Bắc Hàn chuẩn bị phóng thêm một phi đạn nữa

Đang khi dư luận thế giới xôn xao, và cấp bách chuẩn bị đối phó với việc Bắc Hàn sử dụng phi đạn tầm xa để phóng một vệ tinh nhân tạo trong vài ngày tới, thì lại có tin quốc gia cộng sản này sau đó sẽ phóng tiếp thêm một phi đạn nữa.

0:00 / 0:00

Trà Mi có thêm chi tiết.

Bình Nhưỡng đã lên tiếng đe dọa là họ sẽ có phản ứng mạnh nếu Hội Đồng Bảo An lên tiếng phê bình chỉ trích hành động phóng vệ tinh của họ.

Tin do báo Sankei xuất bản và phát hành tại Tokyo đưa lên hôm nay, nói ngoài phi đạn tầm xa Taepodong 2 sẽ được phóng lên trong thời gian từ 4 đến 8 tháng tư từ dàn phóng tại Musudan-ni, Bắc Hàn đang chuẩn bị phóng thêm một phi đạn khác nữa. Tờ báo cho biết họ dựa trên những nguồn tin đáng tin cậy từ nhiều giới chức chính quyền Nhật. Tờ báo nói rõ rằng địa điểm phóng phi đạn thứ nhì sẽ là Wonsan, ở cách Musudan-ni khoảng 250 km về phía nam, và phi đạn được phóng thử tại đó sẽ là loại tầm ngắn hay tầm trung.

Lập luận của Bắc Hàn

Hoa kỳ tuần rồi cho hay, dựa trên hình ảnh thu thập được qua các vệ tinh do thám, các bộ phận của phi đạn tầm xa Taepotong 2 đã được đặt lên dàn phóng. Mặc dù gặp phản ứng mãnh liệt từ các quốc gia Tây phương, Bắc Hàn có vẻ như cương quyết tiến hành kế hoạch như đã công bố. Báo chính thức của Bình Nhưỡng, tờ Rodong Simmun nói rằng việc phóng vệ tinh nằm trong chương trình không gian của họ và hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình. Họ khẳng định rằng việc phóng vệ tinh ấy góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước cũng như sự tiến bộ của nhân loại, còn việc Hoa kỳ, Nhật bản và Nam Hàn đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc thì tờ báo coi đó là một âm mưu bỉ ổi, là một trò hề ngu xuẩn. Tờ báo không nói đến Anh quốc, nhưng chính đại sứ Anh tại Liên Hiệp quốc John Sawyers tuyên bố rằng nếu Bình Nhưỡng phóng phi đạn tầm xa, thì Hội Đồng Bảo An phải có phản ứng thích hợp.

Tưởng cần nhắc lại rằng nghị quyết 1718 năm 2006 của Hội Đồng Bảo An đã cấm Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân hay phóng phi đạn đạn đạo. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã không thực hiện nghiêm chỉnh vì sau đó, nước cộng sản này đồng ý tham gia hội nghị sáu bên để bàn chuyện chấm dứt chương trình hạt nhân của họ. Năm 2007, họ đã chấp nhận tháo dỡ mọi công trình thí nghiệm hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhân đạo. Tiếc rằng hội nghị đi vào chỗ bế tắc vì không thỏa thuận được cách nào kiểm tra những hoạt động của Bắc Hàn.

Phản ứng của Tây Phương và Nhật Bản

Đối với các nước Tây Phương, thì việc dùng hỏa tiễn tầm xa để phóng vệ tinh chẳng qua chỉ là một cách nói để che dấu sự thực, là thử nghiệm phi đạn Taepotong 2. Phi đạn này theo lý thuyết có thể phóng đến bang Alaska của Hoa kỳ. Chính vì thế mà ngoại trưởng Hillary Clinton của Hoa kỳ đã tuyên bố việc phóng phi đạn là một hành động khiêu khích, bất kể phóng để làm gì.

Việc phóng phi đạn là một hành động khiêu khích, bất kể phóng để làm gì.

Ngoại trưởng Hoa kỳ Hillary Clinton

Tuần rồi, Bình Nhưỡng đã lên tiếng đe dọa là họ sẽ có phản ứng mạnh nếu Hội Đồng Bảo An lên tiếng phê bình chỉ trích hành động phóng vệ tinh của họ. Do đó, giới quan sát cho rằng việc chuẩn bị phóng thêm một phi đạn khác chính là phản ứng mạnh ấy. Nó sẽ được thực hiện nếu như Hội Đồng Bảo An đưa ra biện pháp trừng phạt Bắc Hàn, hay nếu Hoa kỳ không chịu nhượng bộ những yêu sách của họ.

Cho đến nay, bộ quốc phòng Nhật và cả bộ quốc phòng cũng như cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn đều nói họ không thể xác nhận được nguồn tin của báo Sankei là đúng hay không.