Bức tranh nhân quyền tại VN
2010.12.18
Dưa theo thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày “bức tranh nhân quyền” ấy như sau.
Một màu hồng?
Hồi tháng 8 năm nay, trong phiên họp với bà Magdalena Sepulveda, chuyên gia đặc trách các vấn đề nhân quyền và đói nghèo của Liên Hiệp Quốc, Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao VN, ông Phạm Gia Khiêm, khẳng định rằng “chính sách nhất quán của VN là bảo đảm quyền con người”.
Cách nay không lâu, một cuộc hội thảo do Tổng Cục An Ninh Bộ Công An VN tổ chức ở Huế cũng khẳng định rằng “Toàn thể nhân dân VN đang sinh sống, làm việc trong 1 môi trường hoàn toàn bảo đảm tốt về mặt nhân quyền; Đảng và Nhà nước VN luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo tự do hoạt động phù hợp với pháp luật của Nhà nước VN, phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc VN”.
Ngược đãi tôn giáo
Giữa lúc VN tô một bức tranh màu hồng nhân quyền trong nước, thì hôm thứ Năm, các dân biểu Hoa Kỳ thông qua 1 nghị quyết do dân biểu Đảng Cộng Hòa Ed Royce soạn thảo yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa VN trở lại danh sách CPC, tức danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về đàn áp tôn giáo.
Dân biểu Ed Royce cho biết “…nghị quyết nầy đặt vào hồ sơ của Hạ Viện Hoa Kỳ coi rằng sự ngược đãi về tôn giáo ở Việt Nam không thể chấp nhận được. Nếu Việt Nam muốn có mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ, Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của dân chúng, trong đó bao gồm quyền tự do tôn giáo.”
Có nhiều thí dụ rất rõ ràng về những gì đang diễn ra tại VN hôm nay, cụ thể là quá trình cải thiện nhân quyền ở VN không tiến triển mà ngược lại là đằng khác.
Dân biểu Ed Royce
Lên tiếng với Đài ACTD mới đây, Dân biểu Ed Royce nói rằng:
“Có nhiều thí dụ rất rõ ràng về những gì đang diễn ra tại VN hôm nay, cụ thể là quá trình cải thiện nhân quyền ở VN không tiến triển mà ngược lại là đằng khác”.
Vẫn theo nhà lập pháp này thì Hoa Kỳ muốn thấy có tự do tôn giáo trọn vẹn tại VN, chứ không phải trong tình trạng người dân sống đời sống Đức Tin của họ theo khuôn khổ của nhà nước.
Cách đây khoảng 1 tuần, tại cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ diễn ra ở Hà Nội giữa ông Michael Posner, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và Thứ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh, ông Posner lưu ý rằng sự tiến bộ về nhân quyền là điều thiết yếu cho sự phát triển mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và VN.
Đàn áp gia tăng
Ngay trước thời điểm kỷ niệm 62 năm Ngày Quốc Tế Nhân quyền, Đại sứ Mỹ tại VN, ông Michael Michalak, nhận xét rằng trong thời gian gần đây,tình trạng vi phạm nhân quyền và những vụ bắt bớ gia tăng tại VN, qua đó nhà cầm quyền VN hạn chế gắt gao tự do Internet cũng như đàn áp những nhà bất đồng chính kiến dù họ chỉ bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.
Đại sứ Michalak nêu lên con số cụ thể là từ cuối năm ngoái cho tới gần đây, có trên 24 người bị tù đày và 14 người khác bị kết tội cũng vì chính kiến ôn hòa của mình.
Mặc dù Washington và Hà Nội hợp tác và phát triển nhiều lãnh vực, từ thương mại tới cả quân sự, kể từ khi hai nước cựu thù này bình thường hóa bang giao cách nay 15 năm, nhưng Hoa Kỳ, và nhất là những tổ chức quốc tế nhân quyền, thường xuyên thúc giục VN cải thiện thành tích nhân quyền xem chừng như ngày càng tồi tệ hơn.
Theo tạp chí Asia Times, thì Hoa Kỳ gia tăng mối quan hệ chiến lược với VN nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của TQ, nhưng nghi vấn hiện đến trong tâm trí nhiều người về phương cách mà Washington ứng phó với hành động vi phạm nhân quyền rõ rệt và tiếp diễn của Hà Nội.
Bài tựa đề tạm hiểu là “Sự Khó Xử Về Lương Tâm của Tổng Thống Obama liên quan VN” trong tạp chí vừa nói đề cập tới mối quan ngại của những nhà dân chủ VN rằng nhân quyền, 1 vấn đề từng có vai trò chủ chốt để Hoa Kỳ dựa vào đó mà tái lập mối quan hệ mậu dịch bình thường và ủng hộ VN vào Tổ chức Thương Mại Thế Giới, giờ bị hạ xuống hàng không ưu tiên trong lãnh vực ngoại giao.
Những tháng gần đây, Bộ Chính trị Đảng CSVN đã ra lệnh cho công an, mật vụ đàn áp có hệ thống, vi phạm những quyền căn bản nhất của dân tộc ta, chẳng hạn như bịt miệng, bắt giam những ai dám lên tiếng đòi nhân quyền, tự do, dân chủ.
BS Nguyễn Đan Quế
Qua bài tựa đề “VN đàn áp những nhà bất đồng chính kiến”, tạp chí The Economist của Anh cũng lưu ý về việc nhà nước VN cho thấy quyết tâm làm im hơi bặt tiếng những tiếng nói bất đồng, từ giới luật sư bảo vệ nhân quyền nổi tiếng cho tới giới viết nhật ký trên mạng vốn phản ánh thực trạng tiêu cực trong nước hay mối quan hệ sâu sát Việt-Trung – mà nếu nói theo tác giả Chu Việt trên blog Việt Thức, thì thực chất là “mối quan hệ thầy-trò”.
Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về VN thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc tại Canberra, thì hành động của Hà Nội có thể vì quan ngại rằng những nhóm bất đồng chính kiến, từ các tu sĩ Phật Giáo, Công Giáo cho tới bloggers, có thể sau cùng rồi hợp tác với nhau quanh các vấn đề ấy, nhất là việc chống ảnh hưởng bành trướng ngày càng tăng của Hoa Lục tại VN.
Lên tiếng vài ngày trước thời điểm kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền vừa qua, nhà dân chủ trong nước, BS Nguyễn Đan Quế cũng lưu ý với công luận rằng:
“Những tháng gần đây, Bộ Chính trị Đảng CSVN đã ra lệnh cho công an, mật vụ đàn áp có hệ thống, vi phạm những quyền căn bản nhất của dân tộc ta, chẳng hạn như bịt miệng, bắt giam những ai dám lên tiếng đòi nhân quyền, tự do, dân chủ”.
Công an lạm quyền
Cách nay chưa lâu, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng, khi tham dự 1 hội nghị đánh dấu 65 năm ngày thành lập lực lượng công an của nước VNCS, đã kêu gọi giới công lực này hãy đập tan mọi tổ chức nào dám đe dọa tới quyền lực của đảng CS.
Nhắc tới công an, có lẽ nhiều người còn nhớ Thiền Sư Nhất Hạnh lên tiếng về vụ đàn áp đẫm máu của công an kết hợp với xã hội đen ở Tu Viện Bát Nhã. Thiền Sư Nhất Hạnh nhận xét rằng họ “tuy hai mà là một”.
Tình hình nhân quyền đáng ngại như vậy tại VN hẳn gây chú ý đặc biệt đối với Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trụ sở tại New York, Hoa Kỳ. Mới đây Human Rights Watch công bố 1 bản phúc trình về hành động lạm quyền có hệ thống của công an VN, nhất là khiến xảy ra nhiều trường hợp từ những nhà bất đồng chính kiến tới dân thường bị tra tấn hay tử vong ngay trong đồn công an.
Theo dòng thời sự:
- Nghị quyết đưa VN trở lại danh sách CPC
- Nhân quyền Việt Nam nhìn từ bên ngoài
- Sinh hoạt tôn giáo tại VN theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ
- Việt Nam phản bác bản báo cáo của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo tại Việt Nam
- Giải tỏa Hội thánh Mennonite có đúng luật?
- Nghĩ về VN Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền
- Nhân quyền là yếu tố quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ
- Cách hành xử của công an đối với dân?
- Thực trạng tôn giáo tại Việt Nam và khu vực