Từ Phnom Penh, thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau.
Sau cuộc gặp với thủ tướng Hun Sen của Campuchia vào ngày 29 tháng Giêng vừa qua, tân Đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Phnom Penh, bà Carol Rodley nói với báo chí rằng Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại hữu nghị với Campuchia và hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và văn hóa.
Tiếp tục viện trợ
Theo bà, đây là lần đầu tiên được hội kiến với thủ tướng Hun Sen, và rất thú vị nếu có cơ hội gặp gỡ một lần nữa. Bà còn cho rằng quan hệ hợp tác giữa 2 nước đang diễn ra tốt đẹp và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ cho Campuchia.
Bà Carol Rodley, từng là nhân viên cao cấp của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia từ năm 1997 đến năm 2000, là giai đoạn có nhiều sóng gió nhất trong quan hệ Campuchia – Hoa Kỳ kể từ sau cuộc bầu cử phổ thông vào năm 1993.
Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại hữu nghị với Campuchia và hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và văn hóa.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia, Carol Rodley
Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ từng cắt viện trợ quân sự cho Campuchia để phản đối cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng thứ nhất Norodom Ranaridh do thủ tướng Hun Sen tiến hành vào năm 1997, đồng thời viện trợ hàng trăm triệu đôla cho các tổ chức dân sự tại nước này hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, cải thiện chế độ dân chủ và nhân quyền.
Cho đến vài năm gần đây, Hoa Kỳ cắt giảm tiền viện trợ cho các tổ chức dân sự, nhưng quay trở lại viện trợ quân sự và quan tâm các dự án của chính phủ.
Ông Ieng Sophalet, cố vấn thủ tướng Hun Sen nói rằng trong cuộc gặp vừa qua với bà Đại sứ Hoa Kỳ, thủ tướng Hun Sen của Campuchia có bày tỏ lời cám ơn chân thành đối với cường quốc này đã nối lại viện trợ cho chính phủ ông trong vài năm gần đây.
Nhưng so với viện trợ của Trung Quốc thì viện trợ của Hoa Kỳ đối với Campuchia còn rất khiêm tốn. Ông Kem Sokha, lãnh đạo đảng đối lập, đứng vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử phổ thông vào năm 2008 vừa qua, đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến nền dân chủ còn non trẻ ở Campuchia.
Được biết ông Kem Sokha trong quá khứ là một chính khách thân Hoa Kỳ, và ông từng là giám đốc Trung tâm Nhân quyền tại Campuchia từ năm 2002 đến 2007 dưới sự viện trợ tài chánh của Hoa Kỳ. Trung tâm Nhân quyền của ông được thành lập nhằm mục đích cổ vũ nền dân chủ và nhân quyền tại Campuchia, đồng thời là một trong những tổ chức dân sự nhận tiền viện trợ nhiều nhất từ Hoa Kỳ.
Nhưng chỉ mới hoạt động được 5 năm, Hoa Kỳ cắt viện, ông Kem Sokha quay lại chính trường thành lập đảng Nhân quyền. Và đảng này tham gia tranh cử đầu tiên trong cuộc bầu cử phổ thông vào tháng 7 năm 2008, thắng được 3 ghế trong quốc hội.