Thỏa thuận Copenhagen

Thượng đỉnh Copenhagen về tình hình biến đổi khí hậu trái đất đã kết thúc vào cuối tuần qua, sau hơn 10 ngày làm việc cật lực đến phút chót.
Gia Minh, phóng viên RFA
2009.12.21
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Số lượng khí thải ngày càng nhiều tạo ra hiệu ứng nhà kiếng, đang giết dần Trái Đất Số lượng khí thải ngày càng nhiều tạo ra hiệu ứng nhà kiếng, đang giết dần Trái Đất.(ảnh minh họa)
RFA graphic

Thành công bước đầu

Cuối cùng thượng đỉnh Copenhagen cũng đạt được một thỏa thuận do Hoa Kỳ và năm quốc gia có nền kinh tế đang trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc, chủ xướng.

Thỏa thuận mang tên Copenhagen nhận được những phản ứng khác nhau. Người đứng đầu Liên hiệp quốc và nhóm các quốc gia chủ xướng thỏa thuận thì cho rằng đó là một bước đầu quan trọng đầy ý nghĩa; trong khi đó thì nhiều nước nghèo bị tác động nhiều nhất bởi hiện tượng trái đất nóng lên đã nổi giận, cho rằng họ bị loại ra ngoài và bản thỏa thuận vắn gọn giúp cho các vị lãnh đạo các nước không phải bẽ mặt.

Trong chuyên mục Khoa học-Môi trường kỳ này, mời quí thính giả theo dõi đánh giá của hai chuyên gia Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh và ông Trần Việt Liễn, từng tham gia soạn thảo bản phúc trình của ủy ban Liên chính phủ về Tình hình biến đổi khí hậu, IPCC lần thứ tư hồi năm 2007.

Dù có bất đồng của nhóm các quốc gia nghèo đang phát triển về thỏa thuận Copenhagen cho rằng nó không đưa ra được những chỉ tiêu cắt giảm cụ thể cho những thời điểm 2020 và 2050; nhưng cũng như đánh giá mang tính tích cực của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, hai chuyên gia Nguyễn Hữu Ninh và Trần Việt Liễn đều chỉ ra điểm được dù ít ỏi của thỏa ước Copenhagen vừa đạt được. Trước hết ông Trần Việt Liễn nhận định:

“Tôi nghĩ thỏa thuận đạt được cũng phản ảnh tình hình tương quan hiện nay. Không hy vọng nó đạt được những kết quả như các nhà khoa học mong muốn; tuy nhiên đó cũng là một kết quả tích cực dù chưa đủ để có khả năng sớm ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu, hiện tượng trái đất nóng lên. Tiếp theo đây các hoạt động đó phải tiếp tục làm nữa thì may ra mới có thể tiến dần dần đến đích mà chúng ta mong muốn; nhưng không thể nhanh chóng được.

Thỏa thuận mới đã được tiên báo trước, nó sẽ không làm vừa lòng mọi người. Hội nghị Kyoto thì có cam đoan tích cực hơn, nhưng chỉ giới hạn trong số các nước phát triển, không góp phần quyết định gây ra những tác hại; còn bây giờ những nước có trách nhiệm nhất thì cũng có cái gì đó chuyển biến mặc dù những chuyển biến đó chưa đủ độ cho những việc cần phải làm. Trong những  năm tới vấn đề này phải trở lại và cần nhiều cuộc đàm phán nữa thì mới đạt được mong muốn giảm nhanh như yêu cầu.”

Tôi nghĩ thỏa thuận đạt được cũng phản ảnh tình hình tương quan hiện nay. Đó cũng là một kết quả tích cực dù chưa đủ để có khả năng sớm ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu, hiện tượng trái đất nóng lên.

Ông Trần Việt Liễn

                                

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh cũng có ý kiến:

“Thỏa thuận được gọi là Hiệp định Copenhagen là thống nhất giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil là bước đi đầu tiên, có thể nói là quan trọng; đặc biệt hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Các nước này đã ngồi lại với nhau và định hình được quyết tâm trong việc không để nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ Celcius và vượt qua mức đó vào cuối thế kỷ này. 

Vấn đề luật hóa văn bản này và cụ thể hóa hơn nữa thì rõ ràng cần có thời gian vài năm tới. Nhưng đây là bước quan trọng để các nước khác sau này tiến đến bước khác là đạt được một hiệp ước toàn cầu.”

Quyền lợi về kinh tế-chính trị

Bất đồng về quyền lợi kinh tế giữa hai nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển chưa thể dung hòa tại kỳ họp vừa qua được chuyên gia Trần Việt Liễn cho là nguyên nhân đưa đến kết quả bị đánh giá là quá khiêm tốn của kỳ thượng đỉnh Copenhagen:

“Thực chất vẫn là vấn đề xung đột quyền lợi kinh tế giữa các nước. Họ đưa ra vấn đề chính trị để tránh ‘đòn này, đòn khác’. Những cam kết thực sự có thể ảnh hưởng đến phát triển của các nước; ví dụ Hoa Kỳ nếu tích cực hơn nữa thì phải chi ra nhiều tiền hơn cho các nước; hay Trung Quốc nếu tích cực tham gia cắt giảm phát thải khí thật nhiều thì tất nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng. Tất nhiên thì cũng phải tiến tới phải cắt giảm nhưng còn bảo vệ được quyền lợi của họ đến đâu thì họ vẫn bảo vệ.”

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh cũng đề cập đến những khó khăn trong thống nhất hành động chống lại tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên dẫn đến biết bao đổi thay bất lợi trên hành tinh trái đất:

“Nhiều người kỳ vọng ‘hơi nhiều’ ở hội nghị Copenhagen. Đây là bước đi không thể nhanh được vì có quá nhiều mâu thuẫn về mặt kinh tế- chính trị của các nước. Tất cả đến tham dự hội nghị ai cũng muốn đạt được điều có lợi nhất cho nước mình. Việc đàm phán, thỏa hiệp giữa các bên để đi đến thống nhất rất là mất công. Áp lực chính trị đối với các nhà lãnh đạo rất là lớn: họ phải quyết định cho những vấn đề mà phải hằng chục năm sau, hay cả hằng trăm năm sau.

Tuy vậy nhận thức của các nước đã rất là khác sau khi nhận được báo cáo lần thứ tư của IPCC, và Copenhagen là bước đi đầu tiên trong nhận thức mới đó.

Ở Hoa Kỳ thì đề xuất của tổng thống đưa ra thì đến năm 2010 có thể quốc hội mới thông qua được.”

Cần phải làm nhiều hơn nữa

Hai chuyên gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng nhắc lại những công tác mà các quốc gia phải chung tay thực hiện trong thời gian tới thì mới có thể cứu hành tinh trái đất.

Biến đổi khí hậu động chạm đến tất cả các ngành kinh tế, các khu vực nên đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng và chặt chẽ; không phải cá nhân hay quốc gia nào chịu trách nhiệm riêng.

TS Nguyễn Hữu Ninh

   

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh trình bày:

“Vấn đề thực hiện tùy từng quốc gia, khu vực và từng người; do đó đòi hỏi trách nhiệm của từng cá nhân cho đến các quốc gia. Biến đổi khí hậu động chạm đến tất cả các ngành kinh tế, các khu vực nên đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng và chặt chẽ; không phải cá nhân hay quốc gia nào chịu trách nhiệm riêng.

Ở cấp quốc gia thì có chương trình hành động thích hợp. Mỗi quốc gia có mức phát triển kinh tế khác nhau nên nhu cầu cũng thay đổi theo từng quốc gia: có quốc gia thì cần phải giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ quan trọng hơn; có quốc gia thì vấn đề thích nghi quan trọng hơn.

Chương trình quốc gia đó phải bảo đảm phát triển bền vững theo lộ trình đàm phán đã và sẽ tiếp tục diễn ra. Cụ thể là phải tiết kiệm năng lượng tính theo đơn vị sản phẩm trên GDP; cần tối thiểu hóa vấn đề năng lượng, đồng thời phát triển những nguồn năng lượng sạch.”

Chuyên gia Trần Việt Liễn có ý kiến:

“Có nhiều giải pháp nhưng trước hết là phải đẩy nhanh giải pháp về kỹ thuật mới để hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch cũ. Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển những nguồn năng lượng mới. Tích cực sử dụng các công nghệ mới từ đó khả năng tiêu hao năng lượng sẽ giảm đi và phát thải sẽ giảm. Các nước phát triển nên giúp cho các nước đang phát triển cải tạo những công nghệ cũ, lạc hậu…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.