Tầm quan trọng của hiệp ước mới Nga – Mỹ về hạt nhân

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đang trên đường đến thủ đô Praha của Cộng Hòa Czech, và trong vài giờ nữa ông sẽ cùng Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev ký kết bản hiệp ước mới về cắt giảm võ khí hạt nhân.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2010.04.07
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
AFP PHOTO

Trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ rời Washington, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã có dịp nói chuyện với ông Andrew Kuchins, một chuyên gia về quan hệ Nga - Mỹ của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Toàn Cầu. Sau đây là những điểm chính của buổi thảo luận. 

Bước khởi đầu

Nguyễn Khanh: Ông đánh giá thế nào về bản hiệp ước sắp được ký kết?

Tôi xem bản hiệp ước Tổng Thống Hoa Kỳ và Tổng Thống Nga sẽ đặt bút ký kết chỉ là bước khởi đầu, nhưng rất quan trọng.

Ô. Andrew Kuchins

Ông Andrew Kuchins: Tôi không muốn nói quá về tầm quan trọng của bản hiệp ước, nhưng rõ ràng bản hiệp ước sẽ giúp quan hệ giữa hai nước trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời giúp Tổng Thống Obama đạt được mục tiêu đã đề ra về an ninh hạt nhân và cắt giảm võ khí hạt nhân.

Tôi xem bản hiệp ước Tổng Thống Hoa Kỳ và Tổng Thống Nga sẽ đặt bút ký kết chỉ là bước khởi đầu, nhưng rất quan trọng. Quan trọng vì đây là thành quả ngoại giao cụ thể nhất của ông Obama, và tạo thêm thanh thế chính trị cho ông Obama trước khi ông khai mạc Thượng Đỉnh An Ninh Hạt Nhân sẽ diễn ra ở Washington vào tuần tới.

Nguyễn Khanh: Ông bảo bản hiệp ước sẽ giúp quan hệ giữa Washington và Maxcơva trở nên tốt hơn. Tốt hơn ở chỗ nào, thưa ông?

Ông Andrew Kuchins: Với chính phủ Obama, 3 vấn đề an ninh quan trọng nhất đều có liên quan tới Nga. Đầu tiên là vấn đề Iran và chương trình võ khí hạt nhân mà quốc gia Hồi Giáo Trung Đông này đang theo đuổi, Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ của Nga để vận động Tehran ngưng ngay các hoạt động hạt nhân, và nếu Washington muốn áp dụng biện pháp cấm vận với Iran thì cũng phải có sự ủng hộ của Maxcơva. Điểm thứ nhì là cuộc chiến Afghanistan mà Tổng Thống Obama quyết tâm phải chiến thắng, và muốn chiến thắng thì Hoa Kỳ phải được Nga gật đầu cho sử dụng không phận của họ để tiếp tế cho chiến trường. Và điểm thứ ba là Hoa Kỳ biết nếu muốn cắt giảm võ khí hạt nhân thì bắt buộc phải có sự đồng thuận của Nga.

Tổng thống Barack Obama thảo luận với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, hôm 18-12-2009. White House Photo by Pete Souza.
Tổng thống Barack Obama thảo luận với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, hôm 18-12-2009. White House Photo by Pete Souza.
Không thể chối cãi là trong 14, 15 tháng vừa qua, tính từ ngày Tổng Thống Obama nhậm chức đến giờ, quan hệ giữa Nga và Mỹ đã cải tiến rất tốt, không còn ở tình trạng nguội lạnh như dưới thời Tổng Thống George W. Bush nữa. Tình trạng nguội lạnh đó đã khiến một số người âu lo, nghĩ rằng tình trạng chiến tranh lạnh lại tái diễn. Bây giờ thì mọi người có thể thở phào nhẹ nhõm, vì quan hệ giữa hai nước, giữa hai nhà lãnh đạo và ngay cả giữa Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Ngoại Trưởng Lavrov cũng tốt hơn rất nhiều.

Chiến tranh lạnh đã hết?

Nguyễn Khanh: Ông bảo là tốt, nhưng tại sao mãi 4 tháng sau ngày bản hiệp ước cũ hết hạn 2 nhà lãnh đạo mới ký kết bản hiệp ước mới?

Ông Andrew Kuchins: Trước hết, làm thế nào để hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có chung một hoài bão là điều không dễ, sau khi hoài bão giống nhau rồi thì mới bắt đầu thảo luận được.

Quan điểm của Washington là thời chiến tranh lạnh đã hết rồi, nhưng quan niệm của Nga chưa hẳn như thế.

Ô. Andrew Kuchins

Điểm thứ nhì là có thể theo quan điểm của Nga, họ thấy có những điều lợi khi thương thảo với Hoa Kỳ và họ tận dụng điều lợi đó. Tôi xin nói rõ hơn là phía Nga nghĩ chính quyền Obama cần bản hiệp ước này hơn họ, thành ra họ tìm cách dùng dằng tới độ những nhà thương thuyết Mỹ phải than thở là đã đi được 97% đoạn đường rồi và trong 3 hay 4 tháng cuối cùng chẳng nhích được thêm một tí nào cả.

Điểm thứ ba là điều thường xảy ra trong tất cả những cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Nga, đó là phía Nga nhìn quan hệ với Mỹ như thế nào. Thời chiến tranh lạnh, Liên Xô gờm Mỹ và Tây Phương, bây giờ thì Nga vẫn cảm thấy ngại Mỹ và đồng mình NATO có thể đe dọa an ninh của họ. Quan điểm của Washington là thời chiến tranh lạnh đã hết rồi, nhưng quan niệm của Nga chưa hẳn như thế.

Một điểm khác nữa tôi cũng muốn nói đến là khả năng chế tạo võ khí quy ước tối tân của Nga đang giảm hay nói đúng hơn là không thể so sánh với Mỹ, cho nên võ khí hạt nhân giữ một vị trí rất quan trọng về mặt chiến lược cho Nga.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại buổi họp báo công bố đạt thỏa thuận với Nga về Hiệp ước cắt giảm vũ khí, hôm 26.03.2010, ở Nhà Trắng. AFP Photo.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại buổi họp báo công bố đạt thỏa thuận với Nga về Hiệp ước cắt giảm vũ khí, hôm 26.03.2010, ở Nhà Trắng. AFP Photo.

Nguyễn Khanh: Nhưng thưa ông, hai chính phủ đều nói sau ngày ký hiệp ước ở Praha, sẽ bắt tay ngay vào vòng thảo luận kế tiếp…

Ông Andrew Kuchins: Điều đó đúng, và chính vì thế nên tôi mới nghĩ rằng vòng thảo luận tới sẽ còn gay go hơn nữa.

Nguyễn Khanh: Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sắp sửa gặp nhau ở Praha. Ngoài chuyện ký kết hiệp ước cắt giảm võ khí hạt nhân, họ có nói chuyện gì nữa không?

Ông Andrew Kuchins: Theo chỗ tôi hiểu thì Tổng Thống Obama và Tổng Thống Medvedev sẽ thảo luận với nhau về chuyện cấm vận Iran. Ông Obama sẽ nói với ông Medvedev rằng làm bạn với Mỹ hay hơn là làm bạn với Iran. Đó cũng là điều Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ nói với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, khi đón lãnh đạo của Trung Quốc ở Nhà Trắng.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.