Tin mới nhất liên quan đến FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho biết, FDI trong sáu tháng đầu năm nay chưa tới 9 tỉ đô la và so với cùng kỳ năm ngoái, FDI đã giảm khoảng 77%.
Còn sự kiện mới nhất liên quan đến FDI là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xét lại việc giảm bớt quyền hạn cho các tỉnh, thành phố trong việc cấp giấy phép đầu tư cho những dự án liên quan đến FDI theo yêu cầu của Chính phủ...
Vì sao trong khi FDI đang giảm mà chính quyền Việt Nam lại có khuynh hướng hạn chế cấp giấy phép đầu tư cho những dự án liên quan đến FDI? Có vấn đề nào đáng chú ý quanh dòng vốn FDI?
Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình...
Cam kết đầu tư trên giấy
Năm ngoái, giới đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam khoảng 72 tỉ USD. Tuy nhiên trong sáu tháng đầu năm nay, khoản FDI được giải ngân chỉ khoảng 4 tỉ USD.
Ủa? Bây giờ Việt Nam làm gì có luật. Họ thích là họ làm. Họ có quyền có chức là họ làm.
Ông Nguyễn Xuân Ngữ, quận 9, TP.HCM
Đây là một bằng chứng khác minh họa cho nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khoản FDI thật sự được dùng để đầu tư vào Việt Nam mà chính quyền quen gọi là giải ngân, luôn thấp hơn rất nhiều so với khoản FDI cam kết đầu tư trên giấy, mà chính quyền vẫn lấy đó làm cơ sở để tự hào về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, cũng như khả năng thu hút đầu tư.
Chính vì say sưa với các “cam kết đầu tư”, chính quyền đã tìm nhiều cách để nâng cao những hứa hẹn về FDI trên giấy tờ, trong đó có việc mở rộng thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư.
Kể từ cuối năm 2006, chính phủ bắt đầu cho phép chính quyền các tỉnh, thành phố được cấp giấy phép đầu tư cho giới đầu tư nước ngoài.
Thu hồi đất vô tội vạ
Cũng kể từ đó, số lượng các dự án đầu tư tăng vọt. Theo sau những dự án đầu tư này là tình trạng thu hồi đất vô tội vạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, kinh tế, môi trường.
Từ năm ngoái đến nay, nhiều cơ quan hữu trách ở Việt Nam đã công bố hàng loạt thống kê đáng suy nghĩ.
Đầu tháng trước, tại hội thảo về “Chính sách pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, diễn ra ở Hà Nội, Hội Khoa học đất dựa vào báo cáo của 49/63 tỉnh thành ở Việt Nam, cho biết rằng, từ năm 2004 đến nay, đã có 750.000 héc ta đất bị thu hồi để thực hiện 29.000 dự án đầu tư. Trong hội thảo này, một giáo sư tên Tôn Gia Huyên cho biết: Việc thu hồi đất nông nghiệp trong năm năm từ 2003-2008 đã tác động đến đời sống của 627.000 gia đình với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu nông dân. Trong đó có từ 25%-30% lao động mất việc làm hoặc không còn việc làm ổn định.
Chuyện thu hồi đất ồ ạt để giao cho giới đầu tư thực hiện các dự án còn là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, gieo rắc bất bình và dẫn tới nhiều cuộc phản kháng có màu sắc bạo động.
Lúc đầu thì Việt Nam mình muốn là có đầu tư và vì thế bảo vệ môi trường có vẻ mềm hơn nhưng quá trình phát triển như thế thì chuyện suy thoái về môi trường càng ngày càng nặng nề.
Ông Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Nước và Công nghệ môi trường
Đầu tháng 9 năm ngoái, tại hội thảo về “Công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và chính sách pháp luật về sử dụng đất trong tình hình hiện nay”, được tổ chức ở TP.HCM, ông Trần Thế Vượng, một ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiết lộ: “Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 80% khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai, thậm chí, có nơi, tỷ lệ này là 90%”.
Chuyện thu hồi đất ồ ạt nhằm nâng cao con số "cam kết đầu tư" trong những báo cáo thành tích phát triển kinh tế - xã hội, bất chấp các qui định hiện hành, bất kể hậu quả, đã tạo ra nơi nhiều người bị thu hồi đất, suy nghĩ giống hệt như ông Nguyễn Xuân Ngữ, ngụ tại quận 9, TP.HCM, chủ của một trong số hơn 3.000 gia đình bị thu hồi đất cho việc thực hiện dự án "khu Công nghệ cao": "Ủa? Bây giờ Việt Nam làm gì có luật. Họ thích là họ làm. Họ có quyền có chức là họ làm. Tôi đã nói rồi là đất nhà tôi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có bồi thường, chưa có đất tái định cư. Theo luật, thu hồi đất phải thông báo cho dân biết mục đích thu hồi để làm gì, sau đó mới đưa quyết định thu hồi đất. Các bước tiếp theo là đền bù, hỗ trợ, cấp đất tái định cư, mà tôi thì chưa có cái gì, anh ạ."
Cũng tại hội thảo vừa kể, ông Trần Thế Ngọc, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường xác nhận, mỗi năm, quỹ đất nông nghiệp ở Việt Nam mất đi khoảng 50.000 héc ta, tương đương từ 400.000 đến 500.000 tấn lương thực. Do vậy, người ta không lạ gì khi giữa tháng này, Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn dự báo, năm 2020, Việt Nam chỉ đủ gạo tiêu dùng trong nội địa, chứ không còn dư để xuất khẩu nữa.
Đuổi theo FDI
Tình trạng đuổi theo FDI còn dẫn đến những quyết định hy sinh môi trường sống nhằm tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, bất chấp ô nhiễm lan tràn và càng ngày càng nghiêm trọng. Một chuyên gia môi trường, ông Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Nước và Công nghệ môi trường, nhận định: "Phải cân nhắc ở chỗ này, phát triển kinh tế phải ở mức mà có thể hài hòa với vấn đề môi trường. Lúc đầu thì Việt Nam mình muốn là có đầu tư và vì thế bảo vệ môi trường có vẻ mềm hơn nhưng quá trình phát triển như thế thì chuyện suy thoái về môi trường càng ngày càng nặng nề."
Hậu quả tạm kể là như thế, còn hiệu quả của các dự án đầu tư FDI thế nào? Giữa năm ngoái, Bộ Tài Nguyên - Môi Trường công bố kết quả một cuộc khảo sát về hiệu quả hoạt động của 12 khu công nghiệp, khu chế xuất, đang sử dụng hơn 2.000 héc ta đất. Theo đó, tỉ lệ sử dụng đất của các nơi này đều dưới 50%, thậm chí nhiều nơi dưới 10%.
Chưa kể, trong vài năm qua, báo chí Việt Nam còn công bố rất nhiều thông tin về những dự án mà nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư hàng tỉ USD chỉ để nhận đất rồi ngồi chờ sang nhượng, hưởng hoa hồng hoặc hưởng chênh lệch. Một trong những dự án “ma” làm hao tổn nhiều giấy mực, khiến nhiều người không thể quên vì đã từng cười ra nước mắt là dự án có vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD, của tập đoàn Eminence có trụ sở tại bang Delaware, Hoa Kỳ, vào Khu công nghiệp Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá và một dự án khác trị giá 4 tỉ USD vào tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tra cứu thông tin về tập đoàn đã từng được lãnh đạo hai tỉnh phía Bắc miền Trung trải thảm đỏ, đón tiếp trọng thị, tờ Tiền Phong loan báo, cả năm 2006, vì không có doanh thu, tập đoàn Eminence chỉ phải đóng 35 USD tiền thuế.
Với bối cảnh như vậy và dù thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam chỉ có năng lực hấp thụ 10 tỉ USD/năm nhưng ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch Đầu tư vẫn bảo rằng, khó mà cưỡng lại được các “dự án tỷ đô” vì “bùng nổ FDI giúp tạo dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”.