Làm sai nhưng khi nào sửa?

Viện Nghiên cứu Phát triển – gọi tắt là IDS, một trong những cơ quan tư nhân đầu tiên chuyên nghiên cứu về tương quan giữa chính sách với phát triển tại Việt Nam để đưa ra các khuyến nghị - đã tuyên bố tự giải tán ngay vào thời điểm Quyết định 97 có hiệu lực.
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009.10.03
Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Độc lập, IDS Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Độc lập, IDS
photo from vnids.com

Quyết định 97 – một văn bản pháp quy - không những giới hạn “lĩnh vực” các viện nghiên cứu tư nhân được hoạt động mà còn cấm các cơ quan, tổ chức nghiên cứu công bố rộng rãi ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách.

Nửa tháng đã trôi qua kể từ khi IDS tuyên bố tự giải tán, song các ý kiến phản biện Quyết định 97 vẫn chưa chấm dứt. Trong vài ngày qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu thành viên của IDS đã tiếp tục gửi các thư cho một số nơi, một số người liên quan đến Quyết định 97...

Các thư này đề cập đến những vấn đề gì. Trân Văn phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, chúng tôi được biết ngày 27 tháng 9, ông có gửi cho ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp một Thư ngỏ, đề nghị ông Cường kiến nghị với Thủ tướng hủy bỏ Quyết định 97. Ông có thể tóm tắt cho thính giả chúng tôi biết vì sao ông đề nghị như thế không ạ?

Quyết định 97 vi phạm luật pháp

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Thật sự kiến nghị này của tôi cũng chỉ là tiếp tục kiến nghị trước kia của IDS mà thôi. Trước kia, khi mà Quyết định 97 chưa có hiệu lực pháp luật thì chúng tôi kiến nghị với Thủ tướng là nên hoãn lại thì nó sẽ hay hơn, nhẹ nhàng hơn. Rất đáng tiếc là lời khuyên của chúng tôi đã không được chấp nhận. Quyết định đó đã có hiệu lực và khi nó có hiệu lực rồi thì chúng tôi vẫn thấy rằng Quyết định này có rất nhiều điều vi phạm về luật pháp.

Về mặt thủ tục, Quyết định 97 của Thủ tướng đã vi phạm nghiêm trọng những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong thời gian 2008 và 2009.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Trong thư gửi ông Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường ngày 27 tháng 9, tôi chỉ nêu cái sai phạm về mặt thủ tục mà thôi.

Trong công văn trước kia của ông Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời cho Viện chúng tôi, ông ấy có nói rằng Quyết định này đã được đưa ra một cách hoàn toàn đúng với pháp luật hiện hành lúc đó.

Trong thư ngỏ ngày 27 tháng 9 ấy thì tôi chỉ ra rằng không phải như vậy. Về mặt thủ tục, Quyết định 97 của Thủ tướng đã vi phạm nghiêm trọng những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong thời gian 2008 và 2009. Và vì vi phạm thủ tục như thế thì một Quyết định như thế phải được coi là vô hiệu. Tôi kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ông thừa nhận vi phạm đó và kiến nghị Thủ tướng hủy Quyết định của mình.

Tại Thư ngỏ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã trích dẫn Phụ lục các cam kết mà Việt Nam áp dụng khi gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. Phụ lục này được đính kèm trong một nghị định thư mà Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hồi cuối năm 2006.

Theo đó, Việt Nam sẽ tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của những quy phạm pháp luật mà Việt Nam dự kiến sẽ ban hành. Đồng thời sẽ đăng dự thảo của những quy phạm pháp luật đó trên Trang tin Điện tử của Chính phủ ít nhất là 60 ngày.

Sau Nghị định thư vừa kể, Việt Nam đã sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.

Khi được ủy quyền trả lời IDS, ông Hà Hùng Cường đã viện dẫn một số văn bản quy phạm pháp luật không còn hiệu lực để biện bạch cho những chi tiết mà IDS từng chỉ ra là sai phạm về mặt thủ tục.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, sau khi IDS tuyên bố tự giải tán hồi giữa tháng 9, một số tờ báo lớn ở Việt Nam đã đăng công văn do ông Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền Thủ tướng, gửi IDS từ hồi đầu tháng 9.

Tôi gửi Thư ngỏ đó là gửi qua mười tờ báo lớn, chính thống của Việt Nam. Rất đáng tiếc là không có tờ báo nào đăng Thư ngỏ đó của tôi.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Điều này, tạo ra sự ngộ nhận về việc chính quyền đã lắng nghe và có phản hồi trước sự kiện IDS tuyên bố tự giải tán. Cũng vì vậy, Thư ngỏ mới nhất, ký ngày 27 tháng 9 đã được Tiến sĩ Nguyễn Quang A gửi cho nhiều tờ báo tại Việt Nam.

Ông kể tiếp: Tôi gửi Thư ngỏ đó là gửi qua mười tờ báo lớn, chính thống của Việt Nam. Rất đáng tiếc là không có tờ báo nào đăng Thư ngỏ đó của tôi. Vì không có báo chính thức nào đăng, cho nên tôi e rằng Bộ trưởng Hà Hùng Cường chưa đọc được. Cho nên ngày hôm qua, tôi đã viết một bức thư bình thường, trích lại toàn văn Thư ngỏ đó. Tôi hy vọng rằng, bức thư được gửi bảo đảm, chắc chắn sẽ đến tay Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Tôi hy vọng là trong những ngày tới, Bộ trưởng sẽ phản hồi đối với cái thư đó của tôi!

Luật chỉ để trị dân?

Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, các đề nghị mà ông nêu trong các thư thì đều viện dẫn các qui định pháp luật hiện hành của Việt Nam, là người viết và là người gửi, ông có hy vọng các thư đó sẽ được xem xét nghiêm túc và được đáp ứng không ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi là một công dân, thi hành rất là nghiêm túc các luật, bất luận tôi nghĩ rằng, luật đó sai nhưng mà có hiệu lực thì tôi vẫn cứ phải chấp hành. Những đồng nghiệp của tôi ở Viện IDS cũng như vậy. Cho nên chúng tôi cho rằng Quyết định 97 sai nhưng khi Quyết định ấy không được hoãn, không được hủy bỏ và vẫn có hiệu lực thì chúng tôi cũng tuân thủ. Chính vì thế trước khi Quyết định đó có hiệu lực năm giờ đồng hồ, chúng tôi tuyên bố giải tán.

Còn nếu mà cơ quan ban hành ra pháp luật, cơ quan hành pháp, Toà án,... mà không tuân theo pháp luật thì lúc đó là nêu một tấm gương rất là xấu và để cho người dân thấy rằng như vậy là luật chỉ để trị dân thôi!

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tôi hy vọng rằng, Đảng CSVN, cơ quan hành pháp cao nhất của Việt Nam, các Bộ, các báo,.., chí ít cũng phải gương mẫu chấp hành luật như tôi. Nếu mà họ không phản ứng gì thì lúc đó tôi lại phải rút ra những bài học cho mình và sẽ có những bước tiến hành tiếp.

Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, trong nhiều năm qua, tại Việt Nam có khẩu hiệu là “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, ông nhận định thế nào về tính khả thi của khẩu hiệu này đối với thực tế ở Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi chỉ mong muốn rằng những người thông qua pháp luật, những người nêu ra khẩu hiệu đấy, họ phải là những người đầu tiên, họ phải là những người gương mẫu nhất thực hiện pháp luật do chính họ đề ra.

Còn nếu mà cơ quan ban hành ra pháp luật, cơ quan hành pháp, Toà án,... mà không tuân theo pháp luật thì lúc đó là nêu một tấm gương rất là xấu và để cho người dân thấy rằng như vậy là luật chỉ để trị dân thôi! Đấy là điều không thể chấp nhận được!

Trân Văn: Cám ơn Tiến sĩ đã dành thời gian cho thính giả Đài RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.