Năm Thánh 2010: Hòa giải và Hy vọng

Năm Thánh 2010 là dịp Giáo Hội Công giáo Hoàn vũ ban ơn toàn xá. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cũng nhắn gửi thông điệp hoà giải đến Chính quyền Việt Nam.

0:00 / 0:00

Cộng đồng giáo dân Việt Nam hy vọng giải quyết những tranh chấp về đất đai tài sản của Giáo hội với chính quyền theo lời mời gọi của Thiên Chúa.

Việt Hà nói chuyện với linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà, Hà nội, một điểm nóng tranh chấp đất đai bùng lên hồi năm ngoái liên quan đến vấn đề này.

Thông điệp hoà giải

Khoảng 70,000 giáo dân và nhiều giám mục, linh mục, và nam nữ chủng sinh đến từ ba miền đất nước đã đổ về Giáo xứ Sở Kiện để dự đêm khai mạc lễ hội Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam vào ngày 24 tháng 11 vừa qua, giữa lúc những tranh chấp về đất đai và tài sản giữa Giáo hội và chính quyền Việt Nam vẫn còn đang âm ỉ.

Bài giảng thánh lễ trong đêm khai mạc Năm Thánh của Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh do Giám mục Giuse Vũ văn Thiên đọc có lời như sau:

"Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi với tất cả những ai, cách này hay cách khác, đã không hài lòng về người Công giáo và Giáo hội Công giáo. Đã đến lúc người Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và quyền lợi.

Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia xẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng tương lai”

Nói về những thông điệp được đưa ra trong bài giảng của Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Linh mục Nguyễn Văn Khải, Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội cho biết:

“Tôi thấy phần cuối là tác giả đã rất can đảm và thẳng thắn. Chúng tôi thấy đấy là những lời rất hay. Theo tôi hiểu thì Giáo hội luôn có vai trò Ngôn Sứ, và những lời đó của Đức cha Nguyễn Chí Linh trong lễ khai mạc Năm Thánh là cho thấy Giáo hội đang thi hành xứ mệnh Ngôn Sứ của mình.

Chúng tôi thấy đấy là những lời kêu gọi hết sức thống thiết và chân thành và lời ấy được gửi tới mọi cá nhân tập thể trên đất nước Việt Nam.

Một cách khách quan khác, thì những lời ấy đặc biệt được gửi đến những cá nhân và tập thể đang có nhiều đặc quyền đặc lợi và đang đặc quyền nắm giữ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đến nỗi loại trừ hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các cá nhân và cộng đồng khác. Và vì thế nó khiến cho Việt Nam suy yếu và giới trẻ mất tin tưởng bước vào tương lai.”

Giáo xứ Thái Hà thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, là nơi có cuộc tranh chấp đất đai xảy ra vào cuối năm 2007 và cho đến giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tranh chấp bắt đầu khi các giáo dân ở đây đòi quyền sử dụng khu nhà đất tại 178 phố Nguyễn Lương Bằng.

Tháng 1 năm 2008, Linh mục Trịnh Ngọc Hiên đã gửi đơn lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đòi quyền sử dụng đất tại khu vực này. Nhưng sau đó chính quyền thành phố khẳng định là việc khiếu nại này không có cơ sở giải quyết.

Chính quyền Thành phố Hà nội nói rằng Cố Linh mục Vũ Ngọc Bích hồi năm 1961 đã ký biên bản bàn giao khu đất đó cho Nhà nước.

Trong khi đó các giáo dân Thái Hà cho rằng các giấy tờ và biên bản mà thành phố đưa ra là bịa đặt, và linh mục Vũ Ngọc Bích chưa bao giờ ký kết những văn bản như vậy.

Chúng tôi được mời gọi để hòa giải chứ không phải để khuất phục trước các thế lực, sự dữ, trước các bất công, trước việc cá lớn nuốt cá bé

LM Nguyễn văn Khải

Cũng từ đó, trong nhiều tháng trời suốt từ tháng 11 năm 2007 cho đến năm nay, các giáo dân Giáo xứ Thái Hà liên tục đấu tranh đòi lại khu đất này bằng cách đập đổ khu tường bao quanh khu đất, dựng tượng Đức Mẹ trên khu đất, tổ chức các buổi cầu nguyện.

Cho đến giờ mặc dù mọi việc dường như đã lắng dịu nhưng tranh chấp tại khu đất này vẫn chưa đi đến hồi kết.

Hy vọng

Nhân dịp Năm Thánh, Năm của Hòa giải và Hy vọng, Linh mục Nguyễn Văn Khải nói về suy nghĩ của ông liên quan đến việc giải quyết tranh chấp đất đai ở Thái Hà:

“Chúng tôi được mời gọi để hòa giải chứ không phải để khuất phục trước các thế lực, sự dữ, trước các bất công, trước việc cá lớn nuốt cá bé, hình thức lấy thịt đè người.

Cái đó tùy thuộc vào thái độ của chính quyền đối với chúng tôi. Vấn đề là chính quyền có tôn trọng công lý và sự thật hay không. Chính quyền có tôn trọng tự do tôn giáo hay không. Chính quyền có tôn trọng quyền lợi của cộng đồng linh mục tu sĩ và giáo dân Thái hà hay không.

Tùy thuộc vào thái độ ứng xử của chính quyền mà chúng tôi phải biết đáp lại thế nào cho đúng, đúng với tư cách là một công dân và tín hữu Công giáo.”

Trước thông điệp hòa giải của Giáo hội, ông Bùi Hữu Dược, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết quan điểm của Chính quyền Việt Nam như sau:

“Truyền thống và đạo lý của Dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết nhân ái và bao giờ cũng mở lòng bao dung. Chúng ta không hề có sự phân biệt, và không bao giờ để lại ấn tượng không tốt nếu người bên cạnh chúng ta đã biết nhận lỗi, biết lỗi và sửa lỗi.

Người Việt Nam chúng ta đánh nhau, sau khi đánh xong còn cho ngựa đi bộ, thuyền đi sông về nước, thì lý gì những người đồng bào, những người anh em, những người gắn bó cùng với nhau trong ngày hôm nay người ta nhận lỗi chúng ta không bao dung không hoan hỉ, không thực hiện theo truyền thống tốt đẹp đó.”

Tuy nhiên khi được hỏi về hướng giải quyết sắp tới cho các tranh chấp đất đai giữa Giáo hội và chính quyền trong đó có Thái hà, thì ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ, đã từ chối trả lời, nói lý do là đang rất bận và mệt mỏi.

Một trong những vấn đề nhức nhối trong vụ tranh chấp ở Thái hà là việc 8 giáo dân bị bắt và cáo buộc tội hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng hồi năm ngoái. Các giáo dân cho rằng họ không làm gì trái pháp luật. Nhân dịp Năm Thánh, bà Lê Thị Hợi, một trong 8 giáo dân nói về suy nghĩ của mình:

"Chúa bảo mình là phải tha thứ không phải 7 lần mà phải tha thứ 70 lần 7. Họ không biết việc họ làm thì mình cũng phải tha thứ để mình còn được Chúa tha thứ cho mình. Bây giờ mình chỉ có một điều ao ước làm sao chính quyền mình nhận được ra, trả lại cho công lý và sự thật thôi, chứ cũng không ước ao gì hơn.”

Lại một mùa Giáng sinh nữa đang đến gần, Giáo xứ Thái Hà lại đang bận rộn chuẩn bị đón ngày lễ lớn hàng năm của Công giáo. Năm nay, các giáo dân ở đây không chỉ vui mừng chào đón Đại Lễ Giáng Sinh mà còn cả Năm Thánh 2010.

Mặc dù còn nhiều vấn đề trong các tranh chấp với chính quyền vẫn chưa được giải quyết, họ vẫn còn hy vọng: Niềm hy vọng vào Thiên Chúa.