Những bước tiến của Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS

Trong các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc còn gọi tắt là MDG, phòng chống HIV/AIDS được cho là đã có những bước tiến đáng kể và có khả năng đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2015.

0:00 / 0:00

Khoa Diễm có bài phỏng vấn về những diễn biến hiện tại và tính khả thi của dự án này với ông Eamonn Merphy, trưởng đại diện UNSAIDS, một tổ chức để tìm hiểu thêm.

Những bước tiến vượt bậc

Khoa Diễm:

Thưa ông Merphy, với cương vị là Trưởng đại diện của UNAIDS, xin ông cho biết chương trình phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam hiện tại ra sao?

Eamonn Merphy:

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Hơn 50% những bệnh nhân nhiễm bệnh có thể tiếp cận các loại thuốc cần thiết, có nghĩa là đã tăng ¾ trong 2 năm vừa qua. Những dịch vụ phòng chống bệnh cũng tăng không kém.

Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Hơn 50% những bệnh nhân nhiễm bệnh có thể tiếp cận các loại thuốc cần thiết, có nghĩa là đã tăng ¾ trong 2 năm vừa qua.

Ô. Eamonn Merphy<br/>

Mục tiêu cho năm 2015 là sẽ có 80.000 người được tiếp cận methadone, một dạng chữa trị cho những người nghiện heroin, là một trong những nguyên do chính gây lây lan HIV vì sử dụng kim chích chung với nhau.

Ngoài ra, các chương trình như sử dụng bao cao su để phòng ngừa lây lan cũng được loan truyền rộng rãi trong các cộng đồng. Dù nhà nước Việt Nam có những cố gắng nhưng con đường đến được mục tiêu của MDG cũng còn rất dài.

Khoa Diễm: Vậy còn vấn đề truyền bệnh từ mẹ sang con thì sao?

Eamonn Merphy: Mẹ truyền bệnh cho con được xem là một vấn đề quốc gia nhưng chỉ có một nhóm trong xã hội có nguy cơ nhiễm bệnh lớn hơn các nhóm khác và đây là một thách thức lớn cho chúng tôi vì vấn đề là rất nhiều người mang thai mà không biết mình đã bị nhiễm bệnh nên không có các phòng ngừa hay chuẩn bị những hiểu biết cần thiết.

Những trường hợp như thế này thường xảy ra vì chính những người đàn ông mà họ có quan hệ tình dục cũng không biết họ đã bị nhiễm bệnh. Chỉ khi nào họ đến khám thai thì mới phát hiện ra là họ có HIV dương tính. Một số rất lớn các bà mẹ Việt Nam không đến khám thai kỳ tại các bệnh viện mà sử dụng các bà mụ tại địa phương.

Nhắm đúng đối tượng là một việc khó khăn cho tổ chức chúng tôi. Tại các thành phố lớn thì việc này dễ dàng hơn đôi chút nhưng tại những vùng quê thì đây quả là một việc đầy thách thức.

Một bệnh nhân HIV đến cơ sở điều trị Methadone ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Photo courtesy of unaids.org.vn
Một bệnh nhân HIV đến cơ sở điều trị Methadone ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Photo courtesy of unaids.org.vn

Khoa Diễm: Theo ông, những thành kiến về căn bệnh thế kỷ của người Việt Nam có là một khó khăn cho UNSAIDS trong việc tiếp xúc và quảng bá các cách phòng chống không? Tổ chức có những phương án gì để kiến thức về AIDS được hiểu biết rộng rãi hơn?

Eamonn Merphy: Việt Nam đang có những thách thức mà nhiều nước khác đã gặp phải. Trong thời gian đầu, có những chiến dịch quảng bá rầm rộ và phần nào làm người dân sợ hãi khi họ không hiểu rõ vấn đề.

Chúng tôi đang có những chiến dịch phòng chống và nâng cao hiểu biết cho người dân để họ thấy rằng những cách phòng chống đơn giản nhưng đúng đắn sẽ có những công dụng tốt. Đồng thời giảm được những áp lực xã hội để người nhiễm bệnh có can đảm hơn khi đến các trung tâm y tế để nhận sự trợ giúp.

Những khó khăn

Khoa Diễm: Thưa ông, tài chánh luôn là một vấn đề nan giải cho những tổ chức như UNSAIDS vì tiền quỹ đến từ nhiều nguồn khác nhau, theo chúng tôi biết thì chương trình này có sự trợ giúp rất nhiều từ quốc tế, liệu Việt Nam có khả năng tiếp tục những chương trình đang có về phòng chống HIV/AIDS khi số tiền từ các quỹ quốc tế giảm hay không còn nữa?

Eamonn Merphy: Một trong những khó khăn của Việt Nam khi muốn đạt được mục tiêu MDG về phòng chống HIV/AIDS là 90% số tiền quỹ đến từ những tổ chức quốc tế và vì Việt Nam có những thành công về kinh tế nên đất nước này đang dần trở thành một quốc gia có số thu nhập trung bình trong tầm nhìn của thế giới.

Một số tổ chức đã rút lại các khoản viện trợ cũng như cắt giảm một phần nào đó số tiền đóng góp của họ cho các trương trình xã hội tại Việt Nam. Điều này sẽ là trở ngại lớn cho Việt Nam.

Ô. Eamonn Merphy

Khi việc này xảy ra, một số tổ chức đã rút lại các khoản viện trợ cũng như cắt giảm một phần nào đó số tiền đóng góp của họ cho các trương trình xã hội tại Việt Nam. Điều này sẽ là trở ngại lớn cho Việt Nam nếu họ không bắt đầu tìm những nguồn tài trợ từ trong nước để lấp vào khoảng trống đó.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam phải nhanh chóng tìm được nguồn tài chánh cũng như thực hiện những chương trình phòng chống mà họ đang thực hiện.

Khoa Diễm: Vậy có nghĩa là 10% kia là do chính phủ Việt Nam tài trợ?

Eamonn Merphy: Vâng, 10% đó phần lớn là do nhà nước Việt Nam cung cấp nhưng cũng có những quỹ hội tư nhân hay gia đình đóng góp. Điều này cho thấy trong những năm sắp tới nhà nước phải làm quen và bắt đầu gánh vác nhiệm vụ lớn lao này mà trong thời gian qua đã được sự giúp đỡ của các tổ chức thế giới.

Nếu họ bắt đầu từ bây giờ cho những chương trình phòng chống thì cứ mỗi một đồng chi ra cho việc phòng bệnh, trong tương lai họ sẽ tiết kiệm được 8 đồng chữa bệnh. Các chương trình phòng chống HIV/AIDS là một then chốt quan trọng.

Khoa Diễm: Theo ông cơ hội Việt Nam đạt được mục tiêu MDG vào năm 2015 có cao không?

Eamonn Merphy: Việt Nam có thể làm được điều này. Việt Nam có khả năng tiếp nhận những chương trình như thế này và đã từng làm được trong quá khứ với những chương trình khác. Tôi tin là Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu.

Khoa Diễm: Xin cám ơn Ông đã trả lời phỏng vấn RFA.