Tổ chức Phóng viên Không Biên giới yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger Điếu Cày
2008.06.20
Ông Điếu Cày bị công an bắt hôm 19 tháng 4 tại Đà Lạt. Ông bị cáo buộc tội trốn thuế từ 10 năm qua, vì đã không khai báo lợi tức cho thuê mướn nhà đất, do ông làm chủ.
Đến nay, không có tin gì về việc khi nào ông sẽ được đưa ra tòa xét xử.
Quan tâm từ báo giới quốc tế
Trong thông cáo phổ biến hôm thứ Năm, 19-6-2008, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nhấn mạnh, việc Hà Nội buộc tội Điếu Cày trốn thuế chỉ là cái cớ để ngăn cản anh không được tham gia biểu tình phản đối ngọn đuốc Olympic. Nhà báo Nguyễn Hoàng Hải tự Điếu Cày từng lên tiếng chỉ trích chế độ, phổ biến qua mạng Internet.
Vẫn theo RSF thì Điếu Cày bị ngồi tù vì ông đã viết nhiều bài chống đối Trung Quốc xâm chiếm các vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng các hành động đàn áp Tây Tạng bằng bạo lực. Đồng thời ông cũng vận động dư luận tẩy chay đuốc thế vận Bắc Kinh 2008 khi ghé qua Saigon hôm 29-4-2008.
Đến ngày 24-4, sau một tháng vắng bóng ông, và đúng 5 hôm sau khi ông bị bắt giam, nhà chức trách Đà Lạt cho công an đến lục soát nhà ông, đồng thời tịch thâu một số tài liệu.
Theo RSF, cơ quan hữu trách đã không tìm thấy bằng chứng cụ thể nào cho chuyện buộc tội ông Điếu Cày trốn thuế.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam này vốn là sợ hãi, hai là thần phục ( Trung Quốc), cho nên đã tìm mọi cách dập tắt tiếng nói của anh cũng như của các bạn anh, chẳng hạn như là nhà đạo diễn Song Chi.
Linh mục Phan Văn Lợi, Huế
Trong câu chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ - Đài RFA, từ Paris, bà Clothilde Le Coz, Trưởng Văn phòng Internet của RSF cho biết lâu nay đã không trực tiếp liên lạc được với gia đình ông Điếu Cày. Qua thăm hỏi những blogger khác ở Việt Nam, RSF cũng không ghi nhận được tin gì mới, sau hơn 2 tháng ông bị bắt giam.
Theo bà thì chuyện trốn thuế hoàn toàn không đứng vững, vì qua lời ông Điếu Cày thuật lại với người thân trước khi bị ngồi tù, thì công an chỉ tra hỏi ông về những hoạt động chống đối, hay bài viết chỉ trích chế độ cầm quyền.
Trong cuộc trao đổi với đài RFA, bà Clothilde Le Coz cho biết RSF tiếp tục vận động trả tự do cho các nhà báo là ông Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cũng yêu cầu Hà Nội ngưng các hành động gây khó dễ, sách nhiểu những người đấu tranh ôn hòa gồm các ông Vi Đức Hồi, Trần Đức Thạch, Đỗ Duy Thông, Nguyễn Bá Đăng, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, các cô Phạm Thanh Nghiên và Lê Thị Kim Thu.
Quan tâm cho tự do báo chí từ trong nước
Cùng lên tiếng bày tỏ quan ngại cho số phận của nhà báo Nguyễn Hoàng Hải tức Điếu Cày, hoàn tòan im tiếng, vắng tin, sau hơn 2 tháng bị bắt, từ Huế, Linh mục Phan Văn Lợi, thành viên Khối 8406, yêu cầu nhà nước Việt Nam sớm trả tự do cho anh, cùng các nhà đấu tranh ôn hòa khác:
"Tôi là linh mục Phan Văn Lợi từ Huế, Việt Nam. Theo dõi trên Mạng, chúng ta đều viết anh Điếu Cày tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, là một nhà đấu tranh rất là dũng cảm. Chính anh đã xông xáo trong việc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, nhất là qua việc Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội và rước đuốc qua Sài Gòn hôm 29-4 vừa rồi.
Anh trước đó đã có những động thái cũng như những bài viết trên blog kêu gọi ,mọi người cùng tham gia trong việc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam này vốn là sợ hãi, hai là thần phục ( Trung Quốc), cho nên đã tìm mọi cách dập tắt tiếng nói của anh cũng như của các bạn anh, chẳng hạn như là nhà đạo diễn Song Chi.
Có dư luận cho rằng nhà nước muốn kết tội anh là trốn thuế, nhưng mà các bạn bè của anh đều cho thấy rằng đó chỉ là một cái cớ để bịt miệng vì cái sự tồn vong của đất nước. Chúng tôi cũng đã theo dõi vụ việc này từ rất lâu.
Khối 8406, trong đó chúng tôi là thành viên, cũng đã có lên tiếng để bênh vực cho anh Hoàng Hải cùng với những người khác và xin hợp với tất cả mọi ai yêu mến dân chủ, yêu mến tự do cho quê hương Việt Nam và đang tranh đấu cho các nhà dân chủ, trong đó đặc biệt là anh Hoàng Hải.
Chúng tôi kêu gọi quốc tế hãy lên tiếng để ngăn cản bàn tay đàn áp của cộng sản đối với các nhà đấu tranh dân chủ nói chung và anh Hoàng Hải nói riêng, và để cho anh được tự do để bày tỏ lòng yêu nước của mình."
Mặt khác, thông cáo báo chí của RSF cho biết blogger Điếu Cày tham gia biểu tình tại Saigon chống chính sách bá quyền của Trung Quốc, từ đầu năm 2008. Ông bị cơ quan an ninh bám sát và bị mời tới đồn công an làm việc nhiều lần để trả lời về những việc làm của ông.
Nhiều người hoạt động chung với ông Điếu Cày cũng bị công an mời đến cơ quan hạch hỏi, mà hầu hết là hội viên câu lạc bộ báo chí tự do, một tổ chức độc lập do ông Điếu Cày sáng lập.
Xin được nhắc lại là qua tin tức và hình ảnh do các cơ quan truyền thông quốc tế, người ta thấy ngay từ điểm phát xuất bên Hy Lạp cũng như các chặn đường rước đuốc qua Paris, London, San Francisco và các nơi khác, đã có nhiều cuộc biểu tình mạnh mẻ phản đối chính sách đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền từ phía Bắc Kinh.