Kế hoạch kích cầu của VN với 1 tỷ USD

VN dành 16 ngàn tỷ đồng tương đương một tỷ đô la để kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

0:00 / 0:00

Việt Nam bỏ 1 tỷ USD để chặn đà suy giảm kinh tế

Trong khi chưa có kế hoạch cụ thể kích cầu bao nhiêu và ở lãnh vực nào, thì có tin chính phủ thúc đẩy giải ngân các dự án giao thông trọng điểm. Liệu kế hoạch kích cầu của VN có đủ lực để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế VN năm 2009 khoảng 6,5% và bảo đảm an sinh xã hội.

Một tỷ đô la hay 16 ngàn tỷ đồng tiền Việt, mới nghe thì thấy nhiều, nhưng nền kinh tế VN hiện nay đang có quá nhiều lãnh vực cần kích cầu. Theo thông tin từ Website chính phủ thì ngân khoản 16 ngàn tỷ đồng được lấy từ ngân sách, trái phiếu và vốn viện trợ phát triển ODA.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế VN năm 2009 khoảng 6,5% và bảo đảm an sinh xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, kích thích nền kinh tế là hết sức cần thiết, hay nói theo cách của chính phủ là kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên kích cầu thế nào cho hiệu quả lại là một vấn đề khác. TS Nguyễn Quang A Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển một tổ chức độc lập ở Hà Nội nhận định:

“ Kích cầu để giúp đỡ cho khu vực tư nhân cho dân cư cho người nghèo, để người ta tăng cường sản xuất cũng như là tăng cái tiêu dùng, đấy là khu vực có hiệu quả nhất thì sẽ rất tốt. Còn nếu tiếp tục đầu tư vào những dự án không có hiệu quả, hoặc đầu tư vào khu vực kinh tế của Nhà nước, các tập đoàn, thì sẽ lại làm trầm trọng thêm những khó khăn cũ ”

Kích cầu để giúp đỡ cho khu vực tư nhân cho dân cư cho người nghèo, để người ta tăng cường sản xuất cũng như là tăng cái tiêu dùng, đấy là khu vực có hiệu quả nhất thì sẽ rất tốt.

TS Nguyễn Quang A

Kế hoạch kích cầu phải được cân nhắc kỹ lưỡng

Ở một góc độ khác, Chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành một Việt kiều đang làm việc ở VN có những nhận xét đáng chú ý về ngân khoản kích cầu trong kế hoạch của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng:

“ Một tỷ đô la tính ra tiền VN thì nó chẳng là cái gì cả, chỉ là một số tiền ban đầu để mà mồi nước cho cái bơm nó chạy thôi. Sau đó cái bơm nó chạy tới mức nào thì phải xem tình hình kinh tế VN, chớ 1 tỷ đô la thì chẳng làm được việc gì.”

TS Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư, nhưng nay hoạt động độc lập trong lãnh vực nghiên cứu chính sách tuyên bố trong một cuộc hội thảo gần đây rằng, kích cầu phải đi liền với cải cách, thông tin đầu tư cần được công khai minh bạch. Ông Doanh đề cập tới căn bệnh xin-cho cố hữu trong cơ chế VN, khi một dự án được thực hiện theo kiểu xin-cho thì khó có hiệu quả vì chi phí cao đẩy chất lượng xuống thấp.

Kích thích nền kinh tế, tất nhiên phải chú ý tới khu vực kinh tế tư nhân bao gồm khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nơi tạo ra hơn 90% công việc làm mới cho người lao động. Điều quan trọng là đã có hơn 70 ngàn doanh nghiệp loại vừa và nhỏ đóng cửa, phá sản hay thu hẹp sản xuất vì cạn vốn trong năm 2008. Lãi suất cho vay hiện nay đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng. TS Nguyễn Quang A nhận định:

Kích cầu phải đi liền với cải cách, thông tin đầu tư cần được công khai minh bạch. Ông Doanh đề cập tới căn bệnh xin-cho cố hữu trong cơ chế VN, khi một dự án được thực hiện theo kiểu xin-cho thì khó có hiệu quả vì chi phí cao đẩy chất lượng xuống thấp

TS Lê Đăng Doanh

“ Vấn đề khó ở đây là làm sao để tạo được niềm tin, bởi vì ngân hàng bây giờ có nhiều tiền nhưng việc cho vay ra không phải là đơn giản. Doanh nghiệp vẫn còn đang co lại, ngân hàng rất khó cho vay. Doanh nghiệp kêu là thiếu vốn, ngân hàng cho vay ra cũng không phải dễ.

Cho nên việc tăng trưởng tín dụng thì không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng có nhiều nguồn hay không, ngân hàng nhà nước có bơm tiền vào cho hệ thống ngân hàng bằng chính sách giảm dự trữ bắt buộc, hay giảm lãi suất để cho ngân hàng có nhiều tiền hơn.

Vấn đề là quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng làm sao để ngân hàng có thể cho vay được. Bởi vì lãi suất tuy thế vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp cũng vẫn chưa có sức hoặc là có kế hoạch ứng xử để mà vay hoặc sử dụng vốn có hiệu quả.”

Ngân khoản 16 ngàn tỷ đồng sẽ như muối bỏ bể nếu xét về phương diện kích cầu các dự án xây dựng, từng bị đình trệ trong 10 tháng qua, từ khi chính phủ thắt chặt tín dụng chống lạm phát. Chỉ riêng về ngành thép hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ ngừng hoạt động hoặc trên bờ vực phá sản, tồn kho phôi thép và thép thành phẩm trị giá hơn 1 tỷ đô la. Điều này là dễ hiểu, trong hoàn cảnh ngành xây dựng có mức tăng trưởng âm 0,33%, trong 9 tháng đầu năm 2008 so với cùng thời gian năm 2007.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ Tịch Hiệp Hội Thép VN từng khẩn thiết kiến nghị:

" phải có biện pháp kích cầu chủ yếu là, những dự án đã được xét duyệt cân nhắc kỹ lưỡng thì phải dồn sức để cho thực hiện, cấp vốn và giải ngân cho các dự án đó, tập trung vào để đẩy mạnh tiến độ, bởi vì nền kinh tế VN vẫn phải tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dù có sụt giảm, thể hiện ở những dự án được thực thi. Như vậy mới tạo được đầu ra cho ngành thép của chúng tôi."

Hôm thứ ba 9/12, thông tin ghi nhận từ cổng thông tin điện tử chính phủ cho biết, tại phiên họp trước đó một ngày ở Hà Nội

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu rà soát, nhanh chóng lên danh mục các dự án giao thông cấp bách, đang trong tình trạng thiếu vốn để phê duyệt cũng như triển khai.

Phó thủ tướng nói rõ là những dự án giao thông thuộc diện cấp bách phải bảo đảm cân đối với nguồn vốn dự tính 16 ngàn tỷ đồng trong kế hoạch vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ năm 2009, cùng các dự án khác trong chương trình kích cầu đầu tư của chính phủ.

Chưa có thông tin chi tiết về việc kích cầu tiêu dùng, trước đó chính phủ mô tả là phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ tới tận vùng sâu vùng xa, để người dân ở khu vực này có thể tiếp cận các mặt hàng vật tư tiêu dùng thiết yếu.