Tổ chức Khmer Krom xin cho người tị nạn được ở lại Thái Lan

Lãnh đạo một tổ chức Khmer Krom kiến nghị chính quyền Thái tiếp tục cho người tị nạn Khmer Krom từ đồng bằng sông Cửu Long được ở lại Thái Lan. Đồng thời tin tưởng rằng việc đàm phán với chính quyền Thái dễ dàng hơn so với chính quyền Phnom Penh và Hà Nội.
Thông tín viên Nguyễn Bình, RFA
2009.06.21
montagnard062308-305.jpg Lo sợ bị trả về Việt Nam, nhiều người Thượng đã tìm cách trốn khỏi trại tị nạn của UNHCR ở Campuchia, chạy sang Thái Lan cầu cứu.
RFA PHOTO

Từ Campuchia, thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau:

Lãnh đạo tổ chức bảo vệ nhân quyền Khmer Kampuchea Krom tại thủ đô Phnom Penh nói rằng họ đang vận động cơ quan ngoại của hai nước Campuchia và Thái Lan xin cho 61 người tị nạn Khmer Krom đang bị cảnh sát Thái bắt giữ được tiếp tục ở lại Thái Lan.

Trục xuất về Campuchia

Ông Ang Chanrith, Giám đốc tổ chức bảo vệ nhân quyền Khmer Kampuchea Krom nói vào chiều ngày 18 tháng 6 rằng theo thông tin cuối cùng mà tổ chức ông nhận được, toàn bộ 61 người Khmer Krom từ đồng bằng sông Cửu Long đang xin tị nạn tại Thái Lan vẫn bị tạm giam trong tù, với cáo buộc nhập cư bất hợp pháp vào Thái Lan. Và có thông tin cho rằng chính quyền Thái sẽ trục những người tị nạn này về Campuchia.

Do đó mấy ngày qua, tổ chức ông tiếp xúc với đại sứ quán Campuchia tại Thái Lan và chính quyền Thái xin cho những người Khmer Krom này được tị nạn tại Thái Lan.

Theo ông Ang Chanrith, trong số 61 người tị nạn nói trên, có 5 người đã được văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp Quốc (UNHCR) tại Thái Lan cấp qui chế tị nạn chính trị, và chỉ chờ ngày đi định cư ở nước thứ 3.

Nguyên nhân xin tị nạn

Về nguyên nhân sang Thái Lan xin tị nạn chính trị, ông Ang Chanrith cho rằng một số người này từng tham gia biểu tình gần đại sứ quán Việt Nam hồi năm 2007. Sau đó bị chính quyền địa phương của Campuchia hăm dọa, và đặc biệt sau khi một vị sư Khmer Krom tham gia biểu tình tên là Ieng Sok Thuon bị ám sát, họ trốn sang Thái Lan xin các tổ chức quốc tế bảo vệ.

Đồng thời cũng có một số người từng tham gia biểu tình ở miền Nam Việt Nam, sau đó trốn sang Campuchia. Sau khi bị UNHCR tại đây từ chối cấp qui chế tị nạn chính trị, họ tiếp tục trốn sang Thái Lan.

Ông Om Dintieng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhân quyền thuộc chính phủ Campuchia nói rằng chính quyền Bangkok đã thông báo sẽ trục xuất những người Khmer Krom này về Campuchia, vì họ nhập cư vào Thái Lan bất hợp pháp. Đồng thời ông khẳng định rằng những người này sẽ được đối xử như công dân bình thường nếu họ về Campuchia.

Ông Ang Chanrith, hoan nghênh lời phát biểu của ông Om Dintieng, trong cương vị là quan chức cao cấp, nhưng ông không tin chính quyền địa phương sẽ đối xử với cộng đồng Khmer Krom nói chung và nhóm người tị nạn này nói riêng như là công dân bình thường.

Theo ông những hiểu lầm về cộng đồng Khmer Krom như là “vấn đề nhy cảm”, “đòi ly khai” hay “phá hoại bang giao với Việt Nam” mà cấp trên tuyên truyền theo kiểu nói chơi, còn cấp dước làm thật, như vụ bắt cóc nhà sư Tim Sakhorn là một minh chứng, đang cản trở cộng đồng này hội nhập với xã hội Campuchia.

Còn nếu người tị nạn được ở lại Thái Lan, theo ông Ang Chanrith dù sao cũng dễ nói chuyện với chính quyền nước này hơn, vì có chung nền văn minh.

Đối với nhà sư Tim Sakhorn, người gốc Khmer Nam bộ từng bị Tăng hoàng Tep Vong và Noun Nghet của Campuchia buộc hoàn tục với cáo buộc phá hoại bang giao với Việt Nam, và bị bắt cóc đem đi bỏ tù ở Việt Nam hết một năm. Nay ông cũng đang tị nạn tại Thái Lan, được xuất gia trở lại và được lãnh đạo Phật giáo Thái Lan phong bậc tùy khưu, tương đương với cấp bậc tu hành của ông trước khi bị buộc hoàn tục.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.