ từ xưa tới giờ của Đảng Tự Do Dân Chủ thì người chủ tịch đảng là 3 năm, cho nên cái chuyện bầu thủ tướng cũng bị ảnh huởng bởi cái đó.

Nhưng mà như trường hợp bây giờ chẳng hạn như vậy ông Aso mới làm có được một năm mà tới kỳ bầu cử rồi mà ông thất bại thì thường thường người Nhật coi như thủ tướng đứng ra chịu trách nhiệm. Và nhất là kỳ này thất bại quá nặng nề, tức là trước kỳ bầu cử thì Đảng Tự Do Dân Chủ chiếm 300 ghế và hiện tại cho tới giờ phút này thì mới có 109 ghế, tức là nhiều lắm thì họ lên tới 115 hay 120 ghế thôi, tức là coi như mất cũng là khá nhiều, mất tới 70% lận, thành ra vì vậy cho nên coi như chủ tịch đảng sẽ chịu trách nhiệm và từ chức. Và khi ông từ chức như vậy thì đảng sẽ phải bầu tân chủ tịch. Đó là cái ý của ông Aso là như vậy. Chắc chắn là ông sẽ từ chức.

Việt Long : Chúng tôi xin thay lời cho quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do xin cảm ơn ông Đỗ Thông Minh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.