Mỗi ngày có hơn 2 triệu người ăn rau xanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép

Tại Việt Nam mỗi ngày trên hai triệu người ăn rau xanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Mặt khác, không ít lượng thịt giết mổ trái phép tung ra các chợ bị phát hiện nhiễm khuẩn E Coli có khẳ năng gây ngộ độc chết người.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.08.30
a-vegetable-vendor-305.jpg Người bán dạo chở rau đi bán trên đường phố Hà Nội.
AFP PHOTO

Thực tế sự việc ra sao, người dân có ý thức chuyện rau quả thịt thà họ dùng hàng ngày là không hợp vệ sinh và không đủ tiêu chuẩn an toàn không? Thanh Trúc mời quí thính giả cùng tìm hiểu.

Tại hội nghị về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Ba vừa qua, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, ông Bùi Bá Bổng, nói rằng dựa vào thực trạng ba phần trăm lượng rau xanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì mỗi ngày hơn hai triệu người trong nước đã tiêu thụ những loại rau không an toàn đó.

Bảo chỉ có hai triệu người thì hơi ít đấy. Con số đó phải cao hơn nhiều.

Anh Thắng

Cũng tại hội nghị, đại diện của Cục Thực Vật báo cáo rằng qua kiểm tra 25 mẫu rau ở các tỉnh miền Bắc thì 44% có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 4% có chất độc hại cao hơn mức cho phép.

Tại các tỉnh phía Nam cũng có trường hợp tương tự với 54% mẫu rau chưa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà hơn 8% trong số đó có thể làm người tiêu thụ bị ngộ độc.

Trả lời câu hỏi của đài Á Châu Tự Do, Ông Nguyễn Huy Nga, cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng Và Môi Trường, cho biết:

“Tôi không phụ trách vấn đề rau hoa, nhưng ở Việt Nam việc sử dụng hóa chất trừ sâu hoặc là phân bón trong nông nghiệp còn rất thấp so với các nước đang phát triển như Châu Âu, Châu Mỹ. Tất nhiên bây giờ cũng có những cái nghiên cứu thì họ phải có dẫn chứng và những cái xét nghiệm thuốc trừ sâu là đã xác định được cái liều hóa chất sau lúc người ta đã xử lý. Chúng tôi cũng đã có nhiều phương án nhưng trước hết thì những người trồng rau họ phải tự quản lý bởi vì đấy những cái trồng rau hay hoa quả đấy là cái thương trường và phải giữ uy tín của thương trường.”

Từ vùng nông thôn miền Bắc, anh Thắng thuộc một hộ gia đình sinh sống bằng nghề trồng rau xanh, nói rằng con số hơn hai triệu người ăn rau không an toàn mỗi ngày là không sát thực tế:

Nhiều gia đình họ trồng một vài luống rau thì có một luống riêng họ để dành cho gia đình ăn thì sẽ không được phun thuốc, tất cả những luống còn lại để hái mang ra chợ bán thì đều được phun thuốc.

Anh Thắng

“Bảo chỉ có hai triệu người thì hơi ít đấy. Con số đó phải cao hơn nhiều. Bản thân nhà em ở vùng nông thôn cũng nhà nông nghiệp và trồng rau thì có thể nói người ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một thói quen rồi, giống như kiểu khi ăn thì người ta cho mì chín tức bột ngọt.

Nhiều gia đình họ trồng một vài luống rau thì có một luống riêng họ để dành cho gia đình ăn thì sẽ không được phun thuốc, tất cả những luống còn lại để hái mang ra chợ bán thì đều được phun thuốc. Ở mình vì điều kiện khí hậu nhiệt đới nên sâu bọ phát triển nhiều, nhất là mùa mưa. Ngày xưa người ta sử dụng DDT thì nay không sử dụng nữa tại vì nó quá độc cho môi trường.”

Thuốc bảo quản thực vật

Vẫn theo lời anh Thắng, hiện nông dân trồng rau sử dụng hai loại, một là thuốc bảo quản thực vật và hai là thuốc kích thích tăng trưởng:

“Có một số loại rau thì không hay bị sâu bọ ăn hại chẳng hạn như bầu bí hay những loại quả trên cây hoặc củ dưới đất. Rau đấy là rau an toàn. Thế nhưng những loại rau khác chẳng hạn rau muống, cải, cải bắp, su hào, đậu ...đều có khả năng nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cao. Có nhiều khi người nông dân phun thuốc hôm trước để hôm sau mang chợ bán, nếu nói lượng thuốc chỉ chiếm 4% thì nghe là không đúng, ngày hôm sau thì thuốc trên bề mặt của lá đậu chưa sạch kia mà, cái thuốc đấy rất là độc.”

Thuốc kích thích tăng trưởng

Về loại thuốc kích thích tăng trưởng, anh Thắng nói tiếp:

Muốn rau đẹp hơn, ngon hơn và lớn nhanh hơn thì bắt buộc phải sử dụng thuốc tăng trưởng. Rau mồng tơi, rau muống, rau cải chẳng hạn, phun thuốc đấy vào để chỉ ngày hôm trước hôm sau hôm sau nữa có thể hái mang đi bán. Rất là nhanh, nhìn rất là đẹp, người mua đều rất là thích nhưng không ai biết trong đó chứa nhiều độc tố. Như vậy hầu hết những người tiêu thụ rau từ thành phố đến thôn quê đều có thể bị nhiễm chất độc trên rau quả.”

Tính đến giờ chỉ hai mươi ba mươi phần trăm lượng rau trong thành phố Hồ Chí Minh được gọi là sạch sau khi qua phần kiểm soát.

Thịt bán không hợp vệ sinh

Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn thành phố Hồ Chí Minh, nơi chế biến và tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất nước, nói rằng kết quả kiểm tra tại mười lăm cơ sở kinh doanh sĩ trâu bò cho thấy 77% không có giấy chứng nhận vệ sinh.

Trong khi đó viên chức Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho rằng có đến 50% cơ sở giết mổ lậu ở địa phương, nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn E Coli có thể gây tử vong cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến những loại thịt nhập lậu từ ngoài vào thì đương nhiên không qua vòng kiểm soát.

Ở đây thì các khu bán thịt đều giống nhau, những cái thớt mà có thể hàng năm người ta chẳng rửa một lần, rồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều thịt phải ôi người ta vẫn bán vẫn mua.

Anh Thắng

Theo lời anh Thắng, người thành phố có thể mua thịt có xuất xứ từ các siêu thị, còn đại đa số dân chúng vẫn mua thịt không rõ nguồn gốc tại các sạp ngoài chợ:

Đại bộ phận các lò mổ ở đây đều không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có những cái lò mổ mà chung quanh đấy rất là ô nhiễm. Những cái đấy thành thói quen xưa giờ vẫn thế. Không phải dân ai người ta cũng để ý đến vấn đề ấy. Cách đây năm sáu năm thì cũng có qui định là đóng dấu trên những banh thịt lợn nhưng sau này người ta cũng bỏ đi. Đến cái đợt trâu bò lở mồm long móng thì thịt lợn người ta để nguyên cả móng như thế mang ra ngoài chợ. Ở đây thì các khu bán thịt đều giống nhau, những cái thớt mà có thể hàng năm người ta chẳng rửa một lần, rồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều thịt phải ôi người ta vẫn bán vẫn mua.”

Cần nâng cao ý thức người dân

Tại buổi hội thảo về an toàn thực phẩm hôm thứ Ba, viên chức Cục Chăn Nuôi đề nghị cần triển khai biện pháp kiểm tra nhanh các trại chăn nuôi và các lò mổ thịt trên toàn quốc.

Dưới mắt một bà nội trợ ở thành phố, chị Hà, kiểm tra thì cần thiết nhưng chưa đủ, quan trọng là nâng cao cảnh giác và trách nhiệm cho dân chúng mà nhất là người ở vùng nông thôn:

Người ta bị ngộ độc mà cứ nghĩ là mình bị cái gì đó chứ không bao giờ nghĩ vì ăn cái rau cái thịt đó mà bị ngộ độc.

Chị Hà

“Bản thân người trồng rau cũng ý thức điều độc hại nhưng mà vì kinh tế cho nên cũng rất là khó. Mua rau về thì mình cũng phải làm cẩn thận, phải rửa nước muối, nhưng mà ở quê dù họ biết là rau không an toàn họ vẫn ăn. Họ không nghĩ sự hại đó ảnh hưởng đến mức nào.

Còn những người giết mổ thì họ có thể biết con gia cầm hay gia súc đó bệnh nhưng mà hủy thì tiếc cho nên vẫn cứ giết mổ để bán ra thị trường thì không thể biết không thể phân biệt được.

Như cái thời điểm này thì nói là dịch H1N1 thì người ở thành phố mà biết thì có thể tránh, còn người dân ở những vùng sâu vùng xa họ không biết gì hết. Không có thông tin gì nhiều, không ý thức được bệnh cúm H1N1 là cái gì hết. Muốn ngăn chận dịch bệnh, ngăn chặn những cái như là rau không đảm bảo chất lượng, thịt không đảm bảo chất lượng thì phải đưa những cái đó về quê, phải giải thích cho họ biết tầm quan trọng của nó. Người ta bị ngộ độc mà cứ nghĩ là mình bị cái gì đó chứ không bao giờ nghĩ vì ăn cái rau cái thịt đó mà bị ngộ độc.”

Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, ông Bùi Bá Bổng, yêu cầu là đến cuối 2009 phải cố gắng bảo đảm vệ sinh an toàn đối với mặt hàng rau, thịt, cá trên thị trường nội địa.

Ông nói nhiều địa phương đến giờ vẫn chưa báo cáo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho bộ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.