Chiều 19/9 công ty Vedan chính thức xin lỗi và có thể bị phạt 91 tỷ đồng vì những hành động hủy hoại môi trường nước suốt 14 năm qua. Vedan đang đối diện việc tạm ngừng hoạt động và có thể bị khởi tố hình sự.
Ô nhiễm trầm trọng
Sông Thị Vải dài khoảng 80 km thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Con sông chảy qua Saigon và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Một đoạn dài 10 km của con sông này nối liền một phần Đồng Nai và Bà rịa Vũng Tàu, đã bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm nay, nhiều người gọi là dòng sông chết.
Các nhà khoa học đánh giá bằng các công trình nghiên cứu và phân tích các chỉ số lý hoá và lên tiếng báo động từ 10 năm trước. TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường ở TPHCM cho rằng, sự phát triển kinh tế ở khu vực có con sông chảy qua đã phải trả giá:
Nếu muốn hệ sinh thái của con sông có thể phục hồi thì phải chặn tất cả nguồn thải vào trong con sông, thì Vedan một phần thôi còn lại nhiều nhà máy khác thì mấy bữa nay báo chí đăng là có năm hay sáu nhà máy nữa, tôi sợ rằng còn hơn như thế nữa. Nhiều khu công nghiệp của mình chưa có nhà máy xử lý nước thải, nên họ cứ đổ nước thải xuống sông.
TS Nguyễn Trung Việt
Chuyện Vedan gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải thì phải xử lý thôi, xử lý chặt chẽ nữa là khác. Lúc trước mười mấy km sông Thị Vải trước khi có Vedan, đã được quy hoạch thành khu để phát triển thủy sản của tỉnh Đồng Nai, từ mép nước lên bờ có nơi rộng đến khoảng từ 1 đến 2 km, cả một diện tích rộng lớn để phát triển thủy sản thì khi mà có Vedan thì nó đã mất sạch không còn miếng nào, cả cái ấy chả làm gì được nữa .
Đấy là một trong những thiệt hại của mình, đấy là sự đánh đổi giữa phát triển công nghiệp và phát triển nông ngư nghiệp. Còn việc phải xử lý như thế nào, ảnh hưởng của nó tới thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng thiệt hại kinh tế liên quan tới sức khoẻ con người rồi ảnh hưởng tới kinh tế xã hội, ảnh hưởng cả tới niềm tin vào hệ thống quản lý của mình là những việc cần phải có thời gian mới làm được.
Nếu muốn hệ sinh thái của con sông có thể phục hồi thì phải chặn tất cả nguồn thải vào trong con sông, thì Vedan một phần thôi còn lại nhiều nhà máy khác thì mấy bữa nay báo chí đăng là có năm hay sáu nhà máy nữa, tôi sợ rằng còn hơn như thế nữa. Nhiều khu công nghiệp của mình chưa có nhà máy xử lý nước thải, nên họ cứ đổ nước thải xuống sông. Việc này phải chấm dứt, nhưng phải đến một thời kinh phát triển kinh tế nào đấy, thì người ta mới dám động đến chuyện ấy.
Vedan đánh lừa để trục lợi
Hàng chục bài viết, phóng sự, đã được các báo đưa lên mạng liên tiếp. Câu chuyện công ty Vedan xả trực tiếp ra nguồn nước các chất thải công nghiệp, không phải là chuyện mới mẻ gì. Nhưng vụ bắt quả tang đầy đủ chứng cớ với các tình tiết khá ly kỳ, được xem là một hành động ngoạn mục nhất từ trước tới nay về vấn đề bảo vệ môi trường.
Hầu như tất cả các báo đều có đưa tin tường thuật. Tuổi Trẻ, Vietnam Net, Người Lao Động đã gây được sự chú ý của công luận. Theo đó các điều tra viên của Cục Cảnh Sát Môi Trường và Thanh Tra Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã thực hiện chuyên án kéo dài 6 tháng, để cuối cùng ngày 12/9 đã bắt quả tang công ty Vedan đang xả nước thải độc hại vào nguồn nước sông Thị Vải.
Ước tính mỗi ngày Vedan xả 5 ngàn mét khối nước thải thô chưa xử lý xuống lòng sông Thị Vải, và như thế đã có bao nhiêu chục triệu mét khối nước thải thô do Vedan thải ra trong 14 năm qua.
Công ty Vedan 100% vốn Đài Loan được xem là nhà đầu tư lớn, cơ ngơi phủ trùm 120 ha ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai. Tại đây, Vedan đã đưa vào hoạt động, nhà máy xút-clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy lysine. Các hoạt động sản xuất thực tế khởi sự từ năm 1994.
Theo VietnamNet, Vedan bề ngoài có xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải, hồ chứa nước cho sản xuất 60.000 m3. Tuy vậy Vedan lại thiết kế một hệ thống ngầm rất tinh vi để xả thẳng nước thải độc hại bố trí các van đóng mở tự động và ống ngầm để đưa nước thải thô xuống đáy sông.
Trong trường hợp bị kiểm tra, chuyên viên chỉ cần một động tác là có thể biểu diễn hệ thống xử lý nước thải chính thức, qua mặt thanh tra. Vận hành hệ thống xử lý nước thải rất tốn kém, nên Vedan đã trục lợi bằng hoạt động phi pháp kéo dài 14 năm, bất chấp việc làm tổn hại môi trường nước sông Thị Vải, đến nỗi toàn vùng bay mùi hôi thối nước sông đen ngòm, sông Thị Vải hấp hối, không còn nguồn lợi tôm cá.
Theo tôi, trên thực tế các xí nghiệp công nghiệp họ chạy theo lợi nhuận nhiều hơn việc quan tâm tới vấn đề môi trường, rõ ràng cái đó là một thử thách rất lớn hiện tại.
GSTS Lâm Minh Triết
Thật ra dọc theo sông Thị Vải, không chỉ có Vedan xả nước thải trực tiếp ra nguồn nước, gần chục nhà máy khác trong khu vực cũng làm chuyện này nhưng không ở mức độ như Vedan.
Môi trường sống bị hủy hoại
Trả lời Nam Nguyên, GSTS Lâm Minh Triết, Viện Đại Học Quốc Gia TPHCM, một nhà nghiên cứu tên tuổi về lãnh vực môi trường đã đưa ra nhận định:
Đã báo động rằng trong phát triển kinh tế xã hội phải quan tâm tới chuyện bảo vệ môi trường để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững. Nhà nước cũng hết sức cố gắng có chỉ đạo, có những quy định những luật để làm sao có thể phát triển bền vững nếu không như thông báo từ lâu, nó sẽ dẫn đến như các nước khác là ô nhiễm môi trường mình khắc phục nó thì tốn kém rất nhiều lần so với cái mình đầu tư hiện tại.
Theo tôi, trên thực tế các xí nghiệp công nghiệp họ chạy theo lợi nhuận nhiều hơn việc quan tâm tới vấn đề môi trường, rõ ràng cái đó là một thử thách rất lớn hiện tại. Bây giờ phải làm gì để giải quyết, theo tôi nghĩ Nhà Nước đã có những chủ trương mạnh mẽ hơn, không phát triển kinh tế xã hội bằng mọi cách bằng mọi giá.
Giờ đã đến lúc mình phải tuân thủ luật pháp VN đã có bằng quyết tâm thì bây giờ cũng chưa muộn để có thể cải thiện quan điểm hay điều kiện môi trường.
GSTS Lâm Minh Triết hy vọng nhiều ở các thế hệ tương lai, sẽ có nhận thức đúng mức về vấn đề bảo vệ môi trường. Ông nói:
Chúng tôi là những người làm khoa học, cũng giảng dạy đào tạo cho các em, để khi ra trường có nhận thức đúng đắn góp vấn vào việc cải thiện môi trường, để đất nước có thể có điều kiện theo hướng phát triển bền vững. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những biện pháp mạnh mẽ khả thi, áp dụng công nghệ tiên tiến xử lý đạt yêu cầu để cho các dòng sông có khả năng tự làm sạch. Nhưng mà con sông Thị Vải thì có lẽ sẽ rất khó.
Sự kiện Vedan gây phẫn nộ trong công luận và khiến chính phủ phải bối rối. Theo Vietnam Net ngày 17/9 tại tỉnh Phú Thọ, Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết mô tả vụ việc công ty Vedan đổ nước thải làm ô nhiễm sông Thị Vải là bài học đắt giá đối với cơ quan quản lý cũng như các cơ sở công nghiệp.
Tờ Tuổi Trẻ ngày 16/9, trích ý kiến giới luật gia nói rằng, Vedan sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trong đó có vấn đề cải tạo nguồn nước sông Thị Vải. Ngoài ra các người dân sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ sông Thị Vải, bị thiệt hại về kinh tế hoặc sức khoẻ đều có thể khởi kiện công ty Vedan.
Dư luận báo chí và người dân đặt nghi vấn về việc, làm thế nào một công ty sản xuất lớn, nhiều nhà máy như Vedan lại có thể kéo dài việc xả trực tiếp nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông Thị Vải hơn chục năm. Những lần chính quyền xử lý thì cũng chỉ ra mức phạt vài chục triệu đồng mà thôi.
Ngày 19/9/2008, trên báo Người Lao Động Online, ông Ao Văn Thinh chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận quản lý kém nên để xảy ra vụ việc. Tuy nhiên ông Thinh cho rằng thủ đoạn của Vedan quá tinh vi, phải nhờ đến lực lượng cảnh sát môi trường mới phát hiện được.
Ông chủ tịch tỉnh Đồng Nai còn tự đặt câu hỏi là, nếu như sau khi đóng cửa nhà máy Vedan mà tình hình ô nhiễm ở sông Thị Vải vẫn còn thì sao.
Chuyện xử lý công ty Vedan sẽ diễn biến như thế nào, sẽ có ai phải vào tù hay không là điều độc giả các báo thắc mắc. Tuy vậy, trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, quyền lợi kinh tế thường được chính quyền chú trọng hơn.