Nhiều người Việt vẫn còn ‘thân thiện’ với túi nylon

RFA
2018.04.19
túi nilon Túi nylon vẫn được nhiều người Việt Nam chọn sử dụng hàng ngày.
RFA

Rác thải nhựa đang là vấn đề được các nhóm hoạt động môi trường của hầu hết mọi quốc gia trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Mỗi một nước đều có các chiến dịch kêu gọi sử dụng sản phẩm thay thế cho các loại túi nylon hoặc có cả những hình phạt tù giam nếu người dân sử dụng.

Việt Nam cũng thực hiện nhiều chiến dịch tương tự trong những năm qua. Nhân sự kiện Ngày Trái Đất 22/4 sắp đến, các nhà khoa học có ý kiến gì về này? Và thực tế việc “nói không với túi nylon” ở riêng Việt Nam được thực hiện đến đâu?

‘Ô nhiễm trắng’

Túi nylon, qua rất nhiều thập kỷ, đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của con người. Nó có nhiều tính chất được người sử dụng cho là “ưu điểm” như gọn nhẹ, chắc, giá thành thấp, bền. Chính cái “bền và chắc” của túi nylong cũng chính là sự lo lắng của các nhà khoa học và các nhóm môi trường trên thế giới.

Theo một thống kê do Bộ Tài Nguyên- Môi Trường Việt Nam đưa ra năm 2017, cho thấy chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon. Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nylon chiếm đến 7-8%. Các nhà khoa học gọi hệ quả của lượng túi nilon thải ra môi trường là “ô nhiễm trắng”.

Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng khẳng định sự độc hại của túi nilon đối với môi trường không phải là một ngày một bữa, mà nó là 1 quá trình có thời gian tính đến từ trăm đến nghìn năm.

“Chủ yếu là các túi nylon và đặc biệt là những vật liệu polymer phân huỷ nửa chừng thì nó cũng vụn ra, nhưng nó tạo ra những cấu trúc polymer nhỏ, nó làm cho đất khô cằn lại, không thở được, càng ngày đất càng bị sa mạc hoá, ngày càng trở nên khô cằn. Đó là cái quan trọng nhất.”

Chủ yếu là các túi nylon và đặc biệt là những vật liệu polymer phân huỷ nửa chừng thì nó cũng vụn ra, nhưng nó tạo ra những cấu trúc polymer nhỏ, nó làm cho đất khô cằn lại, không thở được, càng ngày đất càng bị sa mạc hoá, ngày càng trở nên khô cằn. Đó là cái quan trọng nhất. - TS Hồ Sơn Lâm

Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, trong một buổi trả lời phỏng vấn với truyền thông trong nước về vấn nạn bao nilon đối với môi trường, đã nói về hậu quả nguy hại của “Ô nhiễm trắng” nếu con người và xã hội không có hướng xử lý triệt để.

“Thứ nhất nó gây cảnh quan rất phản cảm. Thứ hai nó chui vào những mạch nước, trên những dòng sông, kênh rạch gây tắt nghẽn, ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian phân huỷ mấy trăm nên nó làm ảnh hưởng đến môi trường đất và nước, huỷ hoại môi trường xung quanh.”

Ý thức người dân

Cũng từ một thống kê do báo trong nước đưa ra, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... với mật độ dân số của Việt Nam, tính theo cấp số nhân thì có hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Vấn đề được lưu ý chính là ý thức của người sử dụng.

Người sử dụng ở đây được chúng tôi khoanh vùng là những người buôn bán nhỏ, lẻ ở các khu chợ hoặc hàng rong, vỉa hè. Chính bản thân họ cũng nhận biết được sự độc hại của túi nylon không thân thiện với môi trường.

Một người kinh doanh nhỏ ở Sài Gòn cho chúng tôi biết:

“Biết. Túi nilon thì tác hại của nó là về lâu về dài chứ không phải là ngay bây giờ. Nó không tiêu huỷ được.”

Trò chuyện với một phụ nữ bán hàng rong khi chị đang dùng túi nilon để đựng thực phẩm bán cho khách, chị cho biết

“Tôi cũng có nghe nói nhưng không biết nhiều. Bán cái này phải bỏ bịch chứ đâu thể bỏ hộp được.”

Các chiến dịch

Từ những năm trước, nhiều thành phố, tỉnh, thành trong nước đã khởi động chiến dịch kêu gọi nói “không” với túi nylon.

Năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cố Nghĩa huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức ra mắt mô hình điểm “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon và bảo vệ môi trường”. Năm 2013, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường”, thay thế bằng túi thân thiện với môi trường trong cuộc sống hàng ngày. Trước đó, Thành phố Hội An là nơi thực hiện đầu tiên chiến dịch “Nói không với túi nylon”. Trong lần trả lời RFA năm 2013, ông Nguyễn Sự, thời điểm đó là chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hội An, cho biết về điều này:

“Đến bây giờ có thể nói nhân dân Cù Lao Chàm không sử dụng túi nylon nữa; họ sử dụng những vật liệu khác ví dụ như giấy, hay các loại lá môn, lá chuối để gói đồ, đựng thức ăn. Đi chợ, người ta dùng giỏ chứ không dùng túi nylon để đi chợ nữa.”

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề với hai người dân địa phương ở Hội An vào đêm 19/4/2018, họ cho biết cho đến lúc này, túi nylon vẫn là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, giữa người mua và người bán.

Chưa ‘thân thiện’ với người dùng

Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng chia sẻ với truyền thông trong nước rằng ông nhìn thấy sự thành công của các đề án sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường ở các siêu thị.

“Hiện nay chúng ta không nhìn thấy các túi không thân thiện với môi trường sử dụng ở các siêu thị. Nhưng ở các chợ dân sinh vẫn là sự tiện lợi hàng ngày. Khi mua mớ hành mớ rau được người ta cho những túi nylon mỏng, tiện. Đó là sản xuất từ các hộ gia đình.”

Ở Việt Nam nhiều dự án về túi nilon được thực hiện nhưng cho đến nay người ta vẫn làm theo dạng là các cái polymer tự phân huỷ nhưng trộn với nhựa PVC nên chưa thể gọi là phân huỷ 1 cách hoàn toàn. - TS Hồ Sơn Lâm

Chính một người dân kinh doanh ở 1 khu chợ dân sinh xác nhận điều này.

“Bây giờ đi siêu thị thì siêu thị xài túi tự huỷ được, nhưng ở ngoài thị trường thì chắc còn lâu lắm. Người ta chưa có quen.”

Tuy rằng nhiều thành phố đã cố gắng khởi động, kêu gọi dùng túi nylon thân thiện với môi trường, nhưng có vẻ như các chiến dịch đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm cho biết sản phẩm thay thế, nghĩa là túi nylon tự phân huỷ chưa thật sự đáp ứng đúng vai trò của nó mặc dù có nhiều dự án đã được thực hiện.

“Ở Việt Nam nhiều dự án về túi nylon được thực hiện nhưng cho đến nay người ta vẫn làm theo dạng là các cái polymer tự phân huỷ nhưng trộn với nhựa PVC nên chưa thể gọi là phân huỷ 1 cách hoàn toàn.”

Về phía người tiêu dùng, lại là một vấn đề khác, nằm ở vấn đề mưu sinh.

Người phụ nữ bán hàng rong cho biết những chiếc túi nilon thân thiện với môi trường không thể đáp ứng được bài toán kinh tế của chị.

“Bán 1 bịch này có mấy ngàn mà dùng cái túi đó thì làm sao có đủ khả năng? Lời đâu có bao nhiêu?”

Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm khẳng định giá trị kinh tế chính là 1 trở ngại để người dân tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm túi nylon tự huỷ.

“Giá trị kinh tế vẫn còn đắt, polymer tự phân huỷ nó còn đắt, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới nói chung.”

Túi nilon phân huỷ để hàng nó rách, rớt hàng của người ta. Những cái ấy đựng hàng nhiều là nó rách nên bây giờ khách hàng người ta mua cũng không thích bao đó. - Người bán hàng

Một bất lợi khác của túi nylon tự huỷ làm cho người tiêu dùng không ưu ái với sản phẩm này. Cũng một người bán hàng rong khác cho biết phản ứng của khách hàng khi dùng túi nylon tự phân huỷ.

“ Túi nylon phân huỷ để hàng nó rách, rớt hàng của người ta. Những cái ấy đựng hàng nhiều là nó rách nên bây giờ khách hàng người ta mua cũng không thích bao đó.”

Cho dù là thế, một sự thật vẫn không thể chối bỏ được, đó là ‘ô nhiễm trắng’ đang là tiếng kêu cứu của môi trường, một chủ thể mà theo tiến sĩ Hồ Sơn Lâm thì nó bao gồm tất cả những vật thể khác rất gần gũi với cuộc sống của con người.

Nói riêng về Việt Nam, thông cáo dẫn một nghiên cứu của Đại học Georgia hôm 13/4 nêu rằng Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trên thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.