Nam Nguyên trình bày vấn đề này:
Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhân trao đổi với báo chí đầu năm Canh Dần kể rằng, con gái ông đã hỏi ông làm việc thế nào mà nhiều người chất vấn về điều hành lúa gạo đến thế. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói, câu hỏi thoạt nghe tưởng rất đơn giản nhưng rất khó trả lời thật ngọn ngành và khiến ông nhiều trăn trở.
Nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi
Ngành lương thực Việt Nam mỗi năm đều xuất khẩu trên dưới 5 triệu tấn gạo, riêng năm 2009 còn đạt kỷ lục xuất khẩu tới 6 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ đô la. Nếu nói về chỉ tiêu chính phủ đặt ra thì quả những con số vừa nêu là ấn tượng, tuy nhiên nếu hỏi người nông dân làm ra hạt lúa có được hưởng lợi nhuận xứng đáng với công sức của họ hay không, thì đây lại là một câu hỏi khó cho những người phụ trách công tác điều hành lúa gạo.
Xuất khẩu gạo chỉ là phần cuối. Xuất khẩu gạo và lợi nhuận của người nông dân là một vấn đề lớn hơn nhiều…
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội từng có nhận định:
“Xuất khẩu gạo chỉ là phần cuối. Xuất khẩu gạo và lợi nhuận của người nông dân là một vấn đề lớn hơn nhiều, bao gồm cả qui trình sản xuất, phương tiện phơi sấy, chế biến và tồn trữ; rồi thì mối quan hệ giữa người nông dân, người chế biến, người thu mua và nhà xuất khẩu; rồi vấn đề để cho nông dân tiếp cận được các thông tin thị trường thì đấy là chuyện rộng lớn hơn. Tôi nghĩ xuất khẩu gạo chỉ là một phần của cả chuỗi vấn đề mà tất cả đều cần được giải quyết.”

Trong nhiều năm liền, hoạt động điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ đạo. Tuy nhiên việc thực hiện được giao cho Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, mà quyền lực thực sự nằm trong tay ông Trương Thanh Phong, người vừa là Chủ Tịch Hiệp Hội đồng thời là Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam. Hai Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam và Miền Bắc chi phối tới 60% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, do được đặc trách dự thầu mua bán gạo trực tiếp giữa các chính phủ, quen gọi là là hợp đồng chính phủ.
Trong những năm 2007, 2008 và đầu năm 2009, hoạt động điều hành xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi.
Tình hình tồi tệ nhất xảy ra vào vụ lúa hè thu 2008, khi Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam loan báo ngừng xuất khẩu hồi tháng 4 năm ấy, dẫn tới hàng triệu tấn lúa hè thu của nông dân bị rớt giá thậm chí không có người mua.
Hy vọng đừng sụt giá, nhà nước ăn bằng bằng cho nhân dân được phấn khởi, bây giờ ngày nào cũng đi ra thăm đồng hết trơn để chăm sóc cây lúa đạt năng suất cao, nếu thu nhập một vụ mà thất bát thì buồn lắm.
Một nông dân ĐBSCL
Ngay trong những ngày đầu năm Canh Dần, một người làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ những ước mong đơn giản là giá cả ổn định thị trường điều hòa:
“Hy vọng đừng sụt giá, nhà nước ăn bằng bằng cho nhân dân được phấn khởi, bây giờ ngày nào cũng đi ra thăm đồng hết trơn để chăm sóc cây lúa đạt năng suất cao, nếu thu nhập một vụ mà thất bát thì buồn lắm.”
Cần được cơ giới hóa
Giới chuyên gia và doanh nhân nói với chúng tôi, câu hỏi của ái nữ Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng không khó đến nỗi không thể trả lời ngọn ngành được. Thật ra một quốc gia tham gia xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế cần hội đủ một số điều kiện, nhất là khi xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới như Việt Nam. Những điều kiện đó là doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nguồn tài chánh lớn, có đủ hệ thống kho tồn trữ hiện đại và sau hết khâu dự báo thị trường nhạy bén.
Ngành lương thực Việt Nam hoàn toàn bị động đối với những điều kiện vừa nói. Hoạt động xuất khẩu gạo theo kiểu ăn xổi ở thì, mua vào bán ra nhanh chóng, hạt gạo không bao giờ được tồn trữ quá vài tháng, trong khi Thái Lan có đủ hệ thống kho đạt chuẩn, chính phủ nước này từng mua trữ tới 6 triệu tấn gạo chờ cơ hội giá tốt mới bán ra.

Trong năm 2008, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có đủ vốn để mua gạo tồn trữ, lúc ấy để chống lạm phát lãi suất cho vay lên tới 18%-20% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, hơn nữa dù có vốn mua gạo nhưng mua xong cũng không có nhà kho đạt tiêu chuẩn để tồn trữ dài ngày. Đối với khâu dự báo, các nhà điều hành xuất khẩu gạo cũng lạc hậu về thông tin, hơn nữa dự báo đúng thì cũng cần có hệ thống kho có thể tồn trữ lâu dài.
Năm 2010 này, hoạt động sản xuất lúa gạo có nhiều chuyển biến, nghị định kinh doanh và xuất khẩu gạo được mô tả là có chú ý tới quyền lợi nông dân sắp được công bố. Trong khi đó, các Tổng Công Ty Lương Thực khởi động nhiều dự án xây dựng các tổ hợp chế biến và tồn trữ lúa gạo tân tiến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam từng bước tham gia vào việc mua lúa trực tiếp cho nông dân, thông qua hình thức tập trung giới thương lái, hàng xáo, nhà máy xay xát thành đơn vị vệ tinh cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Chủ tịch Hiệp Hội hứa hẹn đầu tư trở lại cho người trồng lúa một đô la mỗi tấn gạo xuất khẩu, ngân khoản này giúp khuyến nông, huấn luyện canh tác đúng phương pháp cho nông dân, cũng như nghiên cứu các giống lúa thích hợp xuất khẩu.